Chuyển đổi năng lượng xanh mở ra tương lai tươi sáng cho Việt Nam

Việt Nam đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và quá trình chuyển dịch năng lượng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội dài hạn cho người dân trong tương lai.

Củng cố vị trí dẫn đầu khu vực trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ “Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050”. Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều nỗ lực nhằm tiến đến mục tiêu này.

Bà Sunita Dubey, Đại diện quốc gia của Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) nhận định, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi năng lượng, trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Đến năm 2023, các nguồn năng lượng tái tạo này chiếm 13% tổng lượng điện của cả nước - một bước nhảy vọt đáng kể so với mức ít ỏi chỉ vài năm trước đó. Thành công này được thúc đẩy bởi các chính sách có cấu trúc tốt, bao gồm biểu giá điện ưu đãi hấp dẫn cho các dự án năng lượng tái tạo, cùng với các khoản miễn thuế và giảm tiền thuê đất.

Mặc dù có những tiến bộ này, quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Cơ sở hạ tầng lưới điện không theo kịp tốc độ mở rộng nhanh chóng của công suất năng lượng tái tạo, dẫn đến tỷ lệ cắt giảm cao và tình trạng kém hiệu quả. Ví dụ, các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn đã bị giảm công suất do hạn chế về truyền tải, trong khi các dự án điện gió bị chậm trễ cho thấy những lỗ hổng trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện.

Để giải quyết những điểm nghẽn này, cần phải đầu tư hơn nữa vào quá trình hiện đại hóa lưới điện, cũng như áp dụng các công nghệ lưu trữ năng lượng tiên tiến như hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) để cân bằng các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo không chỉ bảo vệ môi trường mà còn là một quyết định kinh tế thông minh.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo không chỉ bảo vệ môi trường mà còn là một quyết định kinh tế thông minh.

Hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì đà phát triển trong khi giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống. Điều này bao gồm việc thúc đẩy chính sách để thu hút đầu tư tư nhân, cải thiện tính linh hoạt của thị trường năng lượng và tích hợp các giải pháp toàn diện đảm bảo lợi ích cho tất cả cộng đồng. Làm được những điều này, Việt Nam không chỉ có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà còn củng cố vai trò là quốc gia dẫn đầu khu vực trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Mang lại những cơ hội kinh tế - xã hội trong dài hạn

Quá trình chuyển đổi năng lượng mang lại những cơ hội kinh tế - xã hội dài hạn cho Việt Nam. Về mặt kinh tế, các dự án năng lượng tái tạo giúp tạo thêm việc làm, bao gồm lắp đặt, bảo trì và chuỗi cung ứng.

Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA), sự chuyển dịch năng lượng tái tạo trên toàn cầu có thể tạo ra 42 triệu việc làm vào năm 2050, trong đó Đông Nam Á sẽ hưởng lợi đáng kể. Mở rộng quy mô các ngành năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam có thể phát triển lực lượng lao động lành nghề và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp xanh.

Về mặt xã hội, việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu truyền thống sẽ cải thiện sức khỏe cộng đồng bằng cách cắt giảm ô nhiễm không khí, vốn ảnh hưởng không cân xứng đến các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Sự chuyển dịch này sẽ giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo phi tập trung, chẳng hạn như lưới điện mặt trời siêu nhỏ, có thể trao quyền cho cộng đồng nông thôn bằng cách giải quyết bất bình đẳng về năng lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.

Về lâu dài, vị thế dẫn đầu của Việt Nam về năng lượng tái tạo sẽ tăng cường an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu truyền thống và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Bằng cách liên kết các mục tiêu năng lượng với các chiến lược phát triển toàn diện, Việt Nam không chỉ có thể đạt được mức phát thải ròng bằng 0 mà còn có nền kinh tế kiên cường và công bằng hơn”, bà Sunita Dubey nhấn mạnh.

Có thể khẳng định rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc chuyển đổi năng lượng xanh. Quá trình này đem lại cơ hội việc làm cho nhiều người, thúc đẩy nền kinh tế xanh, bảo đảm an ninh năng lượng và mở ra một tương lai tươi sáng cho đất nước hình chữ S.

