Chuyển đổi kép đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là hai quá trình song hành, nhưng có quan hệ mật thiết, hữu cơ và không thể tách rời nhau. Đồng thời, hai chuyển đổi này sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Dũng Minh

Ngày 12/11/2024, Báo Đầu tư đã tổ chức Hội thảo thường niên về Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chủ đề của Hội thảo là rất thời sự, được thảo luận rất nhiều trong thời gian gần đây. Có thể nói, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, chuyển đổi xanh đã trở thành mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Để triển khai mục tiêu này, Việt Nam hiện đang thực hiện nhiều chiến lược quan trọng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Vấn đề chuyển đổi xanh đã được tích cực lồng ghép và thúc đẩy triển khai thông qua các Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình, Đề án của quốc gia, ngành/lĩnh vực và địa phương; và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Mặc dù đi sau chuyển đổi xanh, nhưng trong mấy năm trở lại đây, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng chính trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Nhận thức được chuyển đổi số là quá trình phát triển tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài lộ trình ấy, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.

“Thực tiễn thời gian qua tại Việt Nam cho thấy, chuyển đổi số góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cải cách hành chính, sau khi trục liên thông văn bản quốc gia và cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành đã góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí xúc tiến thương mại mà vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác nước ngoài ở khắp các thị trường.

Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2020, kinh tế số của Việt Nam đóng góp 12% GDP, nhưng đến năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm”, ông Việt Anh cho biết.

Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi kép chỉ ra sự liên hệ giữa công nghệ số và công nghệ xanh. Trong đó, dựa trên những nghiên cứu, đánh giá sử dụng dữ liệu bằng sáng chế, 16 công nghệ xanh và 11 công nghệ số được lựa chọn là nền tảng cho chuyển đổi kép.

Cũng theo báo cáo này, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh. Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%).

Phân tích từ Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chuyển đổi số chính là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh và xu hướng Chuyển đổi kép - chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh - là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường.

“Với quyết tâm và cam kết chính trị cao, Việt Nam phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2050 nhằm hướng tới cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho hôm nay và mai sau, không chỉ của người dân Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của toàn nhân loại”, ông Việt Anh nhấn mạnh.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-doi-kep-dam-bao-cho-mot-quoc-gia-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-post357860.html