Chuyển đổi sản xuất để ứng phó hạn, mặn
Mùa khô năm 2019 - 2020, sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng việc chủ động ứng phó của các bộ, ngành và địa phương cho nên đã giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Tuy nhiên, về lâu dài, khu vực này cần đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất nhằm thích ứng với hạn, mặn để bảo đảm đời sống nhân dân.
Bài 1: Thay đổi tư duy sản xuất để thích ứng
Trên thực tế, thời gian qua các địa phương và người dân vùng ĐBSCL đã dần thay đổi tư duy sản xuất, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước thích ứng với hạn, mặn. Trong đó, việc chủ động xuống giống sớm trong gieo sạ lúa, chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn, mặn sang trồng rau màu, cây ăn quả, thủy sản, cây công nghiệp ngắn ngày… vừa giúp tiết kiệm nước, vừa nâng cao thu nhập.
Chủ động xuống giống sớm
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nhưng thời gian qua do biến đổi khí hậu khiến hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân. Điển hình như mùa khô năm 2015 - 2016 được ghi nhận là xảy ra hạn, mặn lịch sử, thiệt hại hàng trăm nghìn héc-ta cây trồng, hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đến mùa khô 2019 - 2020, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn. Lường trước những khó khăn đó, các bộ, ngành và địa phương đã quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm sản xuất cho nhân dân. Trong đó chủ động xuống giống lúa vụ đông xuân sớm không chỉ giúp tránh hạn, mặn mà còn giúp năng suất, sản lượng cũng tăng cao kỷ lục.
Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, để bảo vệ sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương khu vực ĐBSCL xuống giống lúa sớm từ 10 đến 30 ngày, tùy theo từng vùng cũng như các điều kiện về nguồn nước, đất đai canh tác. Đồng thời, Bộ chỉ đạo những diện tích nào xác định chắc chắn bị hạn, mặn thì các địa phương cắt vụ không gieo trồng hoặc chuyển sang cây trồng khác. Chính vì vậy, vụ đông xuân 2019-2020 ở ĐBSCL gieo cấy hơn 1,54 triệu ha, năng suất bình quân đạt gần 70 tạ/ha, tăng hơn 2 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 10 triệu tấn, có thể nói đây là vụ sản xuất lúa đạt năng suất cao kỷ lục. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, vụ đông xuân 2019 - 2020, nhân dân trên địa bàn xuống giống hơn 47.500 ha, năng suất đạt trung bình từ 75 đến 80 tạ/ha. Đặc biệt, lúa không chỉ đạt năng suất cao mà còn được giá cho nên sau khi trừ chi phí, người dân còn lãi từ 25 đến 27 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ lãi đến 30 triệu đồng/ha. Đây là một trong những vụ sản xuất lúa mà bà con nông dân trên địa bàn thu lãi cao.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, với kỹ thuật trồng lúa hiện nay tại ĐBSCL phải cần đến 2.000 lít nước để sản xuất ra 1 kg lúa. Trong bối cảnh tình trạng khô hạn, thiếu nước diễn ra thường xuyên, xâm nhập mặn diễn biến khó lường nên ở khu vực này, xây dựng mô hình giống lúa mới và quy trình canh tác lúa tiên tiến để thích ứng là giải pháp tối ưu. Mới đây, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng phối hợp xây dựng chương trình này với diện tích 40 ha lúa ở Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Đức tại ấp Mỹ Đức, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú với hơn 20 hộ nông dân tham gia. Qua thực hiện mô hình, người dân được hướng dẫn sử dụng phân bón đúng liều lượng, tiết kiệm chi phí nhưng năng suất tăng cao, vì thế lợi nhuận cũng tăng theo. Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Đức Nguyễn Quốc Khởi cho biết, hiện nay, các thành viên của hợp tác xã rất yên tâm vì cách sản xuất lúa này giúp hạn chế thất thoát giống, thuốc bảo vệ thực vật, hơn nữa đầu ra cho sản phẩm được bao tiêu.
Cây vừng trên đất lúa
Nhằm ứng phó với hạn hán, từ năm 2018 UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018 - 2020. Chủ trương của tỉnh là giảm dần diện tích gieo sạ lúa vụ hè thu để chuyển sang trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện các mô hình luân canh cây trồng có hiệu quả cao như trồng vừng trên đất lúa, trồng ngô, ớt, khoai môn; mô hình chuyển đổi lúa sang trồng cây ăn quả. Trong các mô hình chuyển đổi để ứng phó với hạn hán, thì mô hình trồng vừng trên nền đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhiều nơi áp dụng.
