Chuyển đổi số, 'cú hích' cho ngành Nông nghiệp Đắk Lắk

Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên thực hiện. Tại Đắk Lắk, chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là 'cú hích' quan trọng góp phần nâng cao năng xuất chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Trải qua 15 năm gắn bó cùng Hợp tác xã ( HTX) Nông nghiệp bền vững Helena - Chư Kbô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, ông Huỳnh Đoàn, một trong những thành viên của HTX cảm nhận rõ hiệu quả của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Ông Huỳnh Đoàn cho biết, những năm đầu mới thành lập (giai đoạn năm 2009 -2014), HTX canh tác theo phương thức truyền thống, năng xuất, chất lượng cà phê không cao, chỉ bán đại trà, giá thành thấp, thu nhập của bà con vì vậy cũng hạn chế. Nhưng từ khi HTX đổi mới, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất đã đem hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2- 2,5 lần cho các hộ thành viên và liên kết.

“Quá trình thực hiện chuyển đổi nông nghiệp bền vững, áp dụng công nghệ khoa học rất cần thiết với nông dân. Thực tế vừa giảm chi phí cho người nông dân vừa tăng năng suất. Đây là 1 vấn đề mà chúng tôi đang quan tâm. Bởi vì chúng tôi làm cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản để đem ra thị trường”, ông Huỳnh Đoàn cho biết.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà chua Nova của 1 doanh nghiệp ở Đắk Lắk

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà chua Nova của 1 doanh nghiệp ở Đắk Lắk

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và sự đòi hỏi khắt khe từ thị trường, hiện nay, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX ở Đắk Lắk đã chủ động số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… Bởi chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh mà còn là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

“Về quản lý tài chính, chúng tôi đã 100% áp dụng phần mềm quản lý số liệu. Từ đó, chúng tôi quản lý được tốt hơn, góp phần giảm được những thủ tục cho khách hàng, làm hài lòng khách hàng. Đối với vùng nguyên liệu, chúng tôi có những app quản lý được các hoạt động về chăm sóc để người dân hưởng lợi từ app này trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số là 1 công việc nếu chúng ta không làm thì sẽ giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9, tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Mô hình ứng dụng Bộ thiết bị bón phân thông minh enfarm trên cây cà phê

Mô hình ứng dụng Bộ thiết bị bón phân thông minh enfarm trên cây cà phê

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng. Chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh. Thời gian qua, Sở đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhiều nông dân đã tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và giám sát quy trình sản xuất. Đối với hoạt động kinh doanh, nhiều sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các nền tảng xã hội quảng bá, giới thiệu, bán trực tuyến.

“Hàng năm đều xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể để từng bước triển khai từ khâu quản lý, quản trị đến ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản hay thủy lợi… Chúng tôi cũng đã kiến nghị tỉnh cho chủ trương xây dựng 1 đề án hệ thống hóa lại những nội dung cần thiết phải làm và cần kết nối trong chuyển đối số trong nông nghiệp để có thể ứng dụng phù hợp trong thực tiễn sản xuất cũng như thực tiễn quản lý”, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết thêm.

Dù Đắk Lắk đã đạt được những kết quả tích cực trong chuyển đổi số đối với ngành nông nghiệp, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm khi thuận lợi và thách thức đan xen. Thuận lợi là sự tiện dụng, hữu ích của các ứng dụng công nghệ số trong các loại hình canh tác, đặc biệt là canh tác trên diện rộng như cà phê, tiêu, cây ăn trái…, sự thích ứng với các cam kết quốc tế về vấn đề truy xuất nguồn gốc, tín chỉ carbon (phải có những thiết bị để đo lường, đánh giá).

Gắn mã số quản lý trên cây sầu riêng ở Đắk Lắk

Gắn mã số quản lý trên cây sầu riêng ở Đắk Lắk

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của Đắk Lắk là sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ này: “Đầu tiên là phải hiểu đúng cùng nhau, giống nhau và làm như nhau thì đó là trách nhiệm của cả doanh nghiệp, của cả các nhà khoa học và của các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ hai là bà con nông dân phải có không gian cho người ta cùng chia sẻ, kể cả vướng mắc trong thực tiễn đó là thông qua mô hình hợp tác xã, thông qua hội nhóm thì chúng ta có thể chia sẻ. Có thể thông qua chia sẻ đấy sẽ có nhiều phát kiến từ cơ sở, cả khó khăn và vướng mắc để hoàn thiện các sản phẩm chuyển đổi số trong nông nghiệp”.

Xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu khách quan, cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cả hệ thống chính trị, của các ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, đặc biệt là người nông dân. Đây cũng là “cú hích” góp phần để Đắk Lắk thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-cu-hich-cho-nganh-nong-nghiep-dak-lak-post1096001.vov