Chuyến đi 'bão táp'

ĐBP - Sau gần 10 năm gắn bó với nghề, tôi đã tích lũy cho mình không ít kiến thức, kinh nghiệm và cả những kỷ niệm, mà có lẽ gia tài lớn nhất đó là những chuyến đi. Mỗi hành trình đều để lại trong tôi những ấn tượng riêng, song chuyến đi 'bão táp' ngày 3/9/2018 là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo.

Ý tưởng cho chuyến đi ấy hình thành sau khi tôi nhận được clip từ cơ sở gửi về, ghi lại quá trình một số thầy, cô giáo và học sinh của Trường THCS Na Sang (huyện Mường Chà) phải “đánh cược” tính mạng với tử thần, chui vào túi nilon để vượt suối đến lớp. Clip chỉ được quay bằng chiếc điện thoại thông minh nên chất lượng hình ảnh vẫn kém. Song khi tác phẩm báo chí phản ánh việc học sinh phải chui túi nilon qua suối được đăng tải khiến người xem không khỏi ái ngại, xót xa. Công tác ở Ðiện Biên bấy nhiêu năm, tôi đã chứng kiến không ít hình ảnh trẻ em vùng cao vượt khó đến trường, song hành trình của bọn trẻ ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang khiến tôi phải trăn trở…

Ðường vào bản Huổi Hạ, xã Na Sang (huyện Mường Chà) phải vượt qua con suối Nậm Chim bằng cách chui túi nilon hoặc đi bè tre.

Ðường vào bản Huổi Hạ, xã Na Sang (huyện Mường Chà) phải vượt qua con suối Nậm Chim bằng cách chui túi nilon hoặc đi bè tre.

Ngày 3/9/2018, tôi cùng nhóm đồng nghiệp hiện đang công tác tại một số cơ quan báo chí Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh quyết định lên đường, mang theo ý tưởng xây dựng một phóng sự chân thực, để chia sẻ những khó khăn với giáo dục vùng cao đúng dịp khai giảng năm học mới; đồng thời truyền đi thông điệp đầy tính nhân văn về nghị lực vượt khó đến trường của học sinh vùng cao.

Những chiếc xe lăn bánh trong sự lo lắng của các thành viên trong đoàn, do thời tiết không ủng hộ. Cơn mưa cuối mùa ngày càng nặng hạt hơn, trong khi 1/3 hành trình là đường núi cheo leo. Sau quãng đường chừng gần 50km từ TP. Ðiện Biên Phủ đến trung tâm xã Na Sang, chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ dẫn lên bản Huổi Hạ - địa điểm được ghi trong clip. Ðây là một trong số ít bản người Mông xa xôi và khó khăn nhất của xã Na Sang, bị chia cắt với trung tâm không chỉ bởi quãng đường đất cheo leo gần 20km, mà thêm 2 con suối dữ Nậm Mức và Nậm Chim.

Thách thức đầu tiên là con suối Nậm Mức. Mặc dù nước không lớn, song do vào thời điểm mùa mưa nên chảy xiết. Không ít lần tôi và anh em trong đoàn phải thót tim khi chiếc xe như không chịu “nghe lời” tài xế, liên lục chệch bánh, do trèo lên những tảng đá bám đầy rong rêu trơn trượt dưới lòng suối. Bao nhiêu lần trượt, là bấy nhiêu lần hoảng sợ, thế nhưng đó mới chỉ là bắt đầu!

Mưa không có dấu hiệu ngớt, càng làm cho chặng đường ngược núi về Huổi Hạ trơn như đổ mỡ. Những tay lái mà tôi vẫn nghĩ là “cừ khôi” nay lại phải khuất phục trước con đường. Xe gần như không thể di chuyển suốt đoạn đường khoảng 1km đầu tiên, anh em phải hò nhau đẩy. “Xe không chở được người thì bỏ lại chứ không thể để người đẩy xe như thế này mãi được, biết bao giờ mới tới nơi?!” - sau câu nói của một thành viên trong đoàn, chúng tôi quyết định để xe lại.