Những ngày đầu tháng 5, dưới cái nắng 37oC, trên cánh đồng vừng ở xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) bà con nông dân tất bật thu hoạch. Vừng năm nay bán được giá nên nhân dân rất phấn khởi thu hoạch nốt diện tích để bước vào vụ sản xuất mới. Ông Nguyễn Văn Don, ngụ ấp 3, xã Bình Hàng Trung chia sẻ: “Vụ vừng năm nay, gia đình tôi trồng bốn héc-ta, năng suất đạt gần 1,2 tấn/ha với giá bán 51 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 70 triệu đồng. Do cây vừng chịu nắng hạn tốt, ít sâu bệnh cho nên hiệu quả cao, chứ nếu mùa nóng như thế này mà trồng lúa thì coi như hòa, thậm chí lỗ”. Những năm 2012, 2013, diện tích trồng vừng trên đất lúa ở xã Bình Hàng Trung có quy mô nhỏ, tuy nhiên diện tích liên tục tăng theo từng năm. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh Huỳnh Thanh Sơn cho biết, cây vừng chịu hạn tốt cho nên rất thích hợp cho việc luân canh hai lúa, một màu. Trồng vừng sử dụng nước chỉ bằng một phần ba hoặc một phần năm so với trồng lúa nhưng thu nhập lại cao gấp hai đến ba lần. Hơn nữa, đây là loại cây tốn ít công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, thích nghi tốt với đồng đất nơi đây. Đến nay, diện tích trồng vừng ở huyện Cao Lãnh có khoảng 1.500 ha, trong đó các xã Phong Mỹ, Bình Hàng Trung và Tân Nghĩa chiếm hơn 60%.
Trước tình hình hạn, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt thì việc chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước tưới là một trong những giải pháp để sống chung với hạn, mặn được tỉnh Long An quan tâm thực hiện. Theo đó, từ sau năm 2016 đến nay, nông dân ở một số xã thuộc các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hào… đã chọn phương án chuyển đổi cây màu trên đất ruộng, mang lại hiệu quả cao. Vụ xuân hè năm 2020, nông dân các xã biên giới như Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B, (huyện Tân Hưng) xuống giống gần 850 ha vừng đen. Hiện tại, nông dân đang thu hoạch, năng suất từ 700 đến 900 kg/ha, giá bán từ 46.000 đến 52.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí có lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa. Ông Lê Văn Mỹ Em, ở xã Hưng Hà cho biết: “Theo dự báo, hạn hán trong vụ hè thu 2020 sẽ gay gắt nên gia đình tôi chuyển trồng lúa sang trồng vừng với hơn 5 ha. Do cây vừng chịu được hạn hán, ít sâu bệnh nên phát triển tốt, năng suất đạt hơn 700 kg/ha với giá bán 47.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi hơn 20 triệu đồng/ha”. Nhận thấy trồng lúa thường xuyên bị hạn hán ảnh hưởng đến năng suất cho nên ông Nguyễn Văn Thống, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng cũng đã chuyển sang trồng vừng trên diện tích 10 ha. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây vừng phát triển tốt, năng suất cao hơn các vụ trước từ 100 đến 200 kg/ha, giá bán ở mức cao nên gia đình ông rất phấn khởi.
Tại các xã thuộc Cù lao Tây ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), người dân cũng đang mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để thích ứng với hạn hán. Thời gian trước, diện tích trồng ớt ở Cù lao Tây không nhiều thì nay xứ cù lao này đã trở thành một trong những vùng chuyên canh ớt lớn trong khu vực. Chúng tôi gặp Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Long Nguyễn Văn Thật khi đồng chí vừa đi thăm cánh đồng trồng màu 100 ha ở ấp Tân Thạnh về. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Thật bắt đầu từ câu chuyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương mình. “Dấu ấn mà tôi nhớ là từ khi còn làm ở Phòng NN&PTNT huyện cách đây bốn năm, khi đó những diện tích lúa cuối cùng ở xã Tân Long đã chuyển sang trồng hoa màu và các cây công nghiệp ngắn ngày. Đến nay, sau một thời gian chuyển đổi, các mô hình đang phát huy hiệu quả rõ nét giúp thu nhập của người dân cao hơn nhiều so với trồng lúa và không còn sợ hạn hán ảnh hưởng đến cây trồng như trước đây. Ngoài ra, hoa màu trồng ba vụ quanh năm giúp cho bài toán giải quyết việc làm lao động nông thôn trong thời gian nhàn rỗi”, đồng chí Nguyễn Văn Thật chia sẻ.
Từ năm 2016 đến nay, khi Bộ NN&PTNT hoàn thành công trình dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ sản xuất nông nghiệp đã giúp cho hàng nghìn hộ dân vùng thượng của huyện Đức Hòa (Long An) bội thu trong mùa khô hạn. Nông dân Huỳnh Văn Vũ, ở ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Nam cho biết: “Gia đình tôi canh tác 1,1 ha đất trồng hai lúa, hai màu. Ba năm trở lại đây, mặc dù vào mùa khô hạn toàn bộ diện tích vẫn bảo đảm nước sản xuất. Các loại rau, củ, quả đang trồng trong mùa khô hạn phát triển tốt, có giá từ 8.000 đến 15.000 đồng/kg, bình quân 1.000 m2 đất trồng sau ba tháng thu hoạch trừ chi phí thu lãi hơn 10 triệu đồng”.
(Còn nữa)
Theo Cục Trồng trọt, vụ đông xuân 2019 - 2020 các tỉnh Nam Bộ chuyển đổi hơn 41,5 nghìn ha lúa sang cây trồng khác (vùng ĐBSCL là 41,2 nghìn ha). Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là ngô, lạc, đậu tương, vừng và cây ăn quả. Trong đó, rau màu có thu nhập khoảng 178 triệu đồng/ha, cây ăn quả thu nhập hơn 600 triệu đồng/ha. Hiện nay, một số diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao.