Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Làm sao phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp

'Gánh' vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh góp sức khởi tạo nền kinh tế mới, cộng đồng doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa hỗ trợ từ Chính phủ.

Tiên phong và bài toán khó của doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới 2024, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, giai đoạn kể từ năm 2021 đến nay đã chứng kiến nhiều nỗ lực ‘số hóa’, ‘xanh hóa’ cuộc sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa. Trong công cuộc chuyển đổi ‘kép’, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực từng ngày để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may, những năm qua PPJ Group đã định vị được thương hiệu trên thị trường thế giới. Chia sẻ về bí quyết giúp doanh nghiệp đạt thành quả trên, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn PPJ Group, cho hay, PPJ Group hiện là một Tập đoàn toàn cầu cung cấp các giải pháp quản lý, sản xuất và vận hành chuỗi cung ứng dệt may khép kín. PPJ Group hiện sở hữu 7 công ty con, 4 trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; trên 30 nhà máy cùng các chi nhánh trên toàn quốc; 3 nhà máy tại Mexico, 2 nhà máy tại Ai Cập, các công ty và văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ và Hongkong (Trung Quốc).

TS.Trần Thị Hồng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế mới 2024. Ảnh: Hải Linh

TS.Trần Thị Hồng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế mới 2024. Ảnh: Hải Linh

Đối với khía cạnh chuyển đổi số, hệ sinh thái số tương đối hoàn chỉnh của PPJ Group giúp doanh nghiệp tiếp cận và kiểm soát tới từng ngóc ngách của hoạt động sản xuất – kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đã làm chủ được các kỹ thuật - công nghệ dệt may tiên tiến, tăng cường hàm lượng tự động hóa, kết hợp số -xanh trong sản xuất dệt may toàn hệ thống.

Trên hành trình chuyển đổi, PPJ Group vẫn đang nỗ lực đạt tới trình độ chuyển đổi toàn diện hơn xuyên suốt chuỗi cung ứng, đưa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trở thành văn hóa trong quản trị, thành tư duy của đội ngũ”, ông Đặng Vũ Hùng cho hay.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH bày tỏ, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế xã hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường thì chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần phải gắn chặt và tương hỗ lẫn nhau để tạo ra một nền kinh tế bền vững, có lượng phát thải thấp và theo hướng tuần hoàn.

Tại Tập đoàn TH, công nghệ số và mô hình kinh tế tuần hoàn – kinh tế xanh đã được thực hiện ngay từ khi xây dựng doanh nghiệp và là hai tiến trình có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Chính công nghệ số và công nghệ cao ngay từ đầu đã góp phần làm cho kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững ở TH được thực hiện một cách hiệu quả và mạnh mẽ hơn.

Nói về chuyển đổi xanh, ông Ngô Minh Hải cho rằng, mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở Tập đoàn TH được thực hiện ngay từ đầu với các hành động như: Xây dựng hệ thống xử lý chất thải với những công nghệ và thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới; thay nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh khối; thu gom bao bì sau sử dụng…

Diễn giả tham gia Diễn đàn. Ảnh: Hải Linh

Diễn giả tham gia Diễn đàn. Ảnh: Hải Linh

Dù đã đạt được những kết quả đang ghi nhận trong công cuộc chuyển đổi ‘kép’, tuy nhiên cả PPJ Group và Tập đoàn TH đều đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Lãnh đạo PPJ Group đánh giá, chuyển đổi ‘kép’ là thử thách và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế.

Thế giới đang xoay quanh các yếu tố ESG (Environmental, Social and Governance) và coi đây là thước đo mới để đánh giá toàn diện việc thực hành sản xuất – kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Việc theo đuổi các chỉ tiêu này không những yêu cầu sự đầu tư về công nghệ vô cùng mạnh tay, mà còn đòi hỏi các thiết bị đo lường đặc thù đánh giá tác động môi trường (EIM). Thách thức về lộ trình phát triển bền vững này càng gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp “chậm chân” trong chuyển đổi hoặc có tiềm lực tài chính không quá mạnh mẽ.

