Chuyển đổi năng lượng là cuộc đua đường trường

Báo cáo năm 2024 vừa được công bố cho thấy Chỉ số Chuyển đổi Năng lượng (ETI) toàn cầu từ năm 2021 - 2024 thấp hơn gần 4 lần so với điểm số từ năm 2018 - 2021. Điều này chứng tỏ rằng bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng đã được thúc đẩy từ nhiều năm trước, vạch đích vẫn còn ở rất xa. Và quá trình này là một cuộc đua marathon đường trường chứ không thể là chạy nước rút.

Nguồn: Weforum

Nguồn: Weforum

"Một cuộc chạy đua marathon chỉ thực sự bắt đầu sau km thứ 30", Eliud Kipchoge – vận động viên chạy marathon vĩ đại nhất trong lịch sử đã chia sẻ như vậy, khi anh muốn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của tính bền bỉ, quá trình chuẩn bị và lập kế hoạch để có thể giành chiến thắng một cuộc đua.

“Từ sau km thứ 30, đó là lúc bạn cảm thấy đau nhức khắp cơ thể. Các cơ căng cứng, nhức nhối, và chỉ những vận động viên đã có sự chuẩn bị và tổ chức tốt nhất mới có thể hoàn thiện nốt quãng đường còn lại”.

Tương tự như vậy, quá trình chuyển đổi năng lượng cũng là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút, cần một quá trình dài hơi và được chuẩn bị tốt.

Quá trình đang giảm tốc

Chỉ số Chuyển đổi Năng lượng (ETI) toàn cầu từ năm 2021 - 2024 thấp hơn gần 4 lần so với điểm số từ năm 2018-2021. ETI nêu bật khó khăn trong việc đạt được quá trình chuyển đổi cân bằng giữa tính bền vững, công bằng và an ninh. Chỉ có 21 trong số 120 quốc gia đạt được tiến bộ trên cả 3 khía cạnh trong năm qua.

Mặc dù tính bền vững đã được cải thiện nhưng, ngoài việc tăng cường sử dụng điện gió và điện mặt trời, khía cạnh này không còn theo kịp quỹ đạo cần thiết để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

An ninh năng lượng đang bị thử thách trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng. Những thách thức về công bằng năng lượng vẫn tồn tại trong và giữa các quốc gia – đặc biệt là về khả năng chi trả và khả năng tiếp cận.

Đầu tư vào năng lượng sạch đạt mức cao kỷ lục 1.800 tỷ USD vào năm 2023 nhưng vẫn chỉ bằng khoảng 1/3 mức cần thiết đến năm 2030 để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Hậu Covid-19, bối cảnh chuyển đổi năng lượng đã trải qua những biến động mạnh mẽ về thực tế địa chính trị và kinh tế, thách thức động lực cơ bản của quá trình chuyển đổi năng lượng.

5 hành động để "duy trì phong độ"

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giúp quá trình chuyển đổi năng lượng lấy lại động lực. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cùng với Accenture, đã xác định 5 hành động cần được thực hiện kết hợp để trả lời câu hỏi trên, và hơn thế nữa là để đảm bảo quá trình này duy trì phong độ trong nửa sau của cuộc chạy marathon này

Đầu tiên, cần ưu tiên các quy định thúc đẩy quá trình khử carbon và hiệu quả năng lượng. Ví dụ, Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ được liệt kê như một giải pháp, theo đó, luật này cung cấp khoản tín dụng thuế 26% cho các khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời trong bối cảnh quỹ có tổng trị giá 369 tỷ USD dành cho các ưu đãi chuyển đổi.

Tương tự, Vương quốc Anh có Hợp đồng chênh lệch (CfD), mang lại sự ổn định lâu dài về giá để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tiêu chuẩn Hiệu suất Năng lượng Tối thiểu (MEPS), được EU, Mỹ và Canada thông qua, đã giúp giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản từ năm 2000 đến năm 2012.

Thứ hai, cần áp dụng công nghệ số và AI để tăng năng suất và tăng tốc đổi mới. Đặc biệt, AI tạo sinh đại diện cho một cơ hội biến đổi và nhiều công ty cũng như chính phủ đang định hình lại cách công nghệ sẽ tái tạo lại toàn bộ chuỗi giá trị của họ. Đến năm 2030, Accenture ước tính mức đầu tư của ngành vào AI tạo sinh sẽ tăng hơn gấp 3 lần, tăng từ khoảng 40 tỷ USD hàng năm lên hơn 140 tỷ USD.

