Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022

Vụ Đông Xuân năm 2021-2022, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho nông dân.

Người dân xã Đôn Nhân (Sông Lô) trồng ổi trên vùng đất cằn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng

Người dân xã Đôn Nhân (Sông Lô) trồng ổi trên vùng đất cằn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng

Về huyện Sông Lô vào những ngày cuối năm, trên khắp các xứ đồng, bà con nông dân đang miệt mài sản xuất vụ Đông Xuân, bất chấp thời tiết khắc nghiệt của buổi sáng mùa Đông.

Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn huyện phấn đấu gieo trồng với tổng diện tích trên 4.210 ha, trong đó: Lúa trên 2.800 ha; ngô xuân 500 ha; cây có hạt chứa dầu trên 500 ha; rau các loại trên 225 ha; cây có củ trên 40 ha.

Xác định vụ Đông Xuân là vụ sản xuất chính và quan trọng trong năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống nhân dân, ngay từ đầu vụ, huyện Sông Lô đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ.

Từng bước chuyển đổi trà lúa từ diện tích trà lúa Xuân sớm sang trà Xuân muộn đối với những diện tích chủ động về tưới tiêu.

Riêng với các vùng không chủ động về tưới, tiêu, cấy lúa bấp bênh, kém hiệu quả, huyện cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau, đậu, hoa, cây cảnh…

Đồng thời, đưa các giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của từng địa phương cùng với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp KHKT vào sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích canh tác.

Nhờ chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, tính đến ngày 19/1/2022, toàn huyện đã gieo trồng được khoảng 1.255 ha, đạt 29,8% kế hoạch, trong đó cây lúa 1.200 ha; cây ngô 35 ha; cây khác 20 ha.

Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 38.000 ha. Trong đó, cây lúa 29.000 ha; ngô 2.200 ha; rau các loại 2.700 ha; cây trồng khác 4.100 ha.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời tiết vụ Đông Xuân 2021 - 2022 tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khả năng sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Tổng lượng mưa các tháng trong mùa Đông Xuân 2021-2022 phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Lượng nước hạ du các sông thuộc Bắc bộ thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm; hạ lưu sông Lô thiếu hụt từ 30-60%.

Trong tháng 11, 12 năm 2021, mực nước trên các sông suối Bắc Bộ có xu thế biến đổi chậm và giảm dần.

Từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2022, dòng chảy trên sông Lô chủ yếu phụ thuộc vào điều tiết của các hồ thủy điện; dòng chảy sông Phó Đáy tại Quảng Cư biến đổi chậm và khả năng sẽ xuất hiện mực nước thấp nhất năm vào tháng 2, tháng 3 năm 2022; có thể gây thiếu nước cục bộ và khô hạn tại các vùng đồi núi và trung du trong tỉnh, đặc biệt là ở các khu vực không có hồ chứa.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống cây trồng hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ; mở rộng quy mô các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa để tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn tập trung; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, nhất là vùng trồng lúa kém hiệu quả để khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất.

Bên cạnh đó, tỉnh đã mở rộng tối đa diện tích lúa Xuân muộn ở những nơi có điều kiện chủ động nước, giảm diện tích lúa chiêm đầm và Xuân sớm, nhằm tăng năng suất sản lượng vụ Đông Xuân; sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 130 ngày), có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo khá như TBR225, Thiên ưu 8, ADI 28, DQ11, DT39 Quế Lâm, Hà Phát 3, Hương Bình, Lai thơm 6, BG6, HDT11…

Tại các vùng đất bãi và vùng cao hạn khó khăn về nước tưới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động sử dụng các giống ngô lai có năng suất chất lượng cao như NK4300, CP511, CP512, LVN61, LVN092, SSC586, ngô nếp, ngô ngọt…

Cây đậu tương được bố trí trên chân đất cao hạn, khó nước, chuyên trồng rau màu, sử dụng các giống DT84, DT 2008, DT 96, ĐT26…

Đối với các loại rau màu và cây hàng năm khác, tỉnh cũng thực hiện đa dạng hóa chủng loại sản phẩm rau nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất rau theo hướng hữu cơ; triển khai, mở rộng xây dựng các vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa (bí đỏ, dưa chuột, cà chua, ớt, khoai tây...).

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73129/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-nang-cao-hieu-qua-san-xuat-vu-dong-xuan-2021-2022.html