Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Động lực phát triển vùng sản xuất hàng hóa

Tận dụng lợi thế đất đai và thị trường, nhiều huyện của Hà Nội đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Các mô hình 'bạc tỷ' xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng để có được những vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn như một động lực phát triển của nông nghiệp Thủ đô thì vẫn còn nhiều việc phải làm…

Nhiều mô hình “bạc tỷ”...

Những năm gần đây, huyện Mê Linh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng lúa hàng hóa chất lượng cao ở các xã Tam Đồng, Liên Mạc (từ 50ha/vùng trở lên); vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Tráng Việt (200ha), Tiền Phong (90ha)...; vùng sản xuất hoa, cây cảnh tại các xã Mê Linh (190ha), Văn Khê (110ha)... Ông Phạm Đức Tài, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu trồng hoa cắt cành, từ khi chuyển sang mô hình trồng hoa thế, hoa chậu, ghép bon sai thì sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy, thu nhập tăng gấp 3 lần so với trước.

Vùng trồng rau an toàn tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh).

Tương tự, xã Kim An (huyện Thanh Oai) cũng là một trong những địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Trường ở xã Kim An, cho biết: Năm 2010, gia đình đã chuyển trồng rau truyền thống sang trồng cam Canh và đến nay, 500 gốc cam Canh đã cho thu nhập 500-700 triệu đồng mỗi năm. Đánh giá về hiệu quả của việc chuyển đổi này, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết thêm: Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa (2.200ha), vùng cây ăn quả (394ha), vùng chăn nuôi tập trung (53ha)... tạo ra sản phẩm chuyên canh có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, cho giá trị kinh tế 300-500 triệu đồng/ha/năm; có những mô hình trồng cây ăn quả, hoa cây cảnh cho giá trị từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay: Đến nay, thành phố đã hình thành nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao (15.707ha), cây ăn quả (7.346ha), rau an toàn (2.935ha)... Có thể khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa không chỉ giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới...

Còn nhiều việc phải làm

Hiệu quả đã rõ, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa tập trung vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế phát triển. Ông Bạch Văn Nghị, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho rằng, các hộ dân đang gặp khó khăn trong tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất lớn. “Sau khi xã thực hiện dồn điền đổi thửa, ngoài phần diện tích của gia đình, tôi đã thuê khoảng 1ha đất lúa để hình thành mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi. Tuy nhiên, đầu tư xây dựng trang trại đòi hỏi nguồn vốn lớn, thêm nữa là việc thuê đất ngắn hạn (khoảng 5 năm), nên vừa đầu tư sản xuất, tôi vừa lo lắng khi hết hạn hợp đồng vẫn chưa thu hồi vốn ”, ông Nghị nhìn nhận.

Từ thực tế ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành phản ánh: Vì chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích tụ ruộng đất nên việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn còn phải đối mặt với nhiều bất cập.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại nhận định: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân trên đơn vị sản xuất của Hà Nội còn thấp và đang dần bị thu hẹp, gây khó khăn cho việc xây dựng nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn; cơ sở hạ tầng tại nhiều huyện còn chắp vá, chưa đồng bộ; việc cấp giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới còn chậm dẫn tới người dân khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng...

Để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng nông nghiệp hiện đại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển đề nghị: Thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể về tích tụ ruộng đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật mới, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...

Phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hà Nội. Khẳng định mục tiêu của chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hiện các sở, ngành đang phối hợp với địa phương thực hiện các giải pháp tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Ông Chu Phú Mỹ đề nghị các huyện, thị xã tập trung tuyên truyền để người dân chủ động chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp thành vùng tập trung, liên kết, góp vốn, cho thuê đất với doanh nghiệp... Đồng thời lập đề án, dự án chuyển đổi phù hợp trên cơ sở phát huy tiềm năng đất đai, lao động trên địa bàn và có giải pháp tổ chức lại sản xuất gắn với xúc tiến thương mại hướng đến xuất khẩu...

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, cùng với sự hỗ trợ của thành phố thì các địa phương phải chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất và chú trọng hơn nữa việc rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực để sản xuất những mặt hàng phù hợp với nhu cầu thị trường.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/945195/chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-dong-luc-phat-trien-vung-san-xuat-hang-hoa