Trải qua gần 3 giờ cuốc bộ với đủ thứ máy móc, đồ nghề tác nghiệp đeo trên người, 2 chân tôi như cứng lại, không thể di chuyển thêm. Chúng tôi quyết định dừng nghỉ tại một điểm dân cư gần đỉnh núi khi mặt trời đã đứng bóng. Dẫn đoàn hôm ấy có 2 cán bộ được xã cử đi hỗ trợ. Song chỉ đến điểm dân cư này, họ tìm lý do “bận việc xã” để thoái thác quay về, bỏ lại cánh phóng viên trong sự ngơ ngác.

Cố gắng tìm kiếm những chiếc xe chuyên dụng đi bản (loại xe do người dân tự sáng tạo thêm một số bộ phận như lốp được quấn xích tạo ma sát), từ chỗ đặt vấn đề nhờ, rồi sẵn sàng thuê với giá cao, song chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Trong lúc khó khăn nhất, lại cộng thêm đói, khát do nghĩ chỉ làm đến trưa về luôn nên không mang theo đồ ăn, nước uống, khiến chúng tôi kiệt sức. Nghĩ đến chặng đường đã qua, giờ phải về tay không là điều ai nấy đều không cam lòng. Nhanh chóng củng cố lại tinh thần, chúng tôi quyết định tiếp tục hành trình khi cơn mưa vẫn rả rích.

Suốt cả chặng đường, chanh, ổi, quả rừng chính là “cứu cánh” giúp chúng tôi tiếp nước, lấy sức đi tiếp. Cứ chừng 15 phút, anh em lại phải nghỉ một lần. Suốt 9 giờ đi bộ trên con đường ngược núi trơn trượt, tôi không đếm được số lần anh em trong đoàn phải “vồ ếch” hay ăn vội quả rừng… Chỉ biết rằng, khi nhìn thấy con suối Nậm Chim, phía bên kia là nhóm dân cư Huổi Hạ, cũng là lúc trời nhá nhem tối. Thân thể rã rời, quần áo nhuộm một màu vàng của đất đồi, những đôi chân phồng rộp tưởng chừng đã đủ. Nhưng thách thức lớn nhất lại chính là con suối dữ Nậm Chim.

Phía bên kia suối, trưởng bản Huổi Hạ Vừ A Giống đã chờ sẵn cùng với 1 chiếc bè tre và dây chõng. Thấy đoàn, trưởng bản Giống vui mừng, nhanh chóng vượt suối sang đón. “Sang nhanh thôi anh chị, không mưa thế này thêm chút nữa, nước lớn e là khó lòng sang được. Suối mùa lũ nên nước sâu lắm, cũng phải 5 - 7m, anh chị hết sức cẩn thận!”. Trong tích tắc, chúng tôi không có nhiều thời gian và sự lựa chọn, khi mà sức gần như đã kiệt, nhìn xung quanh bên này suối không hề có nhà dân, nếu quay lại phải mất nửa ngày đi bộ.

Nhắm mắt bước lên chiếc bè chòng chành, nước lớn cuồn cuộn, Trưởng bản Vừ A Giống vắt dây chõng qua ròng rọc, buộc vào bè rồi ra sức kéo, cùng với sự hỗ trợ của 2 thanh niên trong đoàn. Song, dường như sức người không lại được với sức nước. Cứ qua đến 1/3 dòng là phải dừng lại, thả trôi cho bè quay về vị trí cũ. Chiếc bè luôn trong trạng thái chìm dưới mặt nước chừng 30 - 40cm. Lần thứ 2 thử sức, Trưởng bản Giống cho giảm bớt số người lên bè, song cũng không hề dễ dàng. Phải mất tổng cộng 4 lần thử đi thử lại, “đánh vật” với con suối, và 2 lần thót tim vì cả trưởng bản và 1 thành viên trong đoàn trượt chân ngã nhào xuống suối. Chúng tôi chỉ biết nín thở, cho tới khi bè sang được đến bờ bên kia mới thở phào nhẹ nhõm...

Bài, ảnh: Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/170010/chuyen-di-%E2%80%9Cbao-tap%E2%80%9D