Đảm bảo lợi ích của bản đồ cách mạng AI đối với lĩnh vực năng lượng là ưu tiên hàng đầu. Các yêu cầu về năng lượng cho AI hiện là một chủ đề chính, khi một số quốc gia đang đánh giá lại mức tăng trưởng nhu cầu điện trong tương lai của họ, vốn tăng mạnh do sự gia tăng của các trung tâm dữ liệu. Đảm bảo AI có tác động ròng tích cực đến quá trình chuyển đổi có nghĩa là mang lại lợi ích vượt xa nhu cầu năng lượng mới mà công nghệ tạo ra.

Thứ ba, cần cung cấp công bằng năng lượng cho người dân và hộ gia đình dễ bị tổn thương. Xã hội nói chung cuối cùng quyết định tốc độ của quá trình chuyển đổi năng lượng. Mạng lưới an toàn xã hội và các biện pháp đền bù, bao gồm hỗ trợ có mục tiêu dựa trên thu nhập, chuyển tiền mặt và các sáng kiến thu nhập cơ bản tạm thời, có thể giảm bớt hoặc đảo ngược tình trạng đói nghèo năng lượng và cuối cùng là tăng động lực áp dụng các giải pháp năng lượng sạch.

Điển hình là Philippines đã triển khai chương trình Lifeline Rate để cung cấp giá điện trợ cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp tiêu thụ dưới 100kWh mỗi tháng. Pháp đã nhắm mục tiêu hỗ trợ phần lớn việc nâng cấp hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà cho những người có thu nhập thấp nhất. Trong khi đó, Ấn Độ đang nhắm mục tiêu hỗ trợ phương tiện di chuyển bằng điện cho xe hai và ba bánh, hầu hết thuộc sở hữu của người dân có thu nhập thấp.

Thứ tư, cần kết nối cung - cầu năng lượng để thúc đẩy đầu tư trong tương lai. Các thỏa thuận thương mại và bao tiêu rất quan trọng trong việc phê duyệt đầu tư, đặc biệt đối với các dự án vốn lớn và các chương trình cơ sở hạ tầng vì chúng mang lại nguồn thu chắc chắn. Hiện tại, thị trường cho các sản phẩm xanh vẫn còn ở quy mô nhỏ, chẳng hạn như hydro, chỉ bằng 1% quy mô của ngành công nghiệp hiện tại.

Tổ chức First Movers Coalition đặt mục tiêu thúc đẩy các công nghệ khí hậu mới nổi quan trọng cần thiết để khử carbon trong các lĩnh vực phát thải nặng trên thế giới, với cam kết đáp ứng nhu cầu hàng năm là 16 tỷ USD cho các công nghệ mới nổi vào năm 2030.

Cả khu vực công và tư nhân cần hành động để kích thích đầu tư bằng cách giảm thiểu rủi ro cho nhu cầu trong tương lai. Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) gần đây đã hợp tác vận chuyển amoniac xanh với tổng khối lượng hàng nghìn tấn, đánh dấu sáng kiến đầu tiên ở quy mô này.

Thứ năm, để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng thành công đòi hỏi cả sự hợp tác toàn cầu, chẳng hạn như các cam kết chung, như những cam kết tại COP28, và các hành động riêng lẻ phù hợp với các điều kiện ban đầu, sự sẵn sàng và các ưu tiên của ngành.

Sự khác biệt đáng kể nhất trong hiệu quả hoạt động của hệ thống giữa các nền kinh tế tiên tiến và các quốc gia mới nổi và đang phát triển nằm ở sự chênh lệch về công bằng năng lượng, đặc biệt là ở châu Á mới nổi và châu Phi cận Sahara… Trong khi đó, động lực toàn cầu phụ thuộc vào việc thu hút tất cả các quốc gia, không chỉ các quốc gia tiên tiến.

Thông điệp từ Chỉ số Chuyển đổi Năng lượng (ETI) năm nay rất rõ ràng: Chúng ta đang tiến sâu vào cuộc đua đường trường. Động lực lúc này quan trọng hơn bao giờ hết. Những người ra quyết định trên toàn thế giới phải hợp tác hành động để bắt kịp tốc độ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai năng lượng công bằng, an toàn và bền vững.

Quỳnh Vũ (Theo WEF)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/chuyen-doi-nang-luong-la-cuoc-dua-duong-truong--i377512/