Chuyển đổi số chắp cánh cho hàng Việt vươn mình ra thế giới
Xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu đang trở thành yếu tố cốt lõi để đảm bảo hoạt động cho nhiều doanh nghiệp.
Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đẩy mạnh việc cách ly xã hội, thị trường xuất nhập khẩu dần bị thu hẹp đã khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phải tích cực ứng dụng công nghệ số, giao dịch bằng hình thức thương mại trực tuyến để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, xu hướng chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu đang trở thành yếu tố cốt lõi để đảm bảo hoạt động cho nhiều DN.
Chậm chuyển đổi số đồng nghĩa thất bại
Là đại diện DN đã từng ứng dụng công nghệ thông tin từ nhiều năm nay trong quá trình điều hành và quản trị DN cũng như sản xuất kinh doanh, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban đối ngoại và Marketing Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin sớm từ 15 năm nay, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của DN luôn được triển khai hết sức thuận lợi.
“Từ 15 năm trước đây, Hapro đã tập trung vào phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử trong việc chào bán hàng hóa và tìm kiếm thông tin. Hiện nay, mỗi ngày Hapro xuất khẩu 13-15 container hàng hóa đến 80 thị trường trên thế giới, ở chiều ngược lại hoạt động nhập khẩu cũng “xuôi chèo mát mái”, bà Hiền chia sẻ.
Nhiều DN khác cũng cho biết, ngày nay trong các giao dịch thương mại quốc tế, thương mại điện tử đã thu hẹp mọi khoảng cách về thời gian và không gian. Khi cả người mua và người bán đều có nhu cầu tìm hiểu sản phẩm và thông tin của nhau, môi trường internet đã đáp ứng rất tốt nhất cho điều này.
Quan điểm đó rất đúng với ông Trần Đình Toản, Phó Tổng Giám đốc OSB bởi từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 hoành hành đã tác động đến mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh tế. “Các DN không có con đường nào khác là phải giao thương trực tuyến. Hoàn cảnh hiện nay nếu DN không nỗ lực chuyển đổi số đồng nghĩa với việc DN đó phải chịu tụt lại phía sau”, ông Toản khuyến cáo.
Tháng 8 tới đây, khi Hiệp định EVFTA chính thức được thực thi sẽ tạo nhiều cơ hội để cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhưng theo ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội DN Việt Nam tại châu Âu, các DN trong nước hiện vẫn đang yếu thế hơn rất nhiều so với các đối thủ, đối tác khác ở châu Âu.
Ông Huê cho rằng, do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và EU quá xa nên người bán và người mua khó gặp mặt, nhiều sản phẩm càng khó có thể tìm đến được đến với người tiêu dùng châu Âu. Bởi vậy, rất cần thiết có sự kết nối giữa các DN Việt với nhau để cùng nắm rõ đâu là điểm mạnh để từng bước chinh phục thị trường châu Âu.
"Cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài sẽ là cầu nối quan trọng cho DN trong nước kết nối với các DN châu Âu. Thời gian qua, để thúc đẩy xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, nhiều DN trong nước đã xây dựng được các trang mạng bán hàng uy tín, sử dụng hiệu quả marketing Internet và thành công nhờ sử dụng thương mại điện tử. Tất nhiên đội ngũ và trình độ nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần tiếp tục phải được nâng cao", ông Toản nhận xét.
Cũng theo ông Huê, ngày nay nếu không ứng dụng điện tử và số hóa, DN sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường châu Âu. Bởi trên thực tế, tại thị trường châu Âu có DN Việt nhận được 40.000 - 50.000 đơn hàng/ngày. Để đóng gói đơn hàng và đưa đến khâu vận chuyển đòi hỏi đội ngũ nhân công không chỉ có sức khỏe mà cần nhanh nhẹn, am hiểu về công nghệ thông tin để thực hiện giao dịch với một khối lượng lớn.
Để không có DN nào bị bỏ lại phía sau
Nói về tầm quan trọng của “số hóa” trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics (VLA) cho rằng, logistics là một khâu quan trọng hỗ trợ cũng như quyết định năng lực xuất khẩu của mỗi DN. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là cần tăng cường số hóa và tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng, cắt giảm chi phí dịch vụ logistics, giảm áp lực cho cộng đồng DN.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ là một cuộc cách mạng vĩ đại. Tiến trình này vừa giúp các quốc gia có được một nền thương mại minh bạch và hiệu quả, vừa giải quyết được vấn đề không DN nào bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới.
"Trước đây, chỉ có các DN lớn mới có điều kiện tiếp thị và tổ chức các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, họ là người thống lĩnh trong nền thương mại toàn cầu. Chỉ từ khi phát minh ra internet, xuất hiện các nền tảng thương mại điện tử, các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa mới có được cơ hội chắp cánh để vươn ra thị trường thế giới và đang trở thành những chủ nhân bình đẳng với các doanh nghiệp lớn trong thương mại toàn cầu", ông Lộc cho biết.
Mặc dù vậy, ông Lộc cũng bày tỏ sự ngạc nhiên bởi đến thời điểm này vẫn còn không ít DN còn rất thờ ơ đối với kỹ thuật số, coi chuyển đổi số chỉ là một phương tiện hay là một chi phí DN phải gánh chịu, mà không coi đó là khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh DN trong kỷ nguyên số./.