Chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm bền vững
PTĐT - Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn nhằm giải quyết việc làm bền vững trở thành nhiệm vụ quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một phát triển theo hướng hiện đại.
Nỗ lực chuyển dịch cơ cấu lao động
Trên 71.000 người trong độ tuổi lao động là lợi thế để huyện miền núi Hạ Hòa thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng đến mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện đã quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã mở gần 200 lớp đào tạo sơ cấp nghề theo Đề án 1956 cho khoảng 6.600 lao động nông thôn ở lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Ông Vũ Đức Hùng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện cho biết: Không chỉ đào tạo nghề nông nghiệp như: Kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, lợn, trâu bò; trồng lúa, ngô năng suất cao…, huyện còn định hướng đào tạo theo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm giảm dần tỷ trọng phát triển nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Do đó, trong 10 năm qua, đã có hơn 2.100 lao động được đào tạo ngành nghề: May mặc, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật điện, điện tử… Số lao động nông thôn tìm được việc làm sau học nghề tăng lên từng năm, chiếm tỷ lệ khoảng 96% tổng số lao động được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
Chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn đã tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn huyện Hạ Hòa nói riêng và toàn tỉnh nói chung được tiếp cận kiến thức khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm khu vực phi nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Từ năm 2010 đến 2019, đã có khoảng 37.000 lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo theo Đề án 1956 của Chính phủ, nhờ đó góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Cùng với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các dự án hỗ trợ việc làm được lồng ghép hiệu quả với các chương trình phát triển kinh tế: Phát triển khu cụm công nghiệp, làng nghề, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn đã tạo việc làm tăng thêm cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giải quyết việc làm cho trên 390.000 người (chiếm 45,51% lực lượng lao động đang làm việc). Tích cực góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động khu vực nông thôn, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân cho hàng nghìn dự án vay vốn, tạo việc làm cho gần 10.000 người. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp và 75 làng nghề đã thu hút, tạo việc làm cho khoảng 160.000 lao động, trong đó trên 38.500 người làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, gần 21.000 lao động ở các làng nghề. Làng nghề truyền thống bên cạnh giá trị biểu tượng văn hóa trong thời kỳ mở cửa còn đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương. Từ các làng nghề như làm bún bánh Hùng Lô, nón lá Sai Nga, nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, mộc Dư Ba, chè Đá Hen… đã giúp hàng nghìn lao động “ly nông bất ly hương”, nâng cao thu nhập từ nghề truyền thống. Một trong những giải pháp quan trọng tạo việc làm tiến tới đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động là tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Vài năm gần đây, trung bình mỗi năm Trung tâm dịch vụ việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH) tổ chức gần chục phiên giao dịch với sự tham gia của khoảng 50 doanh nghiệp tuyển dụng/phiên, thu hút khoảng 500 lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Tỷ lệ lao động tìm được việc làm qua Trung tâm chiếm khoảng 83,3%, đáp ứng 65,7% nhu cầu tuyển dụng các vị trí việc làm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác xuất khẩu lao động cũng có tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng tích cực. Toàn tỉnh hiện có trên 8.000 lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó khoảng 6.200 lao động ở khu vực nông thôn. Bình quân mỗi năm có khoảng 2.700 người đi xuất khẩu lao động, chiếm 18,6% so tổng số người được tạo việc làm mới của tỉnh.
Giải quyết việc làm bền vững
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có trên 858.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động ở khu vực nông thôn chiếm trên 81%. Cuối năm 2019, lao động đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 52,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,9%; khu vực dịch vụ chiếm 22,7%. Mỗi năm có từ 15.000 - 16.000 người được tạo việc làm mới. Lực lượng lao động tăng 1,2-1,4%/năm. Nhìn chung đời sống, việc làm của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Hiện nay, lao động khu vực nông nghiệp chủ yếu ở độ tuổi trung niên (từ 35 tuổi trở lên). Lao động trẻ phần lớn dịch chuyển sang khu vực công nghiệp, dịch vụ với mức thu nhập cao hơn so với khu vực nông thôn. Vì thế, nhiều nơi trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng nông dân không mặn mà với ruộng đồng, bỏ vụ, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất nông nghiệp. Đa phần người lao động ít ở địa phương, chủ yếu là đi lao động và làm việc tại các khu công nghiệp với thu nhập cao hơn, đã làm sản lượng lương thực toàn tỉnh sụt giảm khoảng 21.000 tấn.
Mặc dù cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực từ nông, lâm nghiệp, nuôi thủy sản sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, tuy nhiên tốc độ chuyển dịch còn chậm. Giai đoạn 2015-2019, tỷ trọng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm 4,8% (từ 57,2% năm 2015 xuống 52,4% năm 2019), tương ứng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 3% và dịch vụ tăng 1,8%. Mặt khác, trước yêu cầu sản xuất hàng hóa của nền kinh tế thị trường, trình độ tay nghề của lao động nông thôn trong tỉnh còn chưa đáp ứng, vì vậy, khả năng chuyển đổi ngành nghề từ khu vực nông, lâm, thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nhằm thay đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm và không đồng đều giữa các vùng, địa phương, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Để hỗ trợ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có dự báo nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo, ngành nghề mới cũng như nhu cầu sử dụng lao động; số lao động dôi dư cần dịch chuyển khỏi khu vực nông nghiệp nông thôn. Cùng với đó là thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án tích tụ ruộng đất đồng bộ, phát triển theo hướng hiện đại hóa, hiệu quả, bền vững. Đối với ngành Lao động, việc nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn sẽ góp phần tăng cơ hội việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực này. Chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hỗ trợ đào tạo nghề bằng các biện pháp như điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước, đặc biệt là các cơ sở ở tuyến huyện. Phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý dạy nghề và hỗ trợ trực tiếp cho lao động nông thôn học nghề. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, nâng cao chất lượng của các phiên giao dịch, tư vấn giới thiệu việc làm, trở thành cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh…