Chuyển đổi số Cà Mau: Đột phá chính quyền số, thúc đẩy xã hội số
Dịch vụ công trực tuyến đang giúp người dân Cà Mau làm thủ tục hành chính thuận lợi hơn; Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng cũng đang giúp chuyển đổi số đến với người dân Cà Mau dễ dàng hơn.
Tỉnh Cà Mau xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để triển khai các giải pháp một cách quyết liệt, nhằm tạo đột phá thúc đẩy CĐS trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Chính quyền số - “cú hích” dịch vụ công trực tuyến
Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến được tỉnh Cà Mau thực hiện từ đầu tháng 3/2023 đã giúp tỉnh này đứng đầu cả nước trên Bảng chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp về cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (GQTTHC) tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh vẫn đang đứng đầu cả nước về bộ chỉ số phục vụ người dân trên môi trường mạng; đứng thứ 3 cả nước về mức độ kết nối dịch vụ công quốc gia. Không tính các đơn vị ngành dọc, toàn tỉnh Cà Mau đang có 1.850 thủ tục hành chính, tất cả các thủ tục này đều có thể làm trên môi trường mạng.
Với các dịch vụ công toàn trình như: Giấy khai sinh; Hộ chiếu phổ thông,… người dân có thể làm trên mạng và đăng ký nhận kết quả ở nhà qua bưu điện. Tuy nhiên, với những dịch vụ công một phần như: cấp bằng lái xe; CCCD; Đăng ký tàu cá;… cần phải đến trung tâm để chụp ảnh làm hồ sơ.
“Tôi đến làm thủ tục cấp lại bằng lái xe, mất khoảng 15 phút làm xong. Khi tôi lại thì nhân viên kêu đưa CCCD, họ nhập trên mạng là ra các hồ sơ, rồi cung cấp giấy để tôi đi đóng tiền, chụp ảnh. Tôi thấy rất tiện lợi cho người đến làm thủ tục, đỡ tốn thời gian, không phải đi lại nhiều”, anh Vương Minh Tiến (ở xã Hòa Thành, Tp. Cà Mau) đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm GQTTHC tỉnh Cà Mau cho biết.
Trung bình mỗi ngày Trung tâm GQTTHC tỉnh Cà Mau giải quyết khoảng 700 – 800 hồ sơ, khoảng 80% hồ sơ trực tuyến. Trước đây, mỗi hồ sơ giải quyết mất khoảng 20 – 30 phút nhưng hiện nay mỗi hồ sơ chỉ mất trung bình từ 10 – 15 phút. Kết quả trên đến từ việc, Trung tâm đã sử dụng dữ liệu dân cư để giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 15/6/2024 (Chính phủ quy định áp dụng từ ngày 1/7/2024).
Tuy nhiên, việc áp dụng sử dụng dữ liệu dân cư cũng đang tồn tại khó khăn, bởi một bộ phận người dân chưa có định danh mức 2, khi đến làm thủ tục hành chính thì không đủ điều kiện nên phải thực hiện lại thủ tục này mất thời gian. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân lớn tuổi; người không hiểu biết nhiều về công nghệ thông tin cũng gặp khó khăn tiếp cận với các dịch vụ công trực tuyến.
“Giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng là xu thế tất yếu. Ban đầu khi người dân thực hiện có thể phát sinh các thủ tục để cập nhật đủ hoặc làm sạch dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, những lần sau Trung tâm áp dụng sử dụng lại dữ liệu sẽ rất thuận lợi, dễ dàng và tiết kiệm thời gian. Thủ tướng Chính phủ đã nêu “4 không” trong định hướng cung cấp và sử dụng dịch vụ công: “Không giấy tờ; Không tiền mặt; Không tiếp xúc nếu pháp luật không quy định và Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chúng tôi sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được những điều đó”, ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau cho biết thêm.
Tổ công nghệ số “cầm từng điện thoại chỉ từng ứng dụng”
Tại khóm 6 (phường 1, TP.Cà Mau) có 1 “Tuyến dân cư điện tử” trên đường Lý Văn Lâm. Khi nhắc đến tuyến dân cư này, ông Hồ Văn Chiến, Trưởng khóm 6 và cũng là Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng (Tổ CNSCĐ) Khóm 6 nói với vẻ đầy tự hào: “Đây là tuyến dân cư điện tử đầu tiên trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Tổ công nghệ số cộng đồng khóm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cũng từ tuyến dân cư này”.
Trong Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến được phát động năm 2023, Tổ CNSCĐ Khóm 6, gồm 6 thành viên đã tích cực tham gia các buổi tập huấn để hiểu rõ về cách sử dụng các ứng dụng cần thiết trên điện thoại thông minh. Sau đó, ngày ngày họ đi hướng dẫn người dân trên địa bàn cài đặt và sử dụng các ứng dụng: VNeID; Thanh toán tiền điện trực tuyến; Nộp thủ tục hành chính trên môi trường mạng; Cài ứng dụng CaMauG để phản ánh những vấn đề bất cập;… Những hộ dân kinh doanh còn được hướng dẫn nộp thuế trên mạng; hỗ trợ làm hồ sơ cấp mã QR để thanh toán trực tuyến dễ dàng.
Chị Trần Thu Tiền, hộ kinh doanh tạp hóa trên đường Lý Văn Lâm cho biết: “Ban đầu có những khó khăn khi tiếp cận ứng dụng mới nhưng có những cái rất thiết thực. Gia đình tôi buôn bán, muốn đi đâu rất khó khăn nên từ khi biết nộp thủ tục hành chính trên mạng, tôi thấy đỡ tốn công, mất thời gian. Đặc biệt, trong buôn bán thì mã QR rất tiện lợi, giới trẻ thanh toán rất nhiều. Tôi giờ cũng toàn đặt hàng trên mạng, sau đó người ta giao tới nhà cho mình bán chứ không cần đi lấy”.
Toàn bộ 186 hộ dân trên đường Lý Văn Lâm đều được Tổ CNSCĐ khóm 6 tư vấn, hỗ trợ và có thể sử dụng được các ứng dụng cần thiết và Khu dân cư điện tử hình thành.
Tổ CNSCĐ được UBND tỉnh Cà Mau triển khai thí điểm vào tháng 6/2022. Qua 1 năm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, tháng 8/2023, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch triển khai Tổ CNSCĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, đã có 883/883 ấp/khóm của tỉnh Cà Mau có Tổ CNSCĐ, với 4.518 thành viên tham gia. Các Tổ CNSCĐ đã triển khai hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng hữu ích cho hơn 201.000 hộ gia đình, chiếm trên 65% số hộ gia đình toàn tỉnh.
Những khó khăn cần khắc phục
Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Sở TT-TT Cà Mau cho biết, nền tảng của việc thực hiện số hóa cần phải có hạ tầng số. Từ đó, thời gian qua, Sở đã tham mưu phát triển hạ tầng số với mạng lưới viễn thông, cáp quang Internet, mạng 3G/4G đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối 3 cấp hành chính; Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã được vận hành.
Hệ thống thông tin GQTTHC của tỉnh được Bộ TT-TT đánh giá là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị chuyên đề về dịch vụ công trực tuyến cuối tháng 8 vừa qua. Bước đầu, CĐS của Cà Mau đã đạt được một số thành tựu quan trọng, tạo nền móng cho công cuộc chuyển dịch của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân lên không gian số.
Tuy nhiên, trong thực hiện CĐS cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, như: Có cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của CĐS cũng như bảo đảm an toàn thông tin trong CĐS; Các doanh nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh đa phần có quy mô vừa và nhỏ dẫn đến hạn chế đầu tư nguồn lực cho phát triển; Việc người dân tự nộp hồ sơ trực tuyến còn hạn chế, đa số phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn của công chức, viên chức; Tỉnh chưa có quy định về định mức chi ngân sách tối thiểu cho CĐS dẫn đến hàng năm kinh phí đầu tư dành cho chuyển đổi số rất khó khăn; chính sách đối với Tổ CNSCĐ chưa được ban hành; Nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng...
Ông Trung cũng cho biết, cơ quan chức năng đã có những giải pháp để khắc phục những tồn tại nêu trên nhưng có những vấn đề cần thời gian, có vấn đề cần nguồn lực. CĐS là cuộc cách mạng của toàn dân, người dân sẽ thụ hưởng các lợi ích mà CĐS mang lại nên quá trình này rất cần sự đồng lòng tham gia của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi thúc đẩy CĐS, cũng rất cần Chính phủ hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn, cần thiết như việc bảo vệ quyền riêng tư, quản lý dữ liệu cá nhân và bảo đảm tính công bằng trong việc sử dụng công nghệ. Đây là vấn đề cốt lõi, nền tảng làm cơ sở cho việc triển khai CĐS nói chung và tháo gỡ những khó khăn, mâu thuẫn nội tại trong thực hiện CĐS trong chính các cơ quan nhà nước.
Để hưởng ứng Ngày CĐS Quốc gia, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch phát động tháng cao điểm thực hiện CĐS trên địa bàn, gồm 4 hoạt động: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công nghệ số; Bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội; Tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Vinh danh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong CĐS. Vào ngày 5/10 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức chương trình “Cà Mau hưởng ứng ngày CĐS Quốc gia năm 2024”. Phát biểu tại buổi lễ phát động, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng CĐS là xu hướng phát triển tất yếu và kêu gọi tất cả các ngành, các cấp, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động chuyển đổi số; biến những thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ số để phát triển.