Chuyện đời, chuyện nghề của các nữ phóng viên

Là tờ báo chuyên biệt của Công an Hà Nội, các nữ phóng viên An ninh Thủ đô dường như luôn phải khẳng định hai nhiệm vụ. Một, họ là những nhà báo thực thụ; hai, họ như những 'trinh sát' khi theo bám địa bàn và những vụ án về hình sự, kinh tế, ma túy... Để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi ngày, họ luôn phải nỗ lực để cân bằng giữa niềm đam mê công việc và hạnh phúc gia đình!

Nhà báo Tú Anh

Nhà báo Tú Anh

Đam mê cống hiến với nghề

Nữ phóng viên Thùy An chia sẻ, gần 10 năm làm tại tòa soạn, đến giờ cô không thể nhớ hết đã bao bữa cơm tối mình phải bỏ dở để lên đường đến hiện trường ghi nhận vụ việc: “Công việc của cán bộ, chiến sĩ Công an Thủ đô gian nan, vất vả như thế nào thì công việc của phóng viên trong một tờ báo của lực lượng vũ trang cũng như vậy. Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào các vụ án, tiếp xúc với những đối tượng tội phạm, sẵn sàng cùng chung nguy hiểm, mặc áo chống đạn cùng các cán bộ, chiến sĩ triệt phá hang ổ của các đối tượng... Chính sự thâm nhập, dấn thân vào thực tế đã giúp tôi hiểu nghề hơn, ghi nhận mọi sự việc một cách trung thực, chính xác, từ đó mới có những tác phẩm báo chí nhiều cảm xúc và chất lượng nhất”.

Tuy nhiên, bản thân việc phải đi lấy tin bất kể đêm hôm cũng mang tới rất nhiều nguy hiểm cho các nữ nhà báo. Phóng viên Huệ Anh cũng đã không ít lần vượt qua nguy hiểm khi tác nghiệp thực tế: “Có lần nhận được tin báo của người dân vào lúc 22h về việc một tuyến đường mới thông xe liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thong do lao vào hố ga không nắp, tôi đã vội vã đến hiện trường gặp gỡ nhân chứng và chụp ảnh ghi nhận lại sự việc. Trên đường về, không may tôi bị 2 tên biến thái đi xe máy bám theo.

Do đêm khuya, đường tối vì chưa được lắp đặt đèn cao áp, các đối tượng này đã áp sát xe tôi rồi vọt lên. Đối tượng ngồi phía trước không ngừng buông ra những lời lẽ tục tĩu kèm theo tiếng cười khả ố, còn tên đằng sau tranh thủ “khoe hàng” trên yên xe. Dù vô cùng sợ hãi nhưng tôi vẫn cố gắng tỏ ra bình tĩnh đi xe chậm lại và tranh thủ quan sát.

Khi thấy một con ngõ gần đó có hộ dân bán tạp hóa vẫn sáng đèn, tôi vội vã rẽ vào, dựng xe bước vào trong với tư thế coi như nhà của mình, không quên nói nhanh với chủ quán mình bị hai tên biến thái đang bám theo để nhờ trợ giúp. Rất may, chị chủ quán tốt bụng đã nhanh chóng hiểu ý, cùng tôi “diễn” tròn vai, vờ dọn hàng đóng cửa tắt đèn đi nghỉ. Sau khoảng 20 phút rình rập bên ngoài không thấy tôi ra, chắc mẩm tôi đã về nhà mình nên 2 tên biến thái lặng lẽ rút lui…”.

Phóng viên Thùy An cùng lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kiểm tra các điểm trông giữ xe tại chợ đêm Trung thu

Phóng viên Thùy An cùng lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kiểm tra các điểm trông giữ xe tại chợ đêm Trung thu

Với phóng viên Chu Hương - người đã ghi dấu với nhiều phóng sự điều tra của Truyền hình An ninh ATV thì có khoảng thời gian dài, có khi là cả năm trời, cô cùng nhóm phóng viên lần theo dấu vết, ngụy trang, thâm nhập vào hang ổ của tội phạm. Khó có thể kể xiết những nguy hiểm cận kề kể cả trước, trong và sau khi những bài viết thâm nhập này được đăng tải. Như trong lần cô thực hiện tác phẩm “Lần theo đường đi của các đối tượng mua bán mô, tạng người”, phải mất nhiều tháng trời qua lại, tiếp cận, các đối tượng môi giới mới tin tưởng dẫn “khách hàng VIP” đến những “trại nuôi người”.

