Chuyển đổi cây trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu

Bước vào vụ sản xuất hè-thu năm 2022, nông dân đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá vật tư nông nghiệp và chi phí đầu vào tăng... Vì vậy, huyện Quảng Trạch đang nỗ lực đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng chuyển đổi cây trồng, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho một vụ hè-thu thắng lợi...

Sau khi thu hoạch xong vụ đông-xuân, những ngày này, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Quảng Trạch đang tranh thủ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, sẵn sàng xuống giống vụ hè-thu năm 2022.

Trên các cánh đồng thuộc xã Quảng Phương, Quảng Xuân, Quảng Hưng..., không khí rất khẩn trương, nhộn nhịp. Trong khi bà con nông dân đang tập trung xử lý cỏ dại, rác thải quanh bờ và mương thủy lợi thì trên các thửa ruộng, máy cày làm đất đang hoạt động hết công suất. Ông Dương Minh Đăng, xã Quảng Xuân cho biết, đợt mưa lớn hồi cuối tháng 4/2022 làm lúa ngã đổ, ngập úng, nên sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ bị nát, không thể thu gom mà phải cày vùi vào đất. Vì phải thực hiện thêm công đoạn này, nên máy làm đất mất thời gian, nông dân tốn thêm chi phí.

Nông dân huyện Quảng Trạch tranh thủ làm đất bảo đảm tiến độ xuống giống vụ hè-thu năm 2022.

Nông dân huyện Quảng Trạch tranh thủ làm đất bảo đảm tiến độ xuống giống vụ hè-thu năm 2022.

Ông Võ Xuân Hồng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Trạch cho biết: Vụ đông-xuân năm 2021-2022, toàn huyện đã gieo trồng được 3.500ha, đạt 103,12% so với kế hoạch. Theo đánh giá, mặc dù cuối vụ, thời tiết có những diễn biến bất lợi, nhưng năng suất lúa vẫn đạt 58 tạ/ha, sản lượng đạt 20.300 tấn.

Theo kế hoạch, vụ sản xuất hè-thu năm 2022, huyện gieo cấy 3.280ha, trong đó có 3.000ha lúa chất lượng cao. Để sản xuất vụ hè-thu thắng lợi, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp xây dựng các giải pháp tối ưu, trong đó, không đặt nặng vấn đề diện tích sản xuất lúa mà có phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm tăng hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.

Theo đó, huyện căn cứ khung lịch thời vụ của Sở NN-PTNT để bố trí lịch thời vụ phù hợp, bảo đảm thu hoạch trước ngày 30/8 nhằm hạn chế rủi ro do lũ lụt cuối vụ; đồng thời, phối hợp với Chi nhánh Thủy nông Quảng Trạch để quản lý, tưới nước khoa học, tiết kiệm. Đặc biệt, huyện Quảng Trạch chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đất có khả năng bị hạn, hạn chế tối đa việc bỏ hoang ruộng sản xuất kém hiệu quả.

Tuy nhiên, theo ông Võ Xuân Hồng, hiện nay do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nguy cơ khô hạn và xâm nhập mặn trong vụ hè-thu năm nay là rất lớn, giá vật tư tăng gây không ít khó khăn cho nông dân. Vì vậy, huyện Quảng Trạch đang đề nghị UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tiếp tục có những chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất nông nghiệp, như: Giống, vật tư, phân bón giúp giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân.

Theo khảo sát, hiện giá phân bón trên thị trường đang tăng kỷ lục. Theo đó, phân NPK Việt Nhật có giá 800 nghìn đồng/bao 50kg, NPK Bình Điền 1.095 nghìn đồng/bao 50kg, Urê Phú Mỹ 875 nghìn đồng/bao 50kg, Urê Hà Bắc 840 nghìn đồng/bao 50kg, Lân Ninh Bình 225 nghìn đồng/bao 50kg... Như vậy, giá phân bón tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Giá bán các giống lúa chủ lực cũng tăng từ 1.000-1.500 đồng/kg.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202205/chuyen-doi-cay-trong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-2200536/