Xuất khẩu cá tra khởi sắc, cơ hội tăng tốc cuối năm

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kì năm 2023. Trong đó, xuất khẩu cá tra tháng 4/2024 đạt 168 triệu USD, tăng 13% so với tháng 4/2023 và tháng 5/2024 đạt 146 triệu USD, tăng 8% so với tháng 5/2024…

Xuất khẩu cá tra đã tăng trưởng dương

Xuất khẩu cá tra đã tăng trưởng dương

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất trong 5 tháng đầu năm vẫn là Hoa Kỳ, sau đó đến Trung Quốc, tiếp theo là châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, riêng phile cá tra đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu sang thị trường này. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu phile cá tra đông lạnh sang Hoa Kỳ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ.

HOA KỲ VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHÍNH

Trong các sản phẩm cá tra Việt Nam, Hoa Kỳ hiện đang tăng cường nhập khẩu cá tra chế biến sâu từ Việt Nam. Tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 295 nghìn USD cá tra chế biến sâu sang Hoa Kỳ, tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ; tháng 2/2024, giá trị này đạt hơn 114 nghìn USD, tăng gấp 2.200 lần, tháng 3/2024 tăng 76% với 150 nghìn USD.

Đáng chú ý, tháng 4/2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra chế biến sang Hoa Kỳ đạt hơn 300 nghìn USD so với chỉ 5 USD giá trị xuất khẩu các sản phẩm này trong tháng 4/2023 (tăng gấp 67 nghìn lần).

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ lại giảm sút do nhu cầu của người tiêu dùng giảm. Nhập khẩu cá tra đông lạnh trong tháng 4/2024 của Hoa Kỳ từ Việt Nam chứng kiến tăng trưởng âm 72% với giá trị đạt 165 nghìn USD. Tổng xuất khẩu cá tra đông lạnh Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 4 tháng đầu năm nay đạt gần 1 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông VASEP cho hay người tiêu dùng tại Hoa Kỳ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Vừa qua, đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và giới thiệu các sản phẩm cá tra Việt nam tại Triển lãm Thủy sản Bắc Mỹ. Với lợi thế của loài cá thịt trắng thơm ngon, phù hợp chế biến đa dạng món ăn từ fillet đóng gói, sản phẩm đông lạnh đến sản phẩm chế biến sẵn như fish sticks hay fish burgers, đã hấp dẫn được các nhà nhập khẩu đến từ thị trường này.

Thêm vào đó, việc các nguồn cung cá thịt trắng cho Hoa Kỳ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này.

Thông tin Hoa Kỳ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đã mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có ngành thủy sản. Dự kiến vào tháng 7/2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra trong thời gian tới.

TÍN HIỆU TÍCH CỰC TỪ THỊ TRƯỜNG CHÂU ÂU

Với thị trường châu Âu, VASEP cho hay mặc dù thị trường này sôi động trở lại từ tháng 4/2024 cho đến nay, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu trong 5 tháng đầu năm 2024 ước chỉ đạt 70 triệu USD, vẫn sụt giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo bà Lê Hằng, Đức vượt Hà Lan trở thành điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong khối châu Âu. Ngoài