Chuyển đổi phương thức sản xuất trong chăn nuôi

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu con gia súc, trên 7 triệu con gia cầm. Một trong những khó khăn lớn của các hộ chăn nuôi thời gian qua là giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng khiến chi phí, giá thành sản xuất tăng cao, tuy nhiên, giá bán lại thiếu ổn định. Do vậy, các địa phương, hộ chăn nuôi tích cực chuyển đổi phương thức theo hướng trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, theo vùng và theo quy hoạch.

Thực hiện phun khử khuẩn tại khu vực chăn nuôi của Công ty cổ phần Chăn nuôi Lộc Phát BLLT.

Thực hiện phun khử khuẩn tại khu vực chăn nuôi của Công ty cổ phần Chăn nuôi Lộc Phát BLLT.

Là một trong 5 chuỗi thịt lợn an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty cổ phần Chăn nuôi Lộc Phát BLLT, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La có quy mô sản xuất khoảng 1.300 con lợn nái, gần 10.000 con lợn thịt, sản lượng thịt cung cấp thị trường trong nước, xuất khẩu khoảng 900 tấn/năm. Công ty duy trì sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 công nhân, với mức thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty chia sẻ: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, công ty áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát môi trường bằng cách xây dựng chuồng trại kín đáo, thoáng mát, cách ly tốt với bên ngoài, sử dụng hệ thống làm mát và thông gió, vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Đồng thời, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch và sử dụng thuốc thú y chất lượng. Bên cạnh đó, công ty liên kết, ký hợp đồng một số công ty chuyên sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và tự sản xuất, cung cấp con giống tại chỗ, kiểm soát chặt chẽ chất lượng ngay từ đầu vào, tiết kiệm chi phí đầu tư.

Việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi, không chỉ thực hiện ở những cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn mà ngay cả đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ có số lượng nhiều cũng có sự thay đổi rõ rệt. Ông Lò Văn Kham, xã É Tòng, huyện Thuận Châu nói: Năm 2021, tôi liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp sinh thái Erfarm, xã É Tòng để nuôi giống gà đen. Tham gia liên kết được tập huấn kỹ thuật nuôi theo hướng an toàn sinh học; được hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm; cung cấp giống gà đen thuần chủng nhập từ Trung tâm thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi quốc gia) về nuôi. Gà thịt bán ra thị trường có trọng lượng trung bình 1,5-2,2 kg/con, giá bán 150.000-180.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi bò 3B theo chuỗi liên kết tại HTX nông nghiệp Sơn La, huyện Mai Sơn.

Mô hình nuôi bò 3B theo chuỗi liên kết tại HTX nông nghiệp Sơn La, huyện Mai Sơn.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 chuỗi lợn thịt, quy mô 95.000 con, sản lượng 544.350 tấn/năm; 3 chuỗi thịt gà an toàn quy mô 62.500 con, sản lượng 80 tấn/năm. Sản phẩm thịt, trứng an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, đến việc sử dụng thức ăn, vắc xin phòng bệnh, đảm bảo đạt tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Các cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và phát triển theo chuỗi giá trị, chứng minh hiệu quả sản xuất trong bối cảnh nhiều thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh. Điểm chung là có sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào - nhà sản xuất - doanh nghiệp tiêu thụ, nắm bắt thông tin dự báo thị trường, bảo đảm số lượng cung ứng, khả năng cạnh tranh cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Việc thay đổi phương thức chăn nuôi theo các chuỗi liên kết, khẳng định được hiệu quả, góp phần hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi. Tỉnh đã và đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng nhà máy, ký kết với các trang trại, hộ chăn nuôi phát triển chuỗi liên kết, đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Quy hoạch lại các vùng chăn nuôi, phát triển theo phương thức nuôi trang trại tập trung gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chất lượng con giống, kể cả với sản xuất nông hộ lẫn sản xuất trang trại; tăng cường quản lý các công ty, doanh nghiệp cung cấp giống đang lưu hành trên địa bàn tỉnh.

Nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thay đổi phương thức chăn nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như đối phó với tình hình dịch bệnh. Đồng thời, phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, HTX, bảo đảm truy xuất an toàn thực phẩm, chia sẻ trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, giúp xác định được cân đối cung - cầu các sản phẩm chăn nuôi.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/chuyen-doi-phuong-thuc-san-xuat-trong-chan-nuoi-WcrHNuwIR.html