Chuyện đời oanh liệt của một cựu binh

CCB Trần Xuân Tràng xem lại kỷ vật xưa. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

9 năm tham gia chiến đấu trên quê nhà, cựu chiến binh (CCB) Trần Xuân Tràng - nguyên Đại đội phó Đại đội Quyết thắng đã tham gia chỉ huy gần 100 trận đánh lớn nhỏ, giáp mặt với quân địch, bị thương nhiều lần và thoát chết trong gang tấc.

“Đúng rồi, tôi là Xuân Tràng đây!”. Đó là câu trả lời dứt khoát của ông Tràng khi nghe chúng tôi hỏi thăm nhà.

Nhiều lần vào sinh ra tử

Tham gia cách mạng từ lúc còn nhỏ, ông Tràng giả dạng đi bán cà rem, đánh giày để nắm tình hình địch về báo lại cho cán bộ cách mạng đang nằm hầm bí mật trong nhà của mình ở thôn Minh Đức (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa). Ba mẹ ông Tràng đều là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng về nằm vùng hoạt động tại địa phương. Nhờ vậy, ông có cơ hội tiếp xúc và được tin tưởng giao nhiệm vụ giao liên, tham gia gài mìn, đánh vào trụ sở, nơi đóng quân của địch… Năm 1967, ông thoát ly ra vùng căn cứ và được phân công vào đội du kích A xã Bình Kiến, rồi đi học lớp cán bộ trung đội.

Có lần đi xuống làng để vận chuyển hàng hóa về căn cứ, bị địch tập kích bắn pháo, nhờ có thùng dầu mà ông thoát chết. Ông Tràng nhớ lại: “Năm 1967, tôi theo đơn vị cùng với lực lượng 96, Thị ủy, Thị đội Tuy Hòa xuống làng lấy gạo, thuốc men… và được giao mang thùng dầu. Khi đoàn quay đầu về đến đoạn núi Sầm (xã Hòa Trị) thì bị địch phục kích bắn pháo, ai nấy chạy tứ tán. Tôi bị pháo nổ làm văng ra ngoài, bùng tai không nghe gì hết, mình đầy máu. Khi nhìn thấy tia lửa của pháo, tôi mới tin mình vẫn còn sống nên ngồi dậy đi tiếp. Qua khỏi địa phận nguy hiểm, tôi dừng lại xem thì thùng dầu mang sau lưng bị bắn thủng, chảy không còn một giọt. Nhiều đồng đội đã hy sinh trong lần đi này, riêng tôi nhờ thùng dầu che thân mà thoát chết”.

Năm 1970, sau khi học lớp bổ túc văn hóa rồi học khóa cán bộ đại đội tại Quân khu 5, ông Tràng được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng thuộc Đại đội Quyết thắng. Ông Tràng cho biết, tiền thân của Đại đội Quyết thắng là Trung đội Quyết tử thuộc Tỉnh đội Phú Yên được thành lập năm 1968. Sau trận đánh vào Tỉnh đường ngụy, sân bay dã chiến Chóp Chài, trung đội hy sinh 32 đồng chí, chỉ còn lại đồng chí Dương Long An (quê Thái Bình). Sau đó, Quân khu 5 quyết định bổ sung 4 trung đội, gồm Trung đội Biệt động thành và 3 trung đội từ miền Bắc vào thành lập Đại đội Quyết thắng thuộc Tỉnh đội Phú Yên với hơn 100 cán bộ, chiến sĩ.

Đại đội Quyết thắng được Quân khu 5 phân công luồn sâu trong lòng địch để đánh vào các cứ điểm lớn của ngụy như: Tỉnh đường, sân bay Chóp Chài, Trung đoàn 47, nhà băng và hầu hết các cứ điểm của địch trên TX Tuy Hòa. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng chiến trường nên hầu như trận nào Đại đội Quyết Thắng cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo tiếng vang lớn, làm cho địch nghe đến đều phải né tránh.

Năm 1973, ông Tràng được bổ nhiệm làm Đại đội phó Đại đội Quyết Thắng. Theo mệnh lệnh, mỗi tháng đại đội đánh 2-3 trận vào các cứ điểm của địch. Về trận đánh hỗ trợ phong trào chiếm đất giành dân ở ba thôn Minh Đức, Ngọc Phong, Thanh Đức, ông nhớ lại: “Tôi cùng đồng chí An và Dậu đang đi cơ sở chuẩn bị chiến trường thì nhận lệnh phải tham gia phối hợp với lực lượng dân quân, đội pháo, an ninh, du kích địa phương đánh địch. Ba mũi giáp công đánh đến vùng nào thì cắm cờ đến đó không cho địch vào làng cho đến chiều tối rút về căn cứ. Trong trận này, đồng chí Dậu bị thương một con mắt”.

