Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cách nào?
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam từ nước nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên mức thu nhập trung bình. Nhưng hành trình trở thành quốc gia thịnh vượng đòi hỏi chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa mô hình tăng trưởng
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quảng Ninh được đánh giá là hiện tượng rất đáng chú ý. Hơn 10 năm trước, ít ai ngờ tỉnh này sẽ có thế và lực như hôm nay với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 10,7%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể gắn với chuyển đổi từ nền kinh tế "nâu" sang "xanh", thuộc nhóm có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất trong cả nước.
Những luồng gió cải cách
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lý giải nguyên nhân giúp tỉnh trở mình mạnh mẽ là nhờ các đột phá chiến lược về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng với quan điểm "giao thông đi trước một bước". Đồng thời, đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư với kết quả cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách. "Giai đoạn 2016-2020, tỉnh huy động được trên 123.000 tỉ đồng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo bứt phá về hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ" - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho hay.
Là cực tăng trưởng quan trọng với mục tiêu trở thành một động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước nêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP Hải Phòng xác định việc huy động tối đa nguồn lực đầu tư là nhiệm vụ tối quan trọng. Năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên toàn TP đạt hơn 1,63 tỉ USD, gấp 1,17 lần cùng kỳ năm 2019, bằng 102,07% kế hoạch năm 2020. Với danh sách đáng kể dự án cấp mới và tăng vốn có quy mô hàng trăm triệu USD như: Pegatron Việt Nam, Nhà máy Sản xuất của USI tại Việt Nam, Nhà máy Sản xuất băng dính Tesa, Regina Miracle International Việt Nam..., TP Hải Phòng được coi là cái "rốn" hút FDI dù đứng thứ 2 cả nước và cách xa địa phương dẫn đầu là Bạc Liêu với 4 tỉ USD vốn ngoại. Bởi lẽ, Bạc Liêu chỉ có duy nhất dự án được cấp phép mới là Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu.
Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết TP đã bố trí nguồn lực hợp lý để đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm; hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng giao thông mới và quan trọng như: cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, cầu Hoàng Văn Thụ (kết nối Khu Công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên), 2 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. TP sẽ tiếp tục triển khai các công trình mới như mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng…, nhằm từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn.
"Những dự án này mang lại cơ hội quảng bá đầu tư vô cùng lớn cho Hải Phòng, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích hơn cho cộng đồng và nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài" - ông Lê Anh Quân nói.
Ở phía Nam, TP HCM xác định việc xây dựng Đề án đô thị thông minh - đô thị công nghệ cao dựa trên mũi nhọn ngành kinh tế tri thức là định hướng phát triển mang tính đột phá. Trong đó, TP Thủ Đức - ra đời trong lòng TP HCM trên cơ sở sắp xếp 3 quận 2, 9, Thủ Đức - được kỳ vọng trở thành hạt nhân sáng tạo, hình thành một cực tăng trưởng mới, dẫn dắt kinh tế.
Tỉnh Bình Dương 2 năm 2019 và 2020 được vinh danh là một trong 21 địa phương có chiến lược phát triển TP thông minh tiêu biểu thế giới. Việc xây dựng đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" hứa hẹn đem lại một môi trường hấp dẫn hơn nữa cho các nhà khởi nghiệp, công ty công nghệ…
Sử dụng hiệu quả nguồn lực
Có nhiều điểm sáng nhưng chuyển đổi mô hình tăng trưởng (MHTT) trên bình diện chung còn chưa đồng đều, nhiều mục tiêu chưa đạt. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây thừa nhận MHTT có thay đổi nhưng còn chậm, tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Ví dụ, ngành dệt may vẫn gia công đến 60% và chỉ xuất khẩu khoảng 5% theo phương thức ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất); ngành điện tử tuy được đánh giá là tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn đứng ở vị trí thấp nhất trong chuỗi…
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - nhận xét Việt Nam vẫn chưa có được một cách thức tăng trưởng mới hoàn toàn thông qua nâng cao hiệu quả, năng suất và đổi mới sáng tạo. Theo ông Cung, giai đoạn 2021-2030, 3 đột phá chiến lược vẫn là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực nhưng nội hàm có thay đổi. Về thể chế, cần chú trọng xây dựng thể chế phân bố nguồn lực và thị trường các nhân tố sản xuất; khuyến khích KHCN và đổi mới sáng tạo. Về hạ tầng, bổ sung hạ tầng về kinh tế số ngoài hạ tầng quy mô lớn, kết nối vùng và liên vùng. Về nguồn nhân lực, khuyến khích nghiên cứu phát triển, áp dụng KHCN. Về tái cơ cấu ngành, thay vì chăm chăm điều chỉnh tỉ lệ đóng góp thì chú trọng phát triển ngành nghề mới trong lĩnh vực công nghiệp, tăng giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sử dụng bền vững tài nguyên.
"Điểm yếu cốt lõi của nền kinh tế là hiệu quả sử dụng nguồn lực rất thấp khiến tốc độ tăng trưởng không tương xứng với tiềm năng, chỉ đạt mức tăng trưởng 5,9%/năm giai đoạn 2016-2020. Chuyển đổi MHTT giai đoạn tới phải tập trung vào huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực và coi đó là một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu. Nếu cải thiện được điều này, Việt Nam sẽ có bước nhảy căn bản trong việc chuyển đổi MHTT theo chiều rộng sang chiều sâu và hứa hẹn tăng trưởng trung bình 7,5%-8%/năm" - nguyên viện trưởng CIEM góp ý.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng việc sử dụng nguồn lực phải đặt trong tinh thần chung của cải cách là đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khối tư nhân bên cạnh việc tiếp tục ổn định vĩ mô và chống dịch Covid-19. "Chuyển đổi MHTT phải được đặt trong bối cảnh mới là dịch Covid-19 vẫn rất khó kiểm soát, chưa thể dự báo khi nào thế giới có thể đẩy lùi được dịch bệnh. Chính sách của chúng ta vừa phải kích thích hồi phục trên nền tảng nâng cao mô hình và chất lượng tăng trưởng; vừa không làm tăng rủi ro tài chính, đồng thời phải thích ứng với xu thế mới" - ông Thành lưu ý.
TS Võ Trí Thành cho rằng một nhiệm vụ rất quan trọng trong đổi mới MHTT giai đoạn tới là phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ngay trong khu vực công, bao gồm cả tiêu dùng, đầu tư công lẫn xây dựng và thực thi chính sách, bởi đây là khu vực có tác động lớn đến tổng thể nền kinh tế.
Kỳ tới: Nuôi dưỡng doanh nghiệp lớn
Quản trị theo chuẩn mực quốc tế
Theo quan điểm của GS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, một trong những việc cần làm để chuyển đổi MHTT theo hướng nâng cao chất lượng là phải thúc đẩy thực thi quản trị theo chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp (DN) nhà nước. Trong đó, tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nên dùng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; bổ sung vốn điều lệ cho DN nhà nước then chốt quốc gia; hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, cần cơ chế để DN tư nhân tham gia sâu hơn vào việc cổ phần hóa DN nhà nước. Từ đó, mô hình kinh tế sẽ thay đổi theo hướng hợp lý hơn.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-cach-nao-20210218210448696.htm