Chuyển dịch năng lượng công bằng: cảnh báo rủi ro xung đột đất đai
Kết quả nghiên cứu từ 3 kịch bản cho vấn đề chuyển dịch năng lượng công bằng cho thấy, kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho Việt Nam về cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Mới đây, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) của Đức vừa công bố các khuyến nghị chính sách chuyển dịch năng lượng công bằng, thông qua việc phân tích, so sánh tác động của 3 kịch bản phát triển nguồn điện tới năm 2030 của Việt Nam về việc làm, môi trường, các khía cạnh xã hội, an ninh năng lượng, chi phí đầu tư và chi phí sản xuất điện.
Ba kịch bản này gồm Quy hoạch Điện VII điều chỉnh hiện tại, kịch bản NLTT (B&RE), và kịch bản kết hợp NLTT với sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (EE&RE).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, kịch bản chuyển dịch sang năng lượng sạch mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho Việt Nam về cả kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể:
Tuy nhiên, theo nghiên cứu, quá trình chuyển đổi năng lượng này cũng đồng thời sẽ gây ra nhiều thách thức cho việc đảm bảo công bằng như: nhu cầu sử dụng đất lớn có thể dẫn tới rủi ro xung đột đất đai nếu không có giải pháp căn cơ.
Theo kết quả dự báo, diện tích đất cần cho phát triển điện vào năm 2030 của kịch bản QHĐ VII ĐC là 538km2, của kịch bản B&RE là 735km2, lớn hơn 36%, kịch bản EE&RE là 688 km2, lớn hơn 28% so với kịch bản QHĐ VII ĐC. Kịch bản B&RE và RE&EE đòi hỏi diện tích đất lớn hơn kịch bản QHĐ VII ĐC do diện tích chiếm đất của điện gió và mặt trời nhiều hơn.
Ngoài ra là thách thức trong đảm bảo sinh kế, việc làm cho người dân của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện. Việc đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực cho quá trình chuyển dịch, nhất là ở các địa phương còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu của thị trường,...
Theo đó, nhiều khuyến nghị chính sách được đưa ra, gồm:
i. Các lợi ích của chuyển dịch cần được tích hợp vào quá trình xây dựng các chính sách có liên quan cho giai đoạn sau 2020;
ii. Cần thiết lập một cơ chế điều phối cấp Nhà nước để thúc đẩy hợp tác liên ngành, xây dựng lộ trình và tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi công bằng;
iii. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch đốt than;
iv. Chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai, vừa đảm bảo sinh kế và cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng;
v. Cần có sự tham gia của người lao động, tổ chức đại diện người lao động và cộng đồng địa phương vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách về phát triển năng lượng tái tạo để đảm bảo sự chuyển đổi công bằng;
vi. Ngành giáo dục, đào tạo nghề, công đoàn và chính quyền địa phương cần bám sát chính sách và thị trường để phát triển mới hoặc nâng cấp các chương trình đào tạo nhân lực, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, công nghệ, hướng nghiệp, đào tạo nghề nhằm chuẩn bị nhân lực cho quá trình chuyển dịch năng lượng;
vii. Nghiên cứu, đổi mới và sản xuất thiết bị chuyển đổi, lưu trữ và kết nối quản lý hệ thống điện năng lượng tái tạo nên là trọng tâm ưu tiên trong kế hoạch nội địa hóa các thiết bị và chuỗi sản xuất của ngành năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng,...
Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc GreenID, cho biết bản khuyến nghị mong muốn đóng góp cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang được xây dựng, điều chỉnh cho giai đoạn sau 2020 về phát triển kinh tế, xã hội, năng lượng, Quy hoạch điện VIII, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học, công nghệ và việc làm.
Việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và nhập khẩu nhiên liệu bên ngoài, đảm bảo một tương lai năng lượng tự chủ, độc lập, giữ gìn môi trường không khí, nguồn nước sạch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Quá trình chuyển đổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng và tạo ra những xáo trộn đối với một số nhóm ngành và người lao động. Vì thế, đảm bảo sự công bằng hay “chuyển dịch công bằng” là điều kiện tiên quyết để đạt được sự ủng hộ của xã hội và phát triển bền vững.
Dịch chuyển năng lượng cân bằng cũng được xem là nhằm tìm tiếng nói cân bằng hơn giữa các lợi ích, trong đó quyền lợi của người yếu thế không thể bỏ qua.