“Khi thâm nhập được vào, nơi đó được nhiều kẻ mặt mũi dữ tợn canh gác nghiêm ngặt, mọi hành tung đều khép kín. Mặc dù đã đoán trước được tình hình, nhưng khi vào được “sào huyệt” của nhóm tội phạm, chúng tôi không khỏi lo sợ về sự an toàn của chính mình và đồng nghiệp. Camera được bố trí dày đặc từ trong nhà ra ngoài ngõ, phải rất vất vả, ê-kíp chúng tôi mới có thể sử dụng “đồ nghề” để ghi lại hoạt động của ổ nhóm tội phạm này. Đặc biệt với phóng viên nữ như tôi thì điều đó lại càng khó khăn. Những ngày ăn chực nằm chờ, những ngày xa gia đình mà không dám nói với chồng con, chẳng ai thấm nỗi vất vả nhọc nhằn đó. Tuy nhiên, đền đáp những vất vả của cả ê-kíp, phóng sự đã thành công, chúng tôi ra khỏi ổ tội phạm trong an toàn”.

“Giữ lửa” hạnh phúc gia đình

Chọn công việc vất vả này, các nữ phóng viên luôn phải chịu nhiều áp lực hơn các nam đồng nghiệp, bởi ngoài chuyên môn, họ còn phải lo việc nhà, làm tròn nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ. Với những lịch trình đột xuất hay những chuyến công tác dài ngày, các nữ phóng viên luôn gặp nhiều trở ngại hơn vì còn phải sắp xếp công việc gia đình, đặc biệt là đối với những nữ phóng viên có con nhỏ. Không ít thứ bẩy, chủ nhật, ngày lễ, lúc người ta nghỉ thì mình phải đi làm nên niềm mong mỏi ngày cuối tuần được ở nhà với chồng, con nhiều khi không thực hiện được.

Phóng viên Thùy An tâm sự: “Chồng là chiến sĩ Công an, vợ là phóng viên trong lực lượng vũ trang. Có những sự vụ xảy ra buổi tối, chồng đi trực, con nhỏ phải ở nhà một mình. Chỉ nghĩ rằng mình đi một lát là về với con rồi, nhưng công việc cứ thế kéo dài đến đêm. 2h sáng đành phải gọi điện về để gửi con cho hàng xóm. Con không chịu ngủ, dỗi mẹ, không chịu nhận điện thoại, mình cũng chỉ có thể xót xa...”.

Tính chất nghề nghiệp đòi hỏi đội ngũ nữ phóng viên phải nỗ lực hết sức để vừa hoàn thành tốt công việc tòa soạn giao, vừa chu toàn với gia đình. Chính vì đều biết gia đình mình chịu những thiệt thòi nhất định nên trong khả năng nhất định nào đó, họ cũng luôn nỗ lực gấp 2, 3 lần người khác để giải quyết hài hòa giữa công việc và gia đình. Như phóng viên Thùy An thì đó là sự đầu tư cho chồng con những bữa cơm ngon, nóng sốt, chính tay vợ nấu; là những chuyến đi chơi có thể lên lịch một cách bất thình lình; là tình cảm, và những cái ôm con thật chặt...

Phóng viên Vân Quế (Ban Phóng viên), Chu Hương (Truyền hình An ninh ATV) thực hiện loạt ký sự tái hiện cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tại tỉnh Lạng Sơn

Phóng viên Vân Quế (Ban Phóng viên), Chu Hương (Truyền hình An ninh ATV) thực hiện loạt ký sự tái hiện cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tại tỉnh Lạng Sơn

Cũng hoàn cảnh gia đình neo người, phóng viên Chu Hương có không ít lần phải mang cả con nhỏ đi làm cùng. Chị chia sẻ một cách dí dỏm: “Các nữ phóng viên chính là những người “3 đầu 6 tay”, có thể vừa tất bật đưa đón con tới trường, đi làm, viết bài, nấu cơm và vừa chăm sóc gia đình. Họ luôn biết cách sắp xếp hợp lý một cuộc sống bận rộn. Mà có đôi khi, việc nữ phóng viên ra ngoài thường xuyên cũng lại là chất xúc tác để những ông chồng ở nhà phải cố gắng để “giữ chân vợ”. Nhìn theo hướng tích cực nhất thì hoạt động năng nổ khiến tâm hồn và hình dáng của các nữ nhà báo luôn tươi trẻ, yêu đời”.

Có thể thấy, để được sống với đam mê nghề nghiệp, những phóng viên nữ đã phải chịu không ít những thiệt thòi và cả những khó khăn, gian khổ. Nhưng vì tâm huyết với nghề, họ vẫn tiếp tục bước đi trên con đường mình đã chọn, một cách đầy tự hào.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-doi-chuyen-nghe-cua-cac-nu-phong-vien-post543549.antd