Chuyện đi bộ và bánh mì không là thiết yếu?

Đại dịch Covid-19 với các biến thể chủng mới của con virus SARS-CoV-2 làm cho cả thế giới và Việt Nam càng phải gồng mình chống dịch, chạy đua thời gian cứu sống mạng người. Út Mũi Né lược ghi vài câu chuyện thời đại dịch ở xứ ta.

Chuyện đi bộ và bánh mì không là

Chuyện đi bộ: Có 4 ngư dân nghèo họ Nguyễn, quê xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đánh cá thuê ở Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Sau chuyến đi biển thất bát, lại không bán được cá vì đại dịch bùng phát, chủ không có tiền chi trả cho những người đi bạn. Không tiền, không xe mà dịch thì đang rất cận kề, thế là từ sáng sớm ngày 19/7/2021 cả 4 ngư phủ đi bộ về quê. Dọc quốc lộ 1, qua các trạm kiểm dịch, không tờ giấy lận lưng, họ đành đóng vai nông dân đi làm đồng, né lội ruộng tránh trạm, sau lại lên quốc lộ 1 bách bộ về hướng Bắc. Đêm ghé trường học bỏ không ngủ tạm, ngày lại lên đường, đói và khát thì nhịn, ai thương thì cho ăn tạm, uống tạm cầm hơi. May thay nhà thiện tâm bà Minh Nguyệt ở Phú Yên biết được chuyện đã đến cơ quan Hội Chữ thập đỏ tỉnh nhà làm giấy tờ bảo lãnh, đánh xe riêng cứ dọc quốc lộ 1 mà tiếp cận để đón 4 ngư dân về quê nhà.

Trước đó chục ngày, xuất hiện đoàn đi bộ rồng rắn trên quốc lộ 1 hướng Nam - Bắc. Tiếp cận đoàn bộ hành, được biết họ có 47 thành viên người H’ rê quê huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuê cho chủ tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm. Chủ hết tiền, hết gạo, hết việc, đoàn người đành lui quân tránh đại dịch. Không xe, không tiền đành hành quân bộ về quê. Ngày đi đêm ngủ - tá túc ven đường, đói và khát, ai cho gì ăn nấy. Người dân thị xã Ninh Hòa phát hiện báo cho lãnh đạo địa phương và câu chuyện kết thúc có hậu. Đoàn người lập tức được 2 xe của quân đội hỗ trợ chu đáo, tiễn họ hồi hương thẳng huyện Ba Tơ. Thế mới biết, cuộc sống quanh ta - thời dịch bệnh bùng phát có bao điều để bàn. Cuộc sống người dân còn lắm gian truân, nhưng tình người vẫn luôn ấm áp - ngoại trừ ông chủ thuê nhân công, tuy khó khăn, có thể chỉ là vô tình, nên được chia sẻ và thể tất, nhưng dù sao vẫn chưa được chu toàn (?).

Chuyện chiếc bánh mì: Mấy bữa rày, thiên hạ râm ran chuyện ông phó chủ tịch phường ở một địa phương nọ có thái độ “thiếu chuẩn mực” đối với người yếu thế; dân gian huỵch toẹt ra là cậy quyền; theo cách nói của bà Cà Xợi Nam bộ là “không tình thương - mến thương”. Đã vậy, kiến thức, vốn sống của ông phó phường chỉ đáng một chữ “o tròn” to bằng cái hột vịt. Ổ bánh mì cho người lao động nghèo ăn trưa lúc đói lòng ở công trường cũng không phải là lương thực, không là hàng hóa thiết yếu”? Bánh mì không là lương thực thì là gì đây? Người ta không thể không đặt câu hỏi: “Trình độ cán bộ sao non kém vậy?”, hay “do tâm - đức”? “Thử cho ổng nhịn đói một bữa xem bánh mì có là thiết yếu?”. Chuyện ông phó phường và chiếc bánh mì chỉ là chuyện hi hữu, mong rằng chỉ là cá biệt, nhưng không thể không trưng ra, để soi chung.

Bình Thuận đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ; thị xã La Gi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - nghiêm cẩn hơn. Và cả Nam bộ thực thi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đang đồng lòng đồng sức chống dịch bệnh. Nhiều chuyến bay, chuyến xe nghĩa tình được chính quyền các địa phương ngoài miền Trung thiết lập tạm thời đưa người yếu thế, khó khăn - mất việc làm về quê nhà trong trật tự, cũng là cách chia lửa với đồng bào Sài Gòn nghĩa tình - yêu thương.

Cán bộ tận tâm, tận lực lo cho dân; dân sát cánh cùng cán bộ đẩy lùi dịch bệnh. Đẹp lắm - sự tỏa sáng lung linh vạn vạn những tấm lòng nhân ái yêu thương nhau, sát cánh cùng nhau, góp sức “chiến” với dịch bệnh, quyết thắng giặc Covid-19.

Út Mũi Né

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-de-va-su-kien/chuyen-di-bo-va-banh-mi-khong-la-thiet-yeu-139744.html