Chuyển đổi số - cần nguồn nhân lực xứng tầm

Cùng với đầu tư hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) bao phủ toàn tỉnh thì phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách CNTT từ tỉnh đến cơ sở là yếu tố quan trọng đảm bảo hạ tầng CNTT toàn tỉnh được vận hành hiệu quả. Trước yêu cầu chuyển đổi số, thực trạng nguồn nhân lực CNTT hiện nay đang là bài toán cần lãnh đạo tỉnh đưa ra các chiến lược ngắn hạn và dài hạn nhằm thu hút, đào tạo, làm sao để nhân lực tương xứng với nguồn lực đầu tư.

Để thực hiện việc chuyển đổi số, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã quan tâm đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Trong ảnh: Cán bộ, viên chức TP. Đồng Xoài tìm hiểu thông tin trên dữ liệu dùng chung của thành phố(ảnh chụp trước ngày 27-4-2021) - Ảnh: Minh Luận

Nguồn nhân lực đang thiếu và yếu

Bộ phận một cửa UBND xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng mỗi ngày tiếp nhận vài chục, có ngày lên đến hàng trăm thủ tục hành chính của người dân. Triển khai dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử và bắt tay vào chuyển đổi số đồng nghĩa với việc mọi thủ tục đều phải giải quyết trên môi trường mạng, thế nhưng nhiều năm nay xã không có công chức chuyên trách về CNTT. Chị Lê Thị Toàn, công chức Văn phòng - Thống kê xã Minh Hưng cho biết: “Chúng tôi vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa kiêm luôn công việc của kỹ sư CNTT. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi tự mày mò và hướng dẫn cho nhau để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Các sự cố lớn không thể tự khắc phục thì mới nhờ đến sự hỗ trợ của tuyến trên”.

“Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, hầu hết các nghiệp vụ tác nghiệp hằng ngày được thực hiện trên môi trường internet. Do vậy rất cần đội ngũ chuyên trách vận hành hệ thống chính quyền điện tử và đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin tại địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn chung về nguồn nhân lực CNTT, xã đang phải tự khắc phục bằng cách cử công chức đi học và tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng về CNTT. Chính sự nỗ lực của mỗi cán bộ, công chức ở đây đã giúp hệ thống một cửa điện tử liên thông từ xã đến huyện hoạt động thông suốt thời gian qua” - ông Trần Văn Tuyển, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng thừa nhận.

Thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đến nay, các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bù Đăng đều đã được đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ và kết nối liên thông, thuận lợi trong trao đổi thông tin, khai thác cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thế nhưng, toàn huyện chỉ có 3 công chức chuyên trách về CNTT trình độ đại học, tại 16 xã, thị trấn đều bán chuyên trách và kiêm nhiệm, dẫn đến khó khăn trong việc vận hành hệ thống máy móc, đường truyền cũng như triển khai các nhiệm vụ từ tỉnh đưa xuống.

Ở tuyến xã, công chức kiêm nhiệm về CNTT còn thiếu và yếu, thường xuyên thay đổi. Vì vậy, khi triển khai các chương trình, kế hoạch về chính quyền điện tử, chuyển đổi số gặp rất nhiều khó khăn. Bù Đăng có trên 40% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ cán bộ, công chức rành và giỏi về CNTT rất ít. Muốn đào tạo công dân số, nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn huyện thì rất cần nguồn nhân lực CNTT mạnh từ tuyến xã.

Ông TRẦN VĂN DĨ, phụ trách Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Bù Đăng

Linh động trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực

Khó khăn về nguồn nhân lực CNTT của Bù Đăng cũng là khó khăn chung của nhiều huyện, thị xã khác trong tỉnh trước yêu cầu chuyển đổi số. Tuy nhiên, mỗi địa phương tùy vào đặc thù của mình đang triển khai các hình thức thu hút và đào tạo nguồn nhân lực CNTT phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ khi tỉnh chưa có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT.

Muốn đào tạo công dân số, nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn huyện thì Bù Đăng rất cần nguồn nhân lực công nghệ thông tin mạnh từ tuyến xã

Muốn đào tạo công dân số, nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn huyện thì Bù Đăng rất cần nguồn nhân lực công nghệ thông tin mạnh từ tuyến xã

Trong mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, Bù Đăng xác định đẩy mạnh công tác tin học hóa, cải cách hành chính, thực hiện tốt ứng dụng CNTT tại UBND huyện. Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, mục tiêu hướng đến là chỉ đạo, điều hành thông qua môi trường điện tử, giảm thiểu sử dụng văn bản giấy trong điều hành và xử lý công việc; tăng cường ký số văn bản điện tử, lập hồ sơ điện tử và lưu trữ điện tử, tiến tới làm việc không giấy hội họp không tập trung nhiều, làm việc không gặp mặt và dữ liệu được tiếp cận phải được số hóa hoàn toàn…Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt. “Ngoài tập huấn và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, huyện đã ban hành một số chính sách lồng ghép thu hút, tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành về CNTT. Đồng thời có cơ chế đặc thù đối với đội ngũ công chức chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị” - ông Nguyễn Văn Lưu chia sẻ giải pháp trước mắt của huyện.

Còn tại thị xã Bình Long, thời gian đầu triển khai xây dựng chính quyền điện tử, nguồn nhân lực CNTT còn thiếu và yếu. Đến nay, qua các hình thức thu hút, đào tạo nhân lực tại chỗ và liên kết tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, chuyên sâu về CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp… đội ngũ CNTT cơ bản đáp ứng nhiệm vụ. Thị xã hiện có 4 kỹ sư CNTT trình độ đại học, 1 cao đẳng, 1 trung cấp, 79 người thuộc các phòng, ban chuyên môn có chứng chỉ CNTT.

Để đáp ứng nguồn nhân lực trong chuyển đổi số, hằng năm tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật CNTT và xu hướng phát triển Chính phủ điện tử cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách CNTT các cấp. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức 41 lớp với hơn 1.600 cán bộ, công chức, viên chức tham gia cập nhật kiến thức và kỹ năng sử dụng máy tính. Thống kê toàn tỉnh, tỷ lệ cán bộ, công chức trình độ CNTT từ trung cấp trở lên đạt gần 8%; được đào tạo ngắn hạn về CNTT đạt trên 87%; cán bộ, công chức chuyên trách CNTT được đào tạo nâng cao đạt 56%. Từ thực tế này đặt ra yêu cầu với các cơ quan chức năng của tỉnh cần đưa ra chiến lược ngắn hạn và dài hạn giải bài toán về nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025 và các năm tiếp theo.

Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số có tác động lớn đến mọi mặt của xã hội từ sản xuất, kinh doanh, giao tiếp xã hội, điều hành của chính quyền… Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT của tỉnh hiện nay tương đối mỏng, chỉ khoảng 60 người chuyên về CNTT. Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đang cùng Sở Nội vụ xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao từ các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT trên cả nước về hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho tỉnh.

Ông NGUYỄN MINH QUANG, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Cùng với việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, yêu cầu bức thiết hiện nay là xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT, có chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao về tỉnh để tương xứng với nguồn lực đầu tư. Đây cũng là một trong 23 nhiệm vụ quan trọng mà Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đưa ra để đảm bảo thực hiện thành công các chương trình, mục tiêu về chuyển đổi số trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/127501/chuyen-doi-so-can-nguon-nhan-luc-xung-tam