Chuyển đổi kinh tế đi đôi với chuyển đổi việc làm, nâng cao năng suất lao động

Trưa 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 bước vào phiên chuyên đề 2: 'Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới'.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu (bên trái) phát biểu. Văn Điệp/ TTXVN

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu (bên trái) phát biểu. Văn Điệp/ TTXVN

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển chủ trì điều hành phiên làm việc.

Cần có động lực mới

Trình bày tham luận về “Động lực tăng năng suất ở Việt Nam: Vai trò của thể chế, chính sách thị trường lao động”, ông Felix Weidencaff, chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương khái quát, xu hướng năng suất lao động trong viễn cảnh toàn cầu có xu hướng giảm dài hạn.

Việt Nam đã phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng năng suất trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, năng suất lao động vẫn tương đối thấp so với một số nền kinh tế khác ở Đông Nam Á. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất lao động trong tất cả các ngành nghề, khu vực. Theo đó, chuyển đổi kinh tế cần đi đôi với chuyển đổi việc làm; cách tiếp cận ở cấp vĩ mô đòi hỏi đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực chiến lược, từ đó có động lực thay đổi mang tính chuyển đổi.

Đồng thời, ông Felix Weidencaff nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thể chế và chính sách thị trường lao động để giải quyết thách thức kép trong duy trì tăng trưởng năng suất và đảm bảo tăng trưởng năng suất bao trùm, tạo nhiều việc làm.

Theo chuyên gia của ILO, các thể chế, chính sách cần tập trung tăng chất lượng nguồn nhân lực, cũng như khả năng tiếp cận thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế tri thức, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các chính sách chủ động về lao động có vai trò quan trọng để tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội việc làm cho tất cả mọi người, từ đó tạo ra năng suất lao động cao hơn. Việt Nam nên thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển kinh tế; đẩy mạnh nghiên cứu về tăng năng suất…

“Để tạo việc làm năng suất và việc làm bền vững, cần chú ý phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường phối hợp với chính sách ở các lĩnh vực khác như thông tin thị trường lao động, bảo hiểm xã hội…”, ông Felix Weidencaff nói.

Các đại biểu khách mời trao đổi, thảo luận bàn tròn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Các đại biểu khách mời trao đổi, thảo luận bàn tròn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Xây dựng tín dụng chính sách xã hội bền vững

Trình bày tham luận về “Tín dụng chính sách xã hội: Góp phần thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, động viên được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

Theo đó, tín dụng chính sách xã hội được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng; tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44.407 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,5 triệu lao động. Với những kết quả đạt được, tín dụng chính sách xã hội là cầu nối thiết thực, hiệu quả, đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có Ngân hàng Chính sách xã hội”.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những khó khăn hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn, tạo nguồn lực đủ lớn để phát huy vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách.

Các cấp ủy đảng, bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội...

Các bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù.

Đồng thời, quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện mô hình tổ chức, phương thức quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-doi-kinh-te-di-doi-voi-chuyen-doi-viec-lam-nang-cao-nang-suat-lao-dong-20230919161047904.htm