Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tín hiệu vui ở huyện Quang Bình

Trong những năm qua, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt tại huyện Quang Bình đã có sự chuyển dịch tích cực, diện tích đất lúa kém hiệu quả, khô hạn đã được khuyến khích chuyển dần sang các cây kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, địa lý và thổ nhưỡng từng vùng.

Mô hình trồng cây Thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân huyện Quang Bình.

Mô hình trồng cây Thanh long ruột đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao của nông dân huyện Quang Bình.

Là một trong những địa phương chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, huyện Quang Bình đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đề án tập trung phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích. Từ năm 2016, huyện đã tiến hành chuyển đổi trên 90 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có kinh tế cao như: Lạc, cam, ớt, bưởi, thanh long…

Gia đình ông Nguyễn Văn Viên thôn Hạ Thành, xã Bằng Lang là một trong những hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng 200 cây Thanh long ruột đỏ. Sau hơn 2 năm triển khai gia đình đã thu về trên 30 triệu đồng/mỗi vụ. Theo ông Viên loại cây ăn quả này không mất công chăm sóc mà lại cho giá trị kinh tế cao. Với 30 - 35.000 đồng/kg, mỗi gốc Thanh long cho hàng chục kg quả. Năng suất cao, có giá trị kinh tế, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả, cây kinh tế cao đang là một cách làm hiệu quả của người dân nơi đây.

Các xã vùng động lực phát triển kinh tế của huyện như: Vĩ Thượng, Bằng Lang, Xuân Giang, Tân Trịnh, Tiên Yên… cũng đã phát huy lợi thế quỹ đất sẵn có, tuyên truyền từng thôn, bản triển khai chuyển đổi diện tích đất theo từng vùng, tư vấn hỗ trợ người dân lựa chọn cây trồng phù hợp với từng loại đất, quy mô diện tích, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, khuyến khích nhân dân mở rộng, đa dạng hóa cây trồng. Các xã vùng này coi cây Lạc là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao tạo “luồng gió mới” góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Quang Bình những năm trở lại đây. Xác định được giá trị kinh tế của cây Lạc, vụ Đông -Xuân 2019 huyện đã đẩy mạnh diện tích trồng lạc lên 2.248 ha, trong đó chuyển đổi 91,6 ha đất trồng lúa sang trồng lạc, năng suất đạt 26,71 tạ/ha, sản lượng đạt trên 6.000 tấn, giá thu mua từ 12 - 14.000 đồng/kg những gia đình trồng diện tích lớn thu về trên 10 triệu đồng/vụ. Cây lạc đang dần trở thành cây kinh tế đầy tiềm năng trong phát triển nông nghiệp của huyện.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đặc biệt là chuyển đất trồng lúa sang canh tác các loại cây giá trị kinh tế cao bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân trong huyện. Thời gian tới huyện tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, cơ chế hỗ trợ, xây dựng các vùng chuyên canh, đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài, ảnh: Kỳ Duyên - Hoàng Tuấn (Quang Bình)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201909/chuyen-dich-co-cau-cay-trong-tin-hieu-vui-o-huyen-quang-binh-749483/