Chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân
Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh rất tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương, qua đó giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng nông thôn mới.
Xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) có những điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng để phát triển cây chuối. Những năm qua, cũng nhờ cây trồng này mà diện mạo nông thôn Bản Lầu có nhiều đổi thay, đời sống người dân được nâng lên. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, cây chuối có đầu ra bấp bênh, giá cả luôn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Có thời điểm giá chuối xuất khẩu khá cao, hơn 14 nghìn đồng/kg, nhưng cũng có khi giảm xuống còn 3 - 4 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, việc canh tác cây chuối trong một thời gian dài khiến đất bị bạc màu, cây cằn cỗi, phát triển chậm, năng suất thấp.
Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp huyện Mường Khương đã phối hợp với chính quyền và người dân xã Bản Lầu đưa những cây trồng khác phù hợp hơn vào thay thế cây chuối tại những diện tích kém hiệu quả. Hiện diện tích chuối ở Bản Lầu còn khoảng 760 ha, giảm 250 ha so với thời kỳ cao điểm. Những diện tích trước đây trồng chuối được chuyển sang trồng dứa, bưởi, quế… đang phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.
Ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Bản Lầu là xã nông thôn mới nên việc duy trì và phát triển bền vững những tiêu chí, trong đó có tiêu chí thu nhập được địa phương đặc biệt quan tâm. Xã đang phối hợp với ngành nông nghiệp huyện đưa thêm những cây trồng mới hiệu quả hơn vào thay thế những diện tích chuối kém hiệu quả.
A Mú Sung là xã có thu nhập bình quân đầu người khoảng 33,4 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn so với mặt bằng chung các xã khác của huyện Bát Xát. Nhận thấy xã có điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, ngành nông nghiệp huyện Bát Xát và chính quyền xã A Mú Sung đã vận động người dân liên kết với doanh nghiệp Trần Vinh (tỉnh Hải Dương) trồng su hào, bắp cải theo chuỗi hàng hóa. Đến thời điểm này, với sự hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật, phân bón, người dân đã trồng được hơn 10 ha su hào và bắp cải. Dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4, những lứa su hào và bắp cải đầu tiên sẽ được doanh nghiệp Trần Vinh thu mua và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ông Phàn Láo Cở, thôn Ngải Chồ, xã A Mú Sung tâm sự: Được địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ, gia đình tôi đăng ký trồng hơn 1 ha su hào và bắp cải, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Theo ông Sí Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát, trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu mang lại hiệu quả. Có thể kể đến như mô hình trồng rau bắp cải, su hào ở xã A Mú Sung, xã Quang Kim; trồng tỏi, ớt ở các xã Sàng Ma Sáo, Dền Sáng, Mường Hum; trồng hoàng sin cô ở xã Y Tý, xã A Lù… Trên địa bàn huyện Bát Xát hiện có hàng trăm ha cây trồng phi truyền thống, mang lại thu nhập cao, ổn định. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để đưa những cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao vào sản xuất tại các địa phương, nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân được nâng cao và diện mạo các thôn, bản của Lào Cai có nhiều thay đổi. Đến hết năm 2019, Lào Cai có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra trước 1 năm. Đến hết năm 2020, tỉnh phấn đấu có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn tới, tỉnh phấn đấu có 2 huyện, 60% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 5% xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 40 triệu đồng/năm...
Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều mô hình sản xuất mới như trồng rau an toàn ở phường Sa Pả, thị xã Sa Pa; trồng cây gai xanh và khoai tây ở xã Dương Quỳ (huyện Văn Bàn); trồng dâu tằm ở xã Việt Tiến (huyện Bảo Yên); trồng cây tam thất ở xã Nàn Sán (huyện Si Ma Cai)… Những mô hình này đang phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nâng đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, những mô hình hiệu quả có sức lan tỏa, tạo động lực và niềm tin cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh quyết tâm vươn lên, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.