Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu các giống cây trồng ngắn ngày, giống cây xen canh, luân canh, thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng của khu vực, đồng bộ cùng với các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, quản lý dịch hại.
Thích ứng và thay đổi để phát triển bền vững
Sử dụng chế phẩm sinh học an toàn phục vụ phát triển nông nghiệp
Năng suất cây trồng giảm mạnh do thời tiết bất lợi
Biến đổi khí hậu gây ra các tác động tiêu cực trên diện rộng đến các vấn đề nông nghiệp, bao gồm duy trì chất lượng đất trồng, kiểm soát bệnh thực vật, duy trì hiệu quả năng suất cây trồng và quản lý sâu bệnh, dịch hại.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhiều cây trồng mặc dù đang vào vụ thu hoạch nhưng năng suất giảm mạnh so với mọi năm do ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết, trong đó có nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu. Ngành trồng trọt đang đối mặt với rất nhiều khó khăn vì sản xuất đạt lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ vì. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm cho giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, ảnh hưởng mạnh đến sản xuất.
Giám đốc Hợp tác xã Hồ tiêu Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) Trần Hữu Thắng chia sẻ, vụ thu hoạch năm nay, giá tiêu tăng cao nhất so với vài năm trở lại đây. Nhưng nhiều nhà vườn trồng tiêu vẫn không có lợi nhuận vì gặp cảnh mất mùa.
Ghi nhận tại huyện Nhơn Trạch những năm gần đây cho thấy, diện tích đất trồng lúa liên tục giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều khu vực, người dân chủ động chuyển sang nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả vì xâm nhập mặn và hạn hán. Ông Bùi Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch) cho biết, trước đây xã chủ yếu trồng lúa nước. Sau này, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên người dân chuyển sang trồng mía. Vài năm trở lại đây, cây mía không mang lại hiệu quả kinh tế nên người dân chuyển sang nuôi tôm và trồng cây ăn trái.
Thực tế cho thấy, tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa, mưa cường độ cao, ngập lụt, xâm nhập mặn… đều gây ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống, khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất của tất cả các loại cây trồng. Biến đổi khí hậu cũng đã và đang tạo điều kiện phát sinh sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, trong đó có nhiều loại sâu bệnh mới phát sinh, gây thiệt hại lớn. Điều nguy hại không kém là người nông dân lúng túng trong việc phòng, trị các loại bệnh mới và thường xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học độc hại.
Trồng cây ngắn ngày, xen canh, luân canh
Tại HTX sản xuất thương mại dịch vụ Lang Minh (Xuân Lộc, Đồng Nai), người dân tiến hành trồng ngô trên đất lúa, không chỉ giúp tăng năng suất, tăng thu nhập, mà với cách trồng mới, sản xuất ngô còn góp phần cải tạo đất nông nghiệp. Sản xuất ngô đã giúp HTX Lang Minh phá thế độc canh cây lúa, tiếp cận khoa học kỹ thuật, đồng thời trang bị kiến thức để người dân ứng dụng vào sản xuất ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Những năm gần đây, do phải đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất, HTX đã đẩy mạnh trồng ngô sinh khối (trồng ngô lấy cây, lá) bằng các giống ngô mới như NK 67; NK 7328. Trồng ngô sinh khối giúp các thành viên HTX và người nông dân bớt lo lắng về năng suất, chất lượng, hay việc bán không được giá, bị thua lỗ. So với trồng bắp ngô lấy hạt, thời gian trồng bắp lấy cây rút ngắn lại chỉ còn khoảng hơn 2 tháng. Khi cây bắt đầu ra bắp non, doanh nghiệp đến tận nơi thu hoạch, HTX không tốn thêm tiền thuê công cắt bán.
Nếu như trước đây, khi đất khô hạn sẽ bị bỏ hoang, thì nay đất đã được HTX tận dụng triệt để để tăng vụ trồng ngô, nhờ đó, thu nhập của các thành viên tăng lên. Trung bình mỗi ha ngô lấy cây sẽ cho thu hoạch 100 triệu đồng/năm, bên cạnh đó những cây ốm yếu, thậm chí không có bắp vẫn được thu mua. Đặc biệt, HTX áp dụng các biện pháp canh tác bền vững giúp hạn chế cỏ mọc, ngăn chặn sâu bệnh hại phát triển. Biện pháp che phủ đất bằng thân cây ngô giúp hạn chế cỏ mọc, vì vậy giảm được công làm cỏ.
Với hiện trạng đất sản xuất nông nghiệp canh tác nhiều năm, bị thoái hóa, bạc màu tại địa phương, nếu HTX không thực hiện các biện pháp bảo vệ thì tình trạng thoái hóa đất sẽ diễn ra nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Mô hình trồng ngô của HTX không chỉ giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn giúp xây dựng được các mối liên kết bền vững trong sản xuất, giúp mang lại hiệu quả cao, tăng thu nhập cho người nông dân.
Năm 2021, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 170 nghìn ha cây lâu năm, tăng 188ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu tập trung trên một số cây ăn trái chủ lực như chuối, xoài, sầu riêng, mít, bưởi. Căn cứ trên cơ sở khảo sát đánh giá lại chất lượng đất nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.
Trong đó, đặc biệt chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và giảm quy mô diện tích một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao. Cụ thể, sẽ chuyển sang cây trồng hàng năm khác khoảng 680ha, chuyển sang cây lâu năm gần 865ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi thủy sản khoảng 109ha… Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chuyển 1.850ha cây lâu năm có hiệu quả kinh tế không cao như điều, cao su, mía, cà phê... sang cây ăn quả.