Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hành trình Việt Nam hướng tới Netzero 2050

Trước hàng loạt khó khăn, thách thức còn tồn đọng, các chuyên gia trong nước và quốc tế hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu… đã hiến kế giúp cho Việt Nam sớm tháo dỡ được những rào cản trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chuyển đổi kép (Dual transformation "Digital and Green") là khái niệm mô tả quá trình kết hợp hai xu hướng lớn: chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững (17 SDGs) cho doanh nghiệp, quốc gia và xã hội toàn cầu. Trong bối cảnh công nghệ và môi trường là hai yếu tố có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sự kết hợp này được coi là chiến lược tất yếu để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường hiện đại, đồng thời đảm bảo tính bền vững về lâu dài.

Trên hành trình hướng tới hội nhập và phát triển bền vững, chuyển đổi xanh đã trở thành xu hướng của thời đại mang tầm vóc toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới cùng quyết tâm và đồng lòng hướng tới mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 thì chuyển đổi xanh đã trở thành một mệnh lệnh cấp thiết đối với môi trường và xã hội. Trên trường quốc tế, Việt Nam nắm giữ nhiều yếu tố then chốt để thành công trong chuyển đổi xanh và trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu ở Đông Nam Á.

Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, hiện nay tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là nhanh nhất Đông Nam Á. Song song với đó, tốc độ phát triển cũng không kém cạnh của nền kinh tế xanh. Theo số liệu của Bộ TT&TT, trong năm 2023, kinh tế số đóng góp 16,5% GDP với tốc độ tăng trưởng 20%. Dự báo đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP. Theo đà này, tốc độ tăng trưởng của kinh tế số và kinh tế xanh cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP gấp 2 - 4 lần. Dấu hiệu đáng mừng hơn là trong vài năm trở lại đây, Việt Nam liên tiếp tăng bậc trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Chính tốc độ tăng trưởng nhanh của 2 nền kinh tế mũi nhọn này đã thúc đẩy nhu cầu về các giải pháp thân thiện hơn với môi trường.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng đó, nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào là một trong những lợi thế lớn của Việt Nam. Chúng ta sở hữu nhiều nguồn tài nguyên năng lượng thiên nhiên như ánh sáng mặt trời, gió, nước. Ông LIM Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, đây là một trong những cơ hội để Việt Nam phát triển ngành năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thủy điện. Rõ ràng đây là một lợi thế lớn giúp Việt Nam thu hút các khoản đầu tư xanh từ các quốc gia nước ngoài vào ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

 Việt Nam sở hữu nhiều nguồn tài nguyên năng lượng thiên nhiên như ánh sáng mặt trời, gió, nước.

Việt Nam sở hữu nhiều nguồn tài nguyên năng lượng thiên nhiên như ánh sáng mặt trời, gió, nước.

Về nguồn nhân lực, với tỷ lệ dân số vàng bình quân tăng 1 triệu dân mỗi năm, Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng. Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến cuối năm 2023, số lượng người lao động ở Việt Nam đạt 52,4 triệu người chiếm khoảng 60% dân số. Bên cạnh quy mô nhân lực lớn và tăng nhanh hằng năm, nguồn nhân lực ở nước ta có tỷ lệ người lao động trẻ chiếm tới 35%. Ông LIM Dyi Chang cũng cho rằng, nhóm lao động trẻ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và triển khai các giải pháp bền vững.

Là một quốc gia đi sau trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam có lợi thế là chắt lọc được những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Đồng thời, tận dụng được những thành tựu của quốc tế như Trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)…

Sau khi đã có sẵn những mô hình thành công, Việt Nam có thể dễ dàng đi đúng hướng trong hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Với một nền kinh tế sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như hiện nay, thì việc việc chuyển đổi xanh chính là cơ hội lịch sử và thách thức sống còn của nhân loại. PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, rõ ràng so với các quốc gia phát triển khác trên thế giới, Việt Nam có xuất phát điểm thấp yếu và tụt hậu hơn nhiều. Vì thế, việc chuyển đổi từ “khát vọng nâu” sang “khát vọng xanh” đòi hỏi Việt Nam phải có những cách tiếp cận mới để tránh nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua chuyển đổi xanh toàn cầu.

PGS.TS Trần Đình Thiên đã chỉ ra, thách thức thời đại hiện nay đối với Việt Nam chính là việc phải tích hợp 3 quá trình: chuyển đổi thị trường, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chưa kể, quy trình chuyển đổi kinh tế thị trường vẫn còn chưa hoàn thành, nền kinh tế vẫn còn nhiều nguy cơ và thách thức. Vì thế, đây được coi là một yêu cầu khó khăn với điều kiện thực thi khắt khe và tính bất khả thi cao.

