Chuyển đổi cây trồng trên đất kém hiệu quả

ĐBP - Thực hiện Ðề án 'Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020' trên địa bàn tỉnh, năm 2017 UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nương, đất ruộng 1 vụ, cây màu hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao.

Chị Nguyễn Thị Lan, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) chuyển đổi đất màu kém hiệu quả sang trồng ổi mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo kế hoạch đề ra, tổng diện tích chuyển đổi giai đoạn 2017 - 2020 là hơn 2.461ha, gồm: Hơn 2.248ha đất lúa nương, 45ha đất ruộng 1 vụ và 168ha đất cây màu sang trồng cây công nghiệp dài ngày (289ha), cây ăn quả (hơn 1.200ha), cây thức ăn gia súc (552ha) và 420ha cây trồng khác. Ðể hoàn thành kế hoạch, các cấp, ngành chuyên môn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tới người dân. Ðồng thời vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật; các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm. Nhờ đó, nhiều diện tích đất sử dụng kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Giai đoạn 2017 - 2020, diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả (dứa, bưởi, xoài, nhãn) là 577ha (đạt 48% kế hoạch), chuyển đổi chủ yếu ở chân đất lúa nương, cây màu... tập trung tại các huyện: Mường Chà, Ðiện Biên, Tuần Giáo. Diện tích chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc là 392ha (đạt 71% kế hoạch), chủ yếu tại các huyện: Ðiện Biên Ðông, Mường Chà, Tuần Giáo. Diện tích chuyển đổi sang trồng cây khác (dong riềng) 118ha (đạt 28% kế hoạch). Các diện tích được chuyển đổi đa số là trên đất lúa nương (chiếm 92% tổng diện tích thực hiện cả giai đoạn gồm 1.417ha).

Diện tích trồng lúa nương kém hiệu quả sau khi được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (mía, dứa...) trên địa bàn các huyện Mường Chà, Tuần Giáo, Ðiện Biên đã cho thu nhập 70 - 100 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa nương. Ðối với diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm (thời gian phát triển dài) chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế, hiện nay cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Các diện tích được chuyển đổi đã giúp nông dân ổn định thu nhập, đời sống từng bước được nâng lên.

Ðối với đất lúa 1 vụ kém hiệu quả chủ yếu chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, rau màu. Ðiển hình là người dân bản Bó, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) năm 2017 chuyển đổi hơn 5ha đất lúa 1 vụ sang trồng các loại cây ăn quả, rau mang lại thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi 2.620ha các loại đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả là 1.744ha; chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc (cỏ) là 343ha và trồng cây khác là 533ha. Ðể đảm bảo việc chuyển đổi đúng theo quy định, kế hoạch, thì đối với các hộ dân có nhu cầu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả phải đến UBND xã đăng ký và làm giấy cam kết không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa. Ðặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra công tác chuyển đổi, nghiêm cấm việc làm nhà ở, công trình không phục vụ sản xuất nông nghiệp trên khu đất chuyển đổi.

Bài, ảnh: Thu Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/185447/chuyen-doi-cay-trong-tren-dat-kem-hieu-qua