Chuyển đổi nông nghiệp bền vững
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập.
Chú trọng đầu tư hạ tầng
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi để ứng dụng cơ giới hóa và khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của VnSAT. Vì vậy, thời gian qua, chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp đã tranh thủ các nguồn vốn, tập trung đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi và giao thông nội đồng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã kiên cố được 2.365/4.275km kênh mương các loại (55,3%); nhựa hóa, bê tông và cứng hóa 787/1.612km đường trục chính nội đồng (48,8%). Với cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn thiện, nông dân và xã viên các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh thuận lợi hơn trong việc vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất và thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.
Nông dân ở các địa phương trong tỉnh từng bước thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Việc đầu tư kiên cố kênh mương và giao thông nội đồng góp phần thúc đẩy phong trào dồn điền đổi thửa ở các địa phương trong tỉnh. Hàng trăm cánh đồng sau dồn điền đổi thửa được các HTX và nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế, doanh thu tăng từ 13 - 15 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất theo phương thức truyền thống.
Kết quả này giúp nhiều HTX trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; tiến đến chế biến và đăng ký nhãn hiệu gạo từ lúa nguyên liệu do xã viên sản xuất. “Không chỉ hợp tác trong việc sản xuất và bao tiêu lúa, mà sau khi ổn định vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng lúa đồng nhất, HTX cùng với doanh nghiệp triển khai chế biến các sản phẩm từ lúa gạo nhằm gia tăng giá trị, giúp nông dân yên tâm sản xuất”, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) Đỗ Thể cho biết.
Hướng đến nông sản thương phẩm
Trong sản xuất lúa, sức lan tỏa của VnSAT chính là hướng nông dân thực hiện quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế); “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống lúa xác nhận và giảm lượng giống gieo sạ, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch).
Ông Nguyễn Hoa, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) cho biết, trước đây thấy lá lúa chuyển vàng là tôi bón phân đạm, thấy có sâu hại là phun thuốc trừ sâu, nên rất tốn kém, lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm”, canh tác theo kỹ thuật giữ nước “ngập, khô xen kẽ”, giúp tiết kiệm nhiều chi phí và công sức. Ngoài ra, quy trình sản xuất này tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, lợi nhuận tăng 30% so với sản xuất truyền thống, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, từ nền tảng của VnSAT, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, từng bước thay đổi tư duy và phương thức canh tác cho nông dân, hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, khuyến khích các HTX mạnh dạn làm cầu nối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp theo mô hình chuỗi, nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế của sản xuất lúa. Từ đó sẽ nhân rộng trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi có thế mạnh cạnh tranh, mở ra hướng phát triển bền vững cho nhà nông.
Đây cũng là cơ sở để ngành nông nghiệp tổ chức lại sản xuất lúa nói riêng, cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: MỸ HOA