Về trận đánh trung đội cảnh sát dã chiến ở ấp Ninh Tịnh (nay là phường 8, TP Tuy Hòa), ông hào hứng: “Trung đội cảnh sát dã chiến này chuẩn bị đi càn, bắt dồn dân nên chúng tôi phải hỗ trợ địa phương xóa sổ. Tối 20/9/1973, từ thôn Cẩm Tú, chúng tôi đi xuống mé rừng bố trí chờ sẵn đến giờ G tập kích đánh vào nơi đóng quân của chúng. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ thì quân ta xóa sạch, làm sập trụ sở và thu nhiều vũ khí, vật dụng của địch. Kế hoạch đi càn không thực hiện được nên bọn chúng treo thưởng, nếu ai mang được đầu cộng sản Trần Xuân Tràng về sẽ phong hàm thiếu úy!”. Hay những trận đánh sập cầu Minh Đức, cầu Ngân Sơn, cầu Đà Rằng cũng do ông Tràng chỉ huy thì hôm sau bọn lính ngụy quyền tìm đến nhà bắt mẹ ông “đền tiền sửa cầu”.

Trận tập kích tiêu diệt tên Trần Tổng, Trưởng Ty Cảnh sát ngụy khét tiếng - diễn biến như sau: “Khi nhận lệnh ngày mai có 3 đoàn xe do tên Tổng dẫn đầu đi càn ra Sông Cầu bắt bớ, tảo thanh, tối hôm đó, tôi cùng đồng đội đi xuống đoạn mả bà Dũ Ký (Chóp Chài) chuẩn bị chiến trường, đào đường chôn mìn và 4 trái pháo rồi nằm chờ sẵn. Khi có báo hiệu đoàn xe đi qua, tôi kích cho mìn nổ tiêu diệt được 2 chiếc đầu tiên. Còn lại chiếc cuối có tên Tổng thì trái mìn bị thúi, không nổ được nên chúng tháo chạy luôn. Trong trận này, tôi bị thương đầy người, còn đồng chí Nguyễn Hoàng Hạng (quê Tuy An) - Trung đội trưởng Đại đội Quyết Thắng hy sinh. Tôi cố gắng chôn cất đồng chí Hạng xong rồi về lại căn cứ”.

Sau một tháng điều trị vết thương, ông Tràng trở lại đơn vị tiếp tục tham gia các trận đánh phá sập quận Hiếu Xương, phá ấp chiến lược Phú Cần… Theo người CCB từng vào sinh ra tử này, những năm 1973-1974, chiến trường ác liệt, bộ đội ta có lúc đi sát sau lưng hoặc song song với địch nếu chúng phát hiện thì hai bên phải đánh nhau. “Có những trận đánh, tôi vừa chỉ huy trận địa vừa dẫn dắt chỉ mục tiêu cho trợ thủ bắn pháo B40. Vì chỉ tiêu một trận đánh mỗi pháo thủ chỉ bắn khoảng 3-4 quả nhưng có trận ác liệt, có người bắn đến 8 quả nên tai bị điếc, mắt không còn nhìn thấy gì. Vì thế, khi rút quân tôi phải dắt pháo thủ ấy chạy theo cho an toàn”, ông Tràng kể.

Ông Tràng (thứ 6 từ phải qua) cùng một số đồng đội của Đại đội Quyết Thắng đi thăm Lăng Bác. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nặng nghĩa tình đồng đội

Năm 1975, Đại đội Quyết Thắng chia ra nhiều đội để dẫn đường đại quân tiến vào giải phóng Phú Yên. Ông Tràng đảm nhận nhiệm vụ dẫn các đoàn quân chủ lực tiến đánh Tỉnh đường ngụy, góp phần làm nên Chiến thắng 1/4 lịch sử, giải phóng tỉnh nhà.

Sau ngày giải phóng, ông Tràng chuyển về công tác ở Ban Quân pháp, Sư đoàn 860 thuộc Quân khu 5 cho đến năm 1980 thì nghỉ mất sức, là thương binh hạng nhất, bệnh binh 63%. Khi trở về địa phương (xã Bình Kiến), ông được tín nhiệm bầu làm trưởng ban kiểm soát HTX 3 với ba nhiệm kỳ, rồi làm phó chủ tịch, chủ tịch hội CCB xã, xã đội trưởng cho đến năm 1993.

Ông Tràng cho biết, hồi còn ở Đại đội Quyết Thắng, mỗi người tự đào mộ cho mình theo sơ đồ, khi ra trận đồng chí nào hy sinh mang được xác về thì chôn theo sơ đồ ấy. Ông nhớ từng địa điểm, nơi có nhiều đồng đội của Đại đội Quyết Thắng hy sinh và cả cán bộ dân chính đảng các đơn vị khác. Mỗi trận đánh đều có rất nhiều lực lượng tham gia và nhiều người hy sinh. Có đồng chí thân xác không còn nguyên vẹn nhưng nhìn vào trang phục, ông có thể nhận ra là chiến sĩ ở đơn vị nào. Có khi trên đường đi công tác, ông thấy có hai thi thể nữ dân quân hy sinh nằm bên đường liền mang đi chôn.

Cho rằng mình là người quá may mắn khi vẫn còn sống đến ngày hôm nay nên sau khi nghỉ hưu, ông Tràng dành phần lớn thời gian để đi tìm đồng đội, cất bốc hài cốt liệt sĩ. “Còn sức khỏe là tôi còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị đi tìm hài cốt các liệt sĩ để các anh chị được an nghỉ trên quê hương thanh bình”, ông Tràng trải lòng.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/269810/chuyen-doi-oanh-liet-cua-mot-cuu-binh.html