Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Khánh Yên Hạ

Với đặc thù là xã thuần nông nên trong lãnh đạo phát triển kinh tế, cấp ủy đảng, chính quyền xã Khánh Yên Hạ đặc biệt coi trọng việc triển khai các mô hình kinh tế liên quan đến chăn nuôi, trồng rừng, cấy lúa chất lượng cao. Tại những diện tích ruộng trồng lúa không hiệu quả, xã vận động người dân chuyển đổi sang trồng rau trái vụ và cây ăn quả, đào ao thả cá, đưa các giống nông nghiệp chất lượng cao vào canh tác để nâng sản lượng. Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên thu nhập bình quân đầu người ở xã Khánh Yên Hạ (huyện Văn Bàn) đã tăng từ 18,6 triệu đồng (năm 2015) lên gần 34 triệu đồng (năm 2019).

Sản xuất gạch không nung tại xã Khánh Yên Hạ.

Sản xuất gạch không nung tại xã Khánh Yên Hạ.

Theo ông Ma Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã, năm 2019, năng suất lúa của xã bình quân đạt 70 tạ/ha, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 80 triệu đồng. Xã phấn đấu nâng giá trị canh tác lên 100 triệu đồng/ha trong thời gian tới. Để thực hiện mục tiêu này, xã sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa với các cây trồng chủ lực và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, xã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô, loại hình kinh tế hộ gia đình, phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở rộng các ngành nghề, xưởng sản xuất vật liệu xây dựng và thương mại, dịch vụ.

Dù mới khởi nghiệp được 3 năm nhưng anh Hà Văn Phấn (thôn Phát Cưởm) đã có trong tay cơ ngơi khang trang với nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2017, anh bắt đầu tập trung phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng lợi thế về quỹ đất của gia đình rộng, anh đầu tư nuôi gia súc, thủy cầm và thả cá. Được bố mẹ chia cho khu đất nằm bên trục đường liên thôn, anh đã vay vốn ngân hàng để mở cửa hàng vật liệu xây dựng, đầu tư máy đóng gạch không nung. Trung bình mỗi ngày, với 4 lao động, xưởng vật liệu của gia đình anh sản xuất hơn 3.000 viên gạch, đáp ứng nhu cầu xây dựng của bà con trong xã. Sau 3 năm lập nghiệp, anh đã trả hết nợ ngân hàng, sắm thêm ô tô, máy xúc để phục vụ sản xuất. Mỗi năm, anh Phấn thu lãi 500 triệu đồng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mơ (thôn Pắc Sung) cũng là một trong những hộ có kinh tế khá nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trước đây, gia đình bà chỉ phát triển kinh tế theo hướng tự cấp tự túc, không chú trọng đưa giống có năng suất cao vào canh tác. Từ năm 2013 đến nay, sau khi được tham dự các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi tại xã, bà đã chuyển sang chăn nuôi với quy mô lớn hơn: 20 con bò và hơn 500 con gà. Diện tích đất đồi quanh nhà được bà quy hoạch trồng 500 gốc bưởi Diễn để bán vào dịp Tết hằng năm. Gia đình bà còn đầu tư nuôi các loại cá với diện tích mặt nước hơn 5 sào. Mỗi năm, bà Mơ lãi hơn 200 triệu đồng.

Anh Phấn và bà Mơ chỉ là 2 trong nhiều hộ ở xã Khánh Yên Hạ chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiệu quả trong những năm qua. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo của Khánh Yên Hạ đã giảm từ 16,2% (năm 2015) xuống còn 5,6% (cuối năm 2019). Trong nông nghiệp, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa như vùng trồng lúa chất lượng cao tại các thôn Văn Tâm, Bô 1, Bô 2, Phát Cưởm, Sung, Lảng; trồng cây ăn quả tại các thôn Độc Lập, Pắc Sung; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tại các thôn Pắc Sung, Xuân Khánh, Phát Cưởm; vùng chăn nuôi đại gia súc tại thôn Lảng 2, Sung 1 + 2...

Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu nâng thu nhập bình quân của người dân, Khánh Yên Hạ sẽ chú trọng thực hiện cánh đồng một giống, mở rộng diện tích cấy lúa đặc sản, lựa chọn bộ giống tốt, có năng suất cao vào sản xuất đại trà. Xã cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và triển khai rộng mô hình sản xuất rau công nghệ cao; chủ động ứng dụng hệ thống canh tác cải tiến (SRI), cấy hiệu ứng hàng biên và thực hiện liên kết trong sản xuất lúa để nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 đơn vị diện tích canh tác...

Ngân Hà

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/chuyen-dich-co-cau-kinh-te-o-khanh-yen-ha-z36n20200220080701397.htm