Ngoài ra, khung pháp lý đổi với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện. Theo đó, để xây dựng và phát triển một nền kinh tế tuần hoàn, các quy định giữa Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng… phải thống nhất, đồng bộ và hài hòa với nhau. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định mới không đồng bộ với quy định cũ, chưa theo kịp với hơi thở của thời đại. Thậm chí, đến nay vẫn chưa có tiêu chí nhận dạng cũng như quy định, hướng dẫn cho kỹ thuật mô hình kinh tế tuần hoàn.

 Việc chuyển đổi từ “khát vọng nâu” sang “khát vọng xanh” đòi hỏi Việt Nam phải có những cách tiếp cận mới để tránh nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua chuyển đổi xanh toàn cầu.

Việc chuyển đổi từ “khát vọng nâu” sang “khát vọng xanh” đòi hỏi Việt Nam phải có những cách tiếp cận mới để tránh nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua chuyển đổi xanh toàn cầu.

Bên cạnh đó, như đã biết, công nghệ xanh luôn đòi hỏi những kỹ thuật cao với khoản đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, vốn đầu tư luôn là trở ngại lớn đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là với giai đoạn chuyển đổi đòi hỏi nhiều vốn đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và đào tạo như hiện nay. Theo GS.TS Philippines - Rizalinda L. de Leon, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Cao đẳng Kỹ thuật, Đại học Philippines Diliman (University of the Philippines Diliman - UDP), ngay cả nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang loay hoay mãi trong “mớ bòng bong” này.

Không thể phủ nhận thực tế rằng tốc độ nhập cuộc của Việt Nam luôn chậm hơn so với thế giới. Với nhiều nỗi băn khoăn và lo sợ, Việt Nam vẫn đang tiến bước trên con đường chuyển đổi kép. Phương thức vẫn còn nặng theo mô tuýp cũ dẫn tới quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trên thực tế khác so với lý thuyết.

Việt Nam đang nỗ lực phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Để bắt nhịp kịp thời trên đường đua chuyển đổi xanh, các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực kinh tế, môi trường, công nghệ và biến đổi khí hậu đã nêu ra những mục tiêu cấp thiết cho Việt Nam.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Giáo sư người Ấn Độ - Sadhan Kumar Ghosh, Giám đốc điều hành chung của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững và Kinh tế Tuần hoàn, Hiệp hội Quốc tề về Quản lý Chất thải, Không khí và Nước (ISWMAW) khẳng định, việc trước tiên để xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững, đó chính là giáo dục nhận thức cho người dân. Giáo sư Sadhan Kumar Ghosh đã gợi ý một hệ thống module đào tạo nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các trường học bao gồm: Tình trạng khai thác tự nhiên, biến đổi khí hậu và thay đổi mô hình tiêu dùng; phân loại rác thải từ rác thải sản xuất, rác thải điện tử, rác thải nhựa tới các loại rác thải thực phẩm; hậu quả của rác thải đối với môi trường, con người, biển và động vật; thay đổi tư duy từ thói quen vứt rác sang văn hóa thùng rác… Vị Giáo sư này cho rằng, chỉ khi mỗi cá nhân nhận thức sâu sắc về tác hại của khí nhà kính, của biến đổi khí hậu… thì ý thức bảo vệ môi trường sẽ ngày càng tự giác và nâng cao.

Bên cạnh những vấn đề vĩ mô, GS.TS Rizalinda L. de Leon (Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Kỹ thuật, Đại học Philippines Diliman) trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường rằng, việc thay đổi hành vi, thói quen từ cá nhân - mỗi hạt giống của xã hội. Đơn giản chỉ là việc thay đổi chế độ ăn uống như giảm tiêu thụ thịt, ăn chế độ thuần thực vật để giảm lượng khí thải metan từ chăn nuôi; hay như tiết kiệm điện khi không cần thiết, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện để giảm lượng khí thải carbon từ ngành năng lượng. Đặc biệt, thói quen tái chế và tiêu dùng bền vững cũng góp phần làm giảm lượng khí thải carbon toàn cầu.

Nền kinh tế xanh sẽ không thể phát triển nếu thiếu đi một khung pháp luật rõ ràng, chặt chẽ và hoàn thiện. Khung pháp lý không chỉ giúp xây dựng nền kinh tế vững mạnh, mà còn thu hút dòng vốn đầu tư xanh cho Việt Nam. Ông LIM Dyi Chang, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng khung pháp lý đồng bộ và hài hòa. Trong đó, các quy định cụ thể về môi trường, năng lượng tái tạo, tiêu dùng và sản xuất bền vững đều phải được đề cập tới.

Cũng theo ông LIM Dyi Chang, để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh, phát triển xanh, Việt Nam cần tăng cường vốn đầu tư xanh cả trong nước và quốc tế. Các kênh huy động vốn có thể là trái phiếu xanh, quỹ khí hậu hay ngân hàng phát triển.

Dưới góc nhìn vĩ mô, Tiến sỹ Kinh tế Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII cho rằng, không thể phủ nhận thực tế rằng tốc độ nhập cuộc của Việt Nam luôn chậm hơn so với thế giới. Với nhiều nỗi băn khoăn và lo sợ, Việt Nam vẫn đang tiến bước trên con đường chuyển đổi kép. Phương thức vẫn còn nặng theo mô tuýp cũ dẫn tới quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trên thực tế khác so với lý thuyết. Ông Tâm khẳng định, là một quốc gia đi sau trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam có lợi thế là chắt lọc được những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước. Đồng thời, tận dụng được những thành tựu của quốc tế như Trí tuệ nhân tạo (AI); Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)…

“Chuyển đổi kép đã là bước đi tất yếu, bước đường phải đi của các nước trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Vì vậy, chúng ta không thể bàn làm hay không mà phải bàn làm như thế nào, làm ra sao cho hiệu quả nhất”, Tiến sỹ Kinh tế Trần Khắc Tâm bày tỏ.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam lần thứ 2 – Vietnam New Economy Forum 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, việc song hành giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hết sức cần thiết bởi vì đây là 2 quá trình có sự bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau vô cùng chặt chẽ. Muốn chuyển đổi xanh tốt thì phải đưa công nghệ vào.

 Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hết sức cần thiết bởi vì đây là 2 quá trình có sự bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau vô cùng chặt chẽ. Muốn chuyển đổi xanh tốt thì phải đưa công nghệ vào.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hết sức cần thiết bởi vì đây là 2 quá trình có sự bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau vô cùng chặt chẽ. Muốn chuyển đổi xanh tốt thì phải đưa công nghệ vào.

Muốn chuyển đổi số tốt cũng phải xanh hóa, tiết kiệm nguồn năng lượng. “Hiện đại nhưng hại điện”, ông nói và lấy ví dụ, mạng 5G đi vào hoạt động, năng lượng tiêu thụ sẽ tốn gấp ba lần cả mạng 2G, 3G, 4G cộng lại. Điều này cho thấy bài toán tiết kiệm năng lượng là vô cùng quan trọng khi công nghệ phát triển. Chuyên gia này cũng nêu bật, nhờ chuyển đổi kép, doanh nghiệp lại có nhiều cơ hội hơn, nâng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững, tăng cường “sức đề kháng” và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính, cải thiện sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, xuất khẩu. Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng đề xuất sớm ban hành danh mục và phân loại xanh, từ đó mới có tài chính xanh, tín dụng xanh và nhiều yếu tố xanh khác.

Ở góc độ nhà quản lý, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, quá trình chuyển đổi kép tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm việc xây dựng các chính sách phục vụ quá trình chuyển đổi. Theo bà Minh, hiện nay trên thực tế cộng đồng doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa được hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Để giải tỏa áp lực trong chuyển đổi kép, Tiến sỹ Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia đề xuất, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu rõ ràng, thúc đẩy văn hóa sáng tạo ngay từ bên trong, đồng thời cũng phải sẵn sàng hạ tầng số, phát triển các nền tảng cho riêng mình như AI và xây dựng nguồn nhân lực riêng. Về mặt chính sách, Tiến sỹ Phương Nam đè xuất cần có thêm các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các start-up và doanh nghiệp phát triển các công nghệ tiên tiến.

Mặc dù xu hướng chuyển đổi kép tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức cần được giải quyết. Đối với chuyển đổi số, một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ cao và khả năng thích ứng nhanh với các thay đổi công nghệ. Hơn nữa, việc triển khai các giải pháp số hóa đòi hỏi sự đầu tư lớn về hạ tầng và tài chính, điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong khi đó, chuyển đổi xanh đòi hỏi sự thay đổi về tư duy và văn hóa kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp còn e ngại về chi phí đầu tư ban đầu cho các giải pháp xanh và chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích dài hạn của việc phát triển bền vững. Hơn nữa, cần có sự đồng bộ trong chính sách và các khung pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi này.

Có thể nói, xu hướng chuyển đổi kép tại Việt Nam mang lại nhiều cơ hội lớn. Các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và tận dụng được xu thế này sẽ có cơ hội gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và nền kinh tế quốc gia.

INFORGRAPHIC: NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ, CHUYỂN ĐỔI XANH TẠI VIỆT NAM (Bài cuối)

Nhóm PV thực hiện:
Văn Chương,Thiệu Anh,Phạm Giang,Duy Khánh,Mai Chi
Đồ họa: Hải An

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-va-hanh-trinh-viet-nam-huong-toi-netzero-2050-94492.html