Chuyển dịch FDI vào Việt Nam: Xu hướng dòng vốn từ Trung Quốc

Dòng vốn FDI từ thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc đại lục, đang ngày càng tăng tốc nhờ sự tương đồng sâu sắc giữa hai nền kinh tế, được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi và sắp xếp lại, HSBC nhận định.

Đây là phân tích được ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh quốc tế, Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam đưa ra trong báo cáo mới với tiêu đề "Đón làn sóng đầu tư mới".

Xu hướng mới nhất của dòng vốn

Theo chuyên gia HSBC, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là từ khóa định nghĩa thành công của Việt Nam hôm nay và cũng là nguồn vốn mới thiết yếu duy trì khát vọng mở rộng và tăng trưởng của Việt Nam. Do đó, đảm bảo dòng vốn FDI bền vững vào Việt Nam là mục tiêu quan trọng cần được chú trọng lâu dài.

Theo ông Joon Suk Park, xu hướng mới nhất đang phản ánh sức chảy của dòng vốn đầu tư từ các thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chẳng hạn, Mixue, một thương hiệu trà sữa và kem hàng đầu, đã mở hơn 1.000 cửa hàng tại thị trường Việt Nam. Các công ty điện tử toàn cầu như Luxshare, Geortek, Foxconn, Pegatron, Compal tiếp tục đầu tư mạnh vào hệ sinh thái. Hualian Ceramic, một công ty gốm sứ gia dụng hàng đầu, có kế hoạch xây dựng một thung lũng gốm sứ. Sailun Group vừa cam kết đầu tư thêm vào nhà máy sản xuất lốp xe của họ.

Lotus Pharmaceuticals đã thực hiện các thương vụ mua lại để mở rộng sang ngành dược phẩm trong khi Deli Stationery (văn phòng phẩm), Sunwoda (pin) và United Imaging (chăm sóc sức khỏe) đều đang thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam.

Ông Joon Suk Park cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã phát triển và trở nên gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến vào lĩnh vực điện tử giá trị cao hơn và chứng kiến mức tăng trưởng xuất khẩu gấp 7 lần kể từ năm 2007. Trong đó, 70% xuất khẩu là từ các doanh nghiệp FDI. Những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu trong những năm qua chắc chắn là Hàn Quốc, với những gã khổng lồ như Samsung, LG, Hyundai, Lotte... Ngoài ra, Singapore và Nhật Bản cũng đã tham gia vào cuộc đua vốn đầu tư này và giành được thành công lớn.

Theo vị chuyên gia này, động lực của dòng vốn FDI cũng như danh sách nhà đầu tư đang có sự thay đổi kể từ nửa cuối năm 2023, rõ ràng hơn là vào năm 2024.

Dòng vốn từ thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc đại lục, đang ngày càng tăng tốc. Điều này là nhờ sự tương đồng sâu sắc giữa hai nền kinh tế, được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi và sắp xếp lại Ông Joon Suk Park, HSBC Việt Nam

Cùng với dòng chảy thương mại giữa hai thị trường Việt Nam - Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2007, nhìn từ góc độ dòng vốn FDI đăng ký mới, các hành lang thương mại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đang cùng đóng góp đến 60% tổng dòng vốn, trong khi năm 2022 chỉ chiếm 38%.

3 yếu tố thúc đẩy dòng vốn FDI từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan

Về vấn đề tại sao dòng FDI của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục lại đang gia tăng, bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đưa ra một vài nhận định.

Trước hết, Trung Quốc hiện đang là trung tâm của thương mại toàn cầu, nơi các biện pháp bảo hộ đang gia tăng. Khối lượng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc lên tới 3,5 nghìn tỷ USD, vượt Hoa Kỳ (2 nghìn tỷ USD) và Đức (1,7 nghìn tỷ USD).

Khu vực ASEAN hiện đang có thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng, nhưng phần nhiều đến từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng đang diễn ra. Các thị trường ASEAN thực ra được hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc để trở nên cạnh tranh trên thị trường, từ đó đạt được vị thế thặng dư thương mại với các thị trường còn lại trên thế giới.

Thứ hai, dòng đầu tư tăng cũng là phản ứng trước một thị trường nội địa đang tăng trưởng, nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong tổng dân số 100 triệu người, với độ tuổi tiếp cận các phương tiện truyền thông là 30 và lực lượng lao động chiếm tới 70% dân số. Nhà sản xuất xe điện số một Trung Quốc, BYD, gần đây đã gia nhập thị trường Việt Nam là một minh chứng.

Cuối cùng, các yếu tố cơ bản vẫn tiếp tục mạnh mẽ và hấp dẫn. Chẳng hạn, mức lương trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam thấp hơn so với Trung Quốc đại lục và thấp thứ 2 trong ASEAN sau Philippines,...

Việt Nam cũng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện cả FTA song phương và khu vực. Chỉ số Hạn chế quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế cởi mở nhất chỉ sau Singapore trong khu vực, trong khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định là 20% thể hiện lợi thế so sánh với các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Ông Joon Suk Park nhận định, hành lang thương mại và đầu tư với Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đang và sẽ tiếp tục là nguồn đầu tư dồi dào.

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi

Song, theo ông Joon Suk Park, theo những trở ngại về mặt cấu trúc vẫn còn, và cơ hội từ sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu cũng mở ra cho nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam.

"Các quốc gia láng giềng sẽ không đứng ngoài cuộc. Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đang triển khai những hành động, luật và nghị định liên quan cũng như các biện pháp ủng hộ nhà đầu tư để thu hút thêm FDI. Sự cạnh tranh là rất cao," báo cáo của HSBC nhìn nhận.

Đối với Việt Nam, điều quan trọng nằm ở việc tiến lên phía trước và đạt vị trí cao hơn nữa trong chuỗi giá trị gia tăng, cũng như để hoàn thiện các lĩnh vực giá trị gia tăng nội địa. Xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng vẫn mạnh song Việt Nam đang đi sau trong phân khúc mạch tích hợp toàn cầu và không có đủ kỹ thuật viên lành nghề trong nước.

Trong các lĩnh vực khác bao gồm vận tải và hậu cần, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và chi phí hậu cần cao có thể gây áp lực lên các quyết định đầu tư. Năng lượng xanh và hành trình chuyển đổi đòi hỏi tốc độ triển khai và số hóa hơn nữa để đơn giản hóa các quy trình thương mại, yếu tố này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh.

Đồng thời, việc tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý bao quát hỗ trợ đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện duy trì nỗ lực của Việt Nam để tiếp nhận dòng đầu tư bền vững hiện tại và tương lai.

Từ những phân tích trên, ông Ông Joon Suk Park cho rằng, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng. Đón làn sóng đầu tư mới là vì lợi ích của Việt Nam và sẽ hỗ trợ Việt Nam tiến cao hơn trong thang giá trị gia tăng của các ngành và lĩnh vực.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/10, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đã đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính tới hết tháng 10/2024, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 19,58 USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng qua, Singapore dẫn đầu với hơn 7,79 tỷ USD, chiếm 29% tổng vốn đầu tư, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, Trung Quốc đứng thứ 2 với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư, tăng 5%; tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kông (Trung Quốc)…

Nếu xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới từ đầu năm nay, chiếm 28,6% tổng số dự án, theo Cục Đầu tư nước ngoài.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chuyen-dich-fdi-vao-viet-nam-xu-huong-dong-von-tu-trung-quoc-35353.html