Chi phí cho chuyển đổi kép không hề nhỏ. “Đối với PPJ Group, chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, PPJ Group đã đầu tư cho hệ thống vận hành số về phần cứng và phần mềm hơn 5 triệu USD; đầu tư công nghệ và chế tạo các thiết bị chuyển đổi xanh hàng chục triệu USD và con số này chắc chắn chưa dừng lại ở đó”, ông Đặng Vũ Hùng chỉ ra.

Cùng đó là khó khăn về bài toán tiêu thụ khi sản xuất xanh đã khó, tiêu thụ được sản phẩm xanh lại càng khó hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Tập đoàn TH còn chỉ ra, thách thức lớn hiện nay là tư duy chuyển đổi số song hành chuyển đổi xanh mới chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức và bước đầu thực hiện.

Đâu là lời giải thích hợp?

Ông Ngô Minh Hải cũng cho rằng, cần có những chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ để khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình ứng dụng công nghệ số và các mô hình xanh, tuần hoàn. Điều này không chỉ bao gồm các chính sách hỗ trợ tài chính mà còn yêu cầu việc thiết lập các tiêu chuẩn về kỹ thuật, quy trình sản xuất cũng như cung cấp nguồn lực cần thiết để doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả hơn trong mô hình này.

Để tìm lời giải cho bài toán chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, tại Diễn đàn, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó TS. Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomn Việt Nam, Lào, Campuchia nhận định, công nghệ là công cụ để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, đầu tiên cần có mục tiêu rõ ràng; thúc đẩy văn hóa sáng tạo; cần xây dựng hạ tầng số, bao gồm cả hạ tầng quốc gia và hạ tầng của doanh nghiệp.

Các diễn giả, chuyên gia bàn về chuyển đổi 'kép' cho doanh nghiệp. Ảnh: Hải Linh

Các diễn giả, chuyên gia bàn về chuyển đổi 'kép' cho doanh nghiệp. Ảnh: Hải Linh

“Trong quá trình này doanh nghiệp cần lưu ý về những mặt trái của công nghệ và có biện pháp bảo toàn thông tin doanh nghiệp; bảo vệ quyền riêng tư của nhân viên…”, TS. Thiều Phương Nam khuyến cáo.

Từ kinh nghiệm hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân- Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm, năng lực hấp thụ từ chính sách đến triển khai của địa phương còn hạn chế. Nguyên do xuất phát từ điểm yếu về nguồn lực, con người thậm chí cả thể chế.

Để thúc đẩy chuyển đổi ‘kép’ hay hướng đến nền kinh tế tuần hoàn cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và địa phương. Theo đó, Nhà nước xây dựng chính sách và địa phương chủ động thực hiện. Hai đối tượng bắt tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực.

Cho rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần thực hiện cùng nhau bởi có sự bù trừ cho nhau rất tốt, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nhận định, doanh nghiệp đang trông chờ 3 thứ từ Nhà nước. Trong đó, ban hành danh mục phân loại xanh để từ đó mới có cơ chế cho tài chính xanh, tín dụng xanh. Tiếp đến đề án kinh tế tuần hoàn chưa có chương trình hoặc kế hoạch cụ thể để tiến hành, điều này đã làm doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cuối cùng là khơi thông nguồn lực về thể chế để hạn chế sự lãng phí và có nguồn lực đủ mạnh cho chuyển đổi.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, đó là những giải pháp ngắn hạn, trong dài hạn cần hình thành Ủy ban năng suất quốc gia; có Luật khoa học công nghệ, Luật công nghiệp công nghệ số; hình thành quỹ chuyển đổi xanh và cần chế tài mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-lam-sao-phat-huy-vai-tro-tien-phong-cua-doanh-nghiep-352909.html