Chuyển đổi xanh là yếu tố sống còn với doanh nghiệp

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi xanh, dần dần sẽ khó bán được hàng do yêu cầu từ phía người tiêu dùng và những tiêu chuẩn mà các quốc gia đối tác đặt ra.

Tiến sĩ Võ Trí Thành đánh giá, trải qua năm 2023 và đầu năm 2024, bức tranh kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi theo từng quý. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân đang chững lại, thậm chí có phần sụt giảm. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng tăng đáng kể từ năm 2023. Nhìn rộng hơn đó là năng lực cạnh tranh, khả năng phát triển.

Bên cạnh đó, những hạn chế nội tại của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ cũng như cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tính dẫn dắt, có thương hiệu tầm cỡ quốc tế hay có khả năng đột phá trong khoa học công nghệ, sáng tạo đều còn rất ít.

Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.

Định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.

Ngoài những khó khăn nội tại kể trên, sự liên kết, sức lan tỏa từ những doanh nghiệp dẫn dắt, nhất là khu vực FDI hay một số doanh nghiệp lớn trong nước đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa còn hạn chế. Bao gồm cả về công nghệ và về kỹ năng.

Đây là một bài toán lớn từ vấn đề nhận thức vai trò của khu vực tư nhân đến những chính sách hỗ trợ. Cũng lưu ý rằng sự hỗ trợ cần “khéo” khi vẫn cần mang tính chất thị trường, cạnh tranh và đảm bảo cam kết với quốc tế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng trong ngắn hạn, chúng ta vẫn đang cố gắng thực hiện từ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đến giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Cùng với đó là những chính sách về kích cầu tiêu dùng, đầu tư và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ngoài việc hỗ trợ trước mắt qua chính sách tiền tệ tài khóa, một điều quan trọng nữa là phải làm sao để họ vừa vượt khó, vừa bắt nhịp được với xu thế.

Ví dụ như câu chuyện xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số để tham gia vào chuỗi cung ứng, tăng khả năng đổi mới sáng tạo. Đây vừa là bài toán chính sách trước mắt, vừa là bài toán dài hạn.

Nhắc tới việc chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, điều quan trọng chính là sự nhận thức. Chúng ta cũng thấy đã có sự chuyển dịch tốt hơn cả ở hoạch định chính sách và sự nỗ lực của doanh nghiệp. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở việc cam kết, chiến lược thị trường mà là sống còn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không xanh, dần dần sẽ khó bán được hàng do yêu cầu của người tiêu dùng và những tiêu chuẩn mà những quốc gia đối tác đặt ra.

Đây cũng là một quá trình chuyển đổi không đơn giản vì cần chi phí lớn, đòi hỏi công nghệ và cả kỹ năng. Trong câu chuyện này, rõ ràng vai trò của Nhà nước, chính sách là quan trọng như hỗ trợ hạ tầng, đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo…

Sự hỗ trợ vừa cần đảm bảo tính chất thị trường, vừa đúng cam kết và vừa khéo léo để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam có thể dần bứt phá.

“Giai đoạn tới, Việt Nam chắc chắn phải có những động thái mạnh mẽ để thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhằm thực hiện các cam kết tại COP26. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, đòi hỏi rất nhiều điều kiện liên quan. Thứ nhất, về mặt quy hoạch điện, phải có những tính toán và phân tích kỹ lưỡng về khả năng huy động các nguồn phụ trợ, để có thể xử lý được các thách thức liên quan đến nguồn điện có tính chất không ổn định như điện gió, điện mặt trời. Chính phủ cần phải chủ động hơn trong việc đưa ra các định hướng, chiến lược, chính sách hài hòa giữa các bên: Nhà đầu tư phải cảm thấy có sự tin cậy khi bỏ vốn đầu tư. Một điều quan trọng nhất là Chính phủ cần có những cam kết mang tính chất dài hạn, thay vì chỉ đưa ra những chính sách mang tính chất ngắn hạn”.

(Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh)

Khánh An

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chuyen-doi-nang-luong-xanh-mo-ra-tuong-lai-tuoi-sang-cho-viet-nam-183109.html