Chuyển đổi số báo chí - Công nghệ phải đi liền với nội dung

Câu chuyện chuyển đổi số báo chí lâu nay không còn xa lạ với những người làm báo. Một số cơ quan báo chí đã tiên phong thực hiện chuyển đổi số, đưa những sản phẩm của mình lên không gian số, nhanh chóng bắt kịp với xu hướng báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu mới của độc giả. Với những ưu thế vượt trội, chuyển đổi số trong báo chí đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ, sâu rộng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn còn một số cơ quan báo Đảng địa phương đang loay hoay với công cuộc chuyển đổi số báo chí. Vậy đâu là nguyên nhân? Đâu là những điểm yếu cần phải được nhận diện và tháo gỡ? Đó chính là nội dung cuộc đối thoại giữa phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đồng chí Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh tại Hội nghị Giới thiệu đợt tuyên truyền đặc biệt Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ của Báo Nhân Dân.
Ảnh: Trần Minh

P.V: Việc số hóa trong quản lý sẽ giúp các cơ quan báo chí tận dụng triệt để các nguồn lực có sẵn, giám sát có hiệu quả quá trình tác nghiệp của từng phóng viên cũng như cả tòa soạn. Như vậy, có nghĩa, công nghệ đóng một vai trò hết sức quan trọng, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Số hóa mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của quá trình chuyển đổi số và báo chí thế giới đã thực hiện số hóa triệt để từ đầu thế kỷ này, chẳng hạn như tờ New York Times vào năm 2002 đã số hóa toàn bộ các số báo từ năm 1851. Số hóa giúp cho việc lưu giữ tư liệu được hiệu quả hơn và an toàn hơn, việc tìm kiếm và tra cứu tư liệu cũ không còn là khó khăn nữa và tiết kiệm được nhiều thời gian.

Số hóa, tiếng Anh là “digitisation”, là chuyển từ analog sang digital và là giai đoạn đầu tiên. Bước tiếp theo là “digitalisation” – nghĩa là sử dụng dữ liệu digital để đơn giản hóa quy trình làm việc. Và bước cao nhất – “Chuyển đổi số (digital transformation)” để tạo thêm giá trị cho mọi tương tác với người dùng/khách hàng – chính là điều mà xã hội nói chung và báo chí nói riêng đang hướng tới.

Trong thời đại hiện nay, báo chí không thể tách rời công nghệ vì công nghệ có vai trò rất lớn ở mọi khâu trong quá trình hoạt động và sản xuất của các tòa soạn. Cho nên mới có câu nói “Nội dung là Vua, Công nghệ là Nữ hoàng”. Thậm chí báo chí thế giới có xu hướng là các tập đoàn báo chí sẽ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ để trở thành các tập đoàn báo chí-công nghệ (media-tech), còn các tập đoàn công nghệ đầu tư vào sản xuất nội dung để trở thành các tập đoàn công nghệ-truyền thông (tech-media).

P.V: Công nghệ là điều kiện quan trọng và không thể thiếu để thực hiện chuyển đổi số báo chí. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng: muốn chuyển đổi số thành công, trước tiên phải là sự thay đổi tư duy của người làm báo; trong đó, người đứng đầu phải lan tỏa được tinh thần chuyển đổi số tới mọi ngóc ngách của cơ quan báo chí. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Chuyển đổi số là nói đến con người, chứ không phải công nghệ. Nói tới chuyển đổi số là nói tới chuyển đổi tư duy, thay đổi cả văn hóa của tòa soạn để từ đó tạo ra môi trường làm việc mới, sản phẩm mới, tạo ra những nguồn thu mới, thu hút người dùng mới bên cạnh việc duy trì lượng độc giả trung thành. Mua sắm thiết bị hay công nghệ hiện đại không phải là chuyện khó. Khả năng thích nghi với một tương lai digital của mỗi cơ quan tùy thuộc vào việc phát triển một thế hệ những kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu về nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua mọi thử thách. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn, thì mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm ở bên rìa mà thôi.

Chắc chắn là một ban lãnh đạo – dù tài giỏi hay yếu kém – thì đều có ảnh hưởng tới từng bộ phận, từng lĩnh vực của một đơn vị, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ít nhất 50% hiệu quả hoạt động của đơn vị đó phụ thuộc vào cá nhân người lãnh đạo. Theo nghiên cứu của McKinsey Global, các công ty thành công về chuyển đổi số thường có những lãnh đạo thành thạo công nghệ. Những công ty có một giám đốc phụ trách digital (Chief Digital Officer-CDO) có cơ hội chuyển đổi số thành công cao hơn 1,6 lần so với các công ty khác. Anita Zielina, Giám đốc Sáng tạo và Lãnh đạo, Trường Báo chí Craig Newmark thuộc đại học City University of New York (CUNY) cho rằng “Lý tưởng nhất là thuê được “người tạo ra thay đổi”, nhưng cũng cần tạo dựng những nhân vật như thế ngay trong tổ chức của mình”.

P.V: Chuyển đổi số báo chí không chỉ đơn thuần là đưa công nghệ vào quy trình quản lý và xuất bản báo chí. Để thu hút được độc giả, mỗi cơ quan báo chí cần phải quan tâm đến chất lượng các sản phẩm đưa đến công chúng. Tuy nhiên, để có những sản phẩm tốt thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Đây phải chăng chính là cái “yếu và thiếu” của một số cơ quan báo Đảng địa phương hiện nay, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Người ta đã tổng kết những yếu tố để chuyển đổi số thành công là lãnh đạo phải am hiểu công nghệ; xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên của tương lai; tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới; tăng cường sử dụng các công cụ digital và thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống và digital.

Phát triển tài năng và kỹ năng trong toàn bộ công ty – một bước đi then chốt cho mọi quá trình chuyển đổi truyền thống – là một trong những yếu tố quan trọng nhất để chuyển đổi số thành công. Những công ty chuyển đổi số thành công thường dành ngân sách phù hợp và có biện pháp năng động để thu hút nhân tài. Thành công về chuyển đổi số có thể cao gấp 3 lần nếu công ty đầu tư xứng đáng vào các nhân lực digital giỏi.

Đương nhiên, mục đích cuối cùng của một cơ quan báo chí chính là sản phẩm chất lượng cao, thu hút người dùng mới và giữ chân những người dùng lâu năm để xây dựng tệp độc giả trung thành. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi có hàng tỷ kênh thông tin trên Internet, thu hút người dùng là thách thức không nhỏ nhưng các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo Đảng, phải kiên định với chiến lược lấy độc giả, khán thính giả làm trung tâm, phải đi theo hướng chuyên nghiệp và không ngừng đổi mới sáng tạo. Phải đầu tư vào con người, đào tạo đội ngũ nhân viên và tuyển dụng nhân tài. Đương nhiên, sẽ có ý kiến rằng báo Đảng gặp khó khăn hơn về cơ chế, về nguồn lực tài chính. Nhưng nếu không đổi mới thì sẽ bị mất độc giả, mất vai trò dẫn dắt trên mặt trận thông tin. Khi ấy báo Đảng sẽ không thể hoàn thành được sứ mệnh của mình. Các cơ quan báo Đảng buộc phải lựa chọn đường đi cho mình: cứ kêu khó và đứng yên để rồi tụt hậu, hay là năng động vươn lên và nắm bắt cơ hội để phát triển bền vững.

P.V: Vẫn biết chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ báo chí nếu muốn tồn tại nhưng trong điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ kỹ sư công nghệ vừa thiếu, vừa yếu... nhiều cơ quan báo Đảng địa phương hiện vẫn đang loay hoay không biết chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu? Vậy, theo đồng chí, lời giải ở đây là gì?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Hội Nhà báo Việt Nam và nhiều đơn vị đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo cũng như các chương trình tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số trong 3-4 năm qua. Đã có những cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, trong đó có cả những cơ quan báo Đảng địa phương với quy mô khá nhỏ. Không phải cứ nhiều tiền mua thiết bị, phần mềm hiện đại là triển khai chuyển đổi số hiệu quả, cũng không cần phải sở hữu một đội ngũ chuyên viên công nghệ, lập trình viên thì mới thực hiện được chiến lược chuyển đổi số. Mỗi cơ quan báo chí, tùy năng lực tài chính cũng như đội ngũ nhân viên lành nghề mà đề ra chiến lược phù hợp, có những thiết bị phải mua nhưng có những thứ có thể thuê, có chuyên viên công nghệ thì tốt nhưng cũng có thể hợp tác với các đối tác công nghệ bên ngoài. Cũng có thể mời công ty tư vấn về chiến lược chuyển đổi số nếu đơn vị không thể tự làm, hoặc tham khảo mô hình của báo bạn để xây dựng chiến lược của riêng mình.

Tôi nghĩ giờ này không nên đặt câu hỏi bắt đầu từ đâu mà phải xắn tay vào làm ngay trước khi quá muộn. Bắt đầu từ những bước nhỏ rồi mở rộng dần, vừa làm vừa thích ứng, dám chấp nhận rủi ro và sai lầm.

P.V: Như đồng chí đã nói, chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan báo chí; không có một công thức chung nào cho các cơ quan báo chí. Điều đó có nghĩa, việc “mang công thức của tòa soạn này áp dụng dập khuôn, máy móc vào một tòa soạn khác” sẽ khó đem lại hiệu quả cao?

Đồng chí Lê Quốc Minh: Đương nhiên không có tòa soạn nào giống tòa soạn nào nên không thể có công thức chung. Nhưng người ta vẫn có một số mô hình mẫu mang những yếu tố cơ bản để mọi người tham khảo và học hỏi. Chưa thử nghiệm thì không thể biết hiệu quả đến đâu, bắt tay vào làm mới biết cần điều chỉnh ra sao, hướng đi nào là phù hợp với tòa soạn của mình. Đi sau cũng có cái lợi là rút ra được bài học từ những người đi trước, công nghệ sau hiện đại hơn, có khi chi phí rẻ hơn. Nhưng cứ chờ đợi phương án tốt nhất thì khoảng cách sẽ càng bị bỏ xa. Và xin nhắc lại là đừng tự đặt ra quá nhiều câu hỏi nữa, hãy hành động đi thôi!

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Minh Thu (Thực hiện)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-bao-chi-cong-nghe-phai-di-lien-voi-noi-dung-123804.html