Chuyển đổi công nghệ - bài toán sống còn của công nghiệp tàu thủy - Bài 3: Cần 'đầu tàu' để phát huy vai trò dẫn dắt thị trường (Tiếp theo và hết)

Cùng với sức hút của ngành công nghiệp tàu thủy đang gia tăng, việc nắm bắt cơ hội để phát triển lĩnh vực quan trọng này của đất nước được đặt ra cấp thiết. Bên cạnh sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách, cần hình thành các đơn vị 'đầu tàu' để phát huy vai trò dẫn dắt thị trường và tham gia vào chuỗi công nghệ, chuỗi giá trị toàn cầu.

Tạo động lực phát triển kinh tế biển, hàng hải

Nhấn mạnh, công nghiệp tàu thủy gắn liền với kinh tế biển, hàng hải, phát triển ngành công nghiệp này góp phần thực hiện chiến lược biển, ông Phạm Hoài Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) thuộc Bộ Xây dựng cho rằng, cần gìn giữ được ngành đóng tàu để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước, hướng đến các mục tiêu tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 từ 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo.

Theo ông Phạm Hoài Chung, đây là ngành công nghiệp lõi, tạo ra hàng triệu việc làm, do vậy, cần có vai trò điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, SBIC đang nỗ lực triển khai theo Nghị quyết số 220/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện kết luận của Bộ Chính trị đối với chủ trương xử lý SBIC. Việc thực hiện nghị quyết này với mong muốn doanh nghiệp được cởi trói khỏi những gánh nặng nợ nần trước đây, tạo động lực mới, thay đổi mới, giúp người lao động yên tâm gắn bó với ngành, thúc đẩy ngành đóng tàu phát triển.

Sản phẩm tàu đóng mới tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm. Ảnh: TẠ HẢI

Sản phẩm tàu đóng mới tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm. Ảnh: TẠ HẢI

Theo ông Phạm Hoài Chung, các đơn vị đóng tàu đã kiên cường vượt qua khó khăn, trong hơn 10 năm qua không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn cố gắng tồn tại, giữ chân công nhân, duy trì hoạt động của nhà máy. Giữ được nhà máy đóng tàu là giữ được địa bàn chiến lược, giữ được sản xuất là giữ được động lực tăng trưởng, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, các đơn vị đóng tàu mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu, thành lập tổng công ty đóng tàu quốc gia, mua lại các đơn vị đóng tàu chủ lực, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Nhà nước, thực hiện các hợp đồng với đối tác nước ngoài một cách thông suốt, đồng bộ. Đồng thời, cần xây dựng các tiêu chí để duy trì sự phát triển của ngành đóng tàu sau khi hoàn tất các thủ tục phá sản, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau khi tiếp nhận và kế thừa tài sản, nguồn nhân lực của SBIC để tránh lãng phí.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo quyết liệt cùng với các bộ, ngành và SBIC để triển khai thực hiện Nghị quyết 220. Đây là quá trình tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty, qua đó, không phải để phá bỏ mà giúp hồi sinh doanh nghiệp có năng lực đóng tàu hàng đầu Việt Nam. Thực tế, Tổng công ty vẫn đang tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh song hành với tái cơ cấu. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang bày tỏ tin tưởng với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, việc tái cơ cấu SBIC sẽ đạt được kết quả tốt đẹp để tiếp tục góp phần vào phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Xây dựng chiến lược bài bản về công nghiệp tàu thủy

Chia sẻ về tầm quan trọng của ngành hàng hải đối với kinh tế-xã hội đất nước, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV, cho biết, cha ông ta ra biển rất sớm, đó chính là manh nha, mầm mống của ngành hàng hải. Nhận thức ban đầu mới chỉ về biển và hành trình đi biển, sau này là cảng và vận tải biển. PGS, TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, dịch vụ hàng hải, đóng mới, sửa chữa, kỹ thuật tàu biển là lĩnh vực quan trọng, làm chủ công nghệ không chỉ phục vụ tại chỗ cho cảng biển, dịch vụ biển của Việt Nam mà còn tham gia vào chuỗi giá trị thế giới.

Nhìn nhận về sự phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ, thông qua hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của đối tác nước ngoài, chúng ta đã sản xuất được những con tàu có chất lượng cao ở Việt Nam. Công nghiệp tàu thủy phát triển phục vụ cho kinh tế biển, kinh tế hàng hải, đóng góp cho kinh tế-xã hội đất nước, đồng thời, tạo ra những mẫu tàu mới, đặc biệt là chủ động hơn trong việc nâng cấp, thay thế đội tàu.

Theo Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam (Bộ Xây dựng), kinh nghiệm của các nước cho thấy, Việt Nam cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp tàu thủy bài bản với sự hỗ trợ từ Chính phủ về chính sách thuế, tín dụng, ưu đãi đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Về cơ cấu, doanh nghiệp nhà nước cần giữ vai trò dẫn dắt thị trường, kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, Việt Nam phải đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, xây dựng các cụm công nghiệp đóng tàu gắn với các nhà máy sản xuất linh kiện, nguyên liệu trong nước. Việc học hỏi mô hình quản trị và hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, liên doanh với các hãng đóng tàu lớn cũng rất quan trọng để tích lũy kinh nghiệm và công nghệ. Bên cạnh đó, cần kế thừa và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng, trang thiết bị công nghệ, nguồn nhân lực, khách hàng hiện có để duy trì, phát triển các nhà máy có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thị trường, thương mại và khu vực hàng hải truyền thống.

Định hướng phát triển ngành công nghiệp tàu thủy thời gian tới sẽ gắn với tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, hiện nay, Bộ Xây dựng đang giao cho Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam xây dựng đề án nâng cao năng lực ngành đóng tàu, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các sê-ri tàu thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ mới, năng lượng mới để giảm phát thải. Đây cũng là định hướng phù hợp với xu thế cũng như yêu cầu về thực hiện cam kết của Việt Nam đối với giảm phát thải trong thời gian tới.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuyen-doi-cong-nghe-bai-toan-song-con-cua-cong-nghiep-tau-thuy-bai-3-can-dau-tau-de-phat-huy-vai-tro-dan-dat-thi-truong-tiep-theo-va-het-838342