Chuyển đổi nền kinh tế theo hướng xanh để bảo vệ 'ngôi nhà tự nhiên'

Việt Nam hiện là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, nằm trong top 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu.

Tuy nhiên, “ngôi nhà tự nhiên” của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng, cùng với thách thức lớn về ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực để chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo hướng xanh, bao trùm hơn.

Suy thoái đa dạng sinh học nghiêm trọng

Theo báo cáo “Đánh giá Đa dạng sinh học tại Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (Tổng cục Môi trường) công bố vào tháng 10-2021, Việt Nam hiện có hơn 50.000 loài đã được xác định, trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 loài động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học nghiêm trọng. Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544km2 diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu héc-ta rừng tự nhiên cũng đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cùng người dân trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui, xã Đồng Rui (Tiên Yên, Quảng Ninh).

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cùng người dân trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui, xã Đồng Rui (Tiên Yên, Quảng Ninh).

Các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân dẫn tới sự suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam, bao gồm cả những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp, như khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, khai thác gỗ trái phép, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã, các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng thâm canh nông nghiệp, cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế khác nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của con người.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Trước tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm.

Mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”

Để bảo vệ “ngôi nhà tự nhiên” của Việt Nam, mới đây, tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22-5), Ngày Môi trường thế giới (5-6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã kêu gọi mỗi người dân cần thay đổi ngay thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững, chú trọng những giải pháp dựa vào thiên nhiên để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, sinh kế cho người dân.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; đầu tư cho vốn tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội. Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân. Đặc biệt, các địa phương cần tập trung giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp chất thải; tăng cường hoạt động phòng, chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã...

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam là chuyển đổi năng lượng công bằng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam đòi hỏi mức sản xuất năng lượng phải tăng trưởng cao hơn nữa. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp cung cấp năng lượng bền vững cho nền kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và chuyển đổi nhiều ngành kinh tế khác sang hướng phát triển xanh, ví như ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, có một số trở ngại đối với quá trình chuyển đổi xanh và công bằng, như khung pháp lý cho ngành điện (bao gồm cả việc định giá điện; hệ thống truyền tải; bảo đảm tài chính...). “UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, bao gồm cả quá trình loại bỏ dần việc sử dụng than đá”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Bài và ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/chuyen-doi-nen-kinh-te-theo-huong-xanh-de-bao-ve-ngoi-nha-tu-nhien-696495