Chuyển đổi công nghiệp-động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh
Sáng 25/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 5 với chủ đề 'Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh'.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đại diện lãnh đạo các thành phố, địa phương trên thế giới; chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, doanh nghiệp…
Diễn đàn do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và một số đơn vị tổ chức. Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 năm 2024 là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các tổ chức định chế tài chính, tập đoàn, diễn giả, chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, các mục tiêu, chương trình trọng điểm; xu hướng phát triển, giải pháp giúp định hình chiến lược tăng trưởng và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện này tiếp nối thành công của HEF qua các năm 2018, 2019, 2022, 2023, được tổ chức nhằm thúc đẩy Chương trình chuyển đổi công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh xoay quanh 5 mục tiêu chính:
Phân tích các xu thế lớn trên thế giới về chuyển dịch công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm phát thải và phát triển bền vững.
Tìm kiếm giải pháp xây dựng, nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khả năng ứng dụng của doanh nghiệp gắn kết với các mục tiêu, định hướng phát triển của Thành phố, trong đó tập trung lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng mới, năng lượng chuyển đổi,… nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, phát triển bền vững.
Chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các mô hình tốt về quản trị thực thi trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, từ đó hàm ý chính sách cho các nước phát triển như Việt Nam và địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh.
Ra mắt Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Thành phố Hồ Chí Minh (C4IR), do Thành phố Hồ Chí Minh và WEF hợp tác thành lập.
Làm rõ các cơ hội hợp tác và đầu tư trong và ngoài nước vào các ngành công nghiệp ưu tiên của Thành phố và cả Vùng Đông Nam Bộ.
HEF 5 là hoạt động tiếp nối ngay sau Đối thoại Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh 2024 lần 2; nơi các bộ, ngành, địa phương trong nước và quốc tế, chính khách, chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ có các hoạt động Đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ. Chủ đề lần này của Diễn đàn nhằm hưởng ứng việc thực hiện “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, tiếp nối triển khai cụ thể hơn Kế hoạch “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu nghe báo cáo về các chủ đề chính: Xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; Hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; Chiến lược chuyển đổi công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; Vai trò C4IR tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với chuyển đổi công nghiệp. Tại các phiên thảo luận, đại biểu sẽ chọn chủ đề phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm của mình và đi vào 3 nhóm thảo luận với các chủ đề: Vai trò C4IR tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn với chuyển đổi công nghiệp; Các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; Vai trò của doanh nghiệp và các bên liên quan trong chuyển đổi công nghiệp.
Trước khi vào khai mạc, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã dành một phút mặc niệm để tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng vì cơn bão số 3 vừa qua.
Phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, với vai trò trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ năng động, sáng tạo, đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước yêu cầu cấp bách của tiến trình nâng cao chất lượng và giá trị sống của người dân và xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Theo mục tiêu mà Nghị quyết 31-NQ/TW Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 là thành phố có công nghiệp hiện đại ngang tầm các thành phố trong khu vực và vươn tầm châu lục với nhiều chỉ tiêu lớn và cụ thể; giai đoạn hiện nay, cùng với các giải pháp phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm; chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá, hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu.
Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh phải vượt qua 3 thử thách lớn, đó là: nhanh chóng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ, môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế, thủ tục hành chính, có những cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm hoạt động đầu tư phát triển.
Tại Diễn đàn này, Thành phố đã lắng nghe, thu nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp, hiến kế, kinh nghiệm quý báu của các đại biểu trong nước và quốc tế, Thành phố cũng có nhiều cam kết hành động cụ thể trên các lĩnh vực cụ thể trong giai đoạn ngắn, trung và dài hạn; Thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương hợp tác và kết nghĩa với Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế; bày tỏ Thành phố vô cùng biết ơn những người bạn đã từng gắn bó với Thành phố từ những ngày còn khó khăn; đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh không bao giờ quên ơn những người đã từng giúp mình vượt qua thời khắc cam go của đại dịch Covid-19 vừa qua.
Diễn đàn cũng đã nghe thảo luận của các bộ, ngành, chuyên gia, địa phương quốc tế tham dự về vai trò cấp thiết của hợp tác quốc tế cấp địa phương trong ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghiệp chuyển đổi, chia sẻ mô hình thành công của các bộ, ngành, địa phương nước ngoài tiêu biểu; thảo luận về thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng hợp tác quốc tế của các địa phương hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất các sáng kiến hợp tác cấp địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ chiều 25/9 trong khuôn khổ HEF 2024 sẽ diễn ra với phần phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau đó là phần hỏi đáp với các bộ, ngành, địa phương bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương.
Phiên Đối thoại chính sách nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị cho Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.