Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng kinh tế mới
Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Lâm Hà khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, góp phần gia tăng giá trị canh tác, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ năm 2015, xã Nam Hà đã tập trung lãnh đạo, vận động bà con nông dân khai thác thế mạnh của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hà cho biết: Những năm qua, nhiều hộ dân ở Nam Hà đã tận dụng đất đai màu mỡ để chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những cây có giá trị kinh tế thấp, không đạt hiệu quả, chuyển qua các loại giống cây ngắn ngày, hoặc giống cây mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, địa phương vẫn luôn xác định cà phê là cây trồng chủ lực của người dân. Đến nay, toàn xã có tổng diện tích cây cà phê 1.540 ha, tái canh thực hiện 14,5 ha; ghép cải tạo khoảng 19,5 ha. Diện tích cây dâu 145 ha, trong đó, diện tích trồng mới khoảng 5,5 ha; cây ăn quả diện tích 88,5 ha, trồng mới 18ha; mắc ca diện tích 63ha, trồng mới 9ha; rau các loại diện tích đã gieo trồng 69,5 ha và hoa các loại diện tích đã gieo trồng 79,9 ha.
Không riêng Nam Hà, tại các địa phương trên địa bàn huyện Lâm Hà đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Năm 2021, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái canh, trồng xen,… ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong năm, người dân đã tái canh, trồng mới và ghép chồi được 1.043 ha; trong đó, thực hiện trồng mới 181 ha dâu tằm; 441 ha cây ăn quả các loại (bơ, sầu riêng, mít...) nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 2.049 ha; cây mắc ca trồng mới 900 ha mắcca thông qua giải pháp trồng xen trong trong vườn cà phê, trên các diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp;… Song song với đó, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hợp tác giữa các hộ nông dân với nhau, giữa kinh tế hộ gia đình với doanh nghiệp nhằm xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.
Đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng bơ giống mới, áp dụng tưới phun cho thu nhập khoảng 650 triệu đồng/ha; trồng sầu riêng cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm; trồng mắcca xen cà phê cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm; trồng sầu riêng xen cây cà phê cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm; trồng chuối Laba tại xã Phú Sơn cho thu nhập khoảng 550 triệu đồng/ha/năm…
Ông Vũ Bá Yêu - Phó phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích, huyện Lâm Hà đã và đang tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng các loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; tuy nhiên, việc chuyển đổi phải có kế hoạch, phù hợp thực tế địa phương. Do vậy, hằng năm, UBND huyện đã yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết về diện tích chuyển đổi, loại cây trồng... trên cơ sở đó huyện có kế hoạch xây dựng các mô hình hướng dẫn người dân triển khai nhân rộng. Đồng thời, hỗ trợ người dân về giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng kỹ thuật, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và tâm lý của người dân khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp;… tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Trong thời gian tới, Lâm Hà đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ. Đối với các khu vực canh tác kém hiệu quả, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu, chất lượng giống, cải thiện hệ thống canh tác. Đẩy mạnh áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ trong công tác dự tính, dự báo, theo dõi chặt và kiểm soát dịch bệnh kịp thời, như chuyển đổi, phát triển các diện tích ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi; tập trung thâm canh, thay đổi cơ cấu giống và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê. Tuyên truyền hướng dẫn người dân tiếp tục thực hiện tái canh cải tạo; áp dụng các quy trình sản xuất bền vững, hiệu quả. Khuyến khích trồng xen cây mắcca, cây ăn quả theo mô hình canh tác bền vững gắn với chứng nhận tiêu chuẩn UTZ, 4C, Rainforest (không khuyến khích trồng các loại cây ăn quả có múi); thí điểm một số mô hình canh tác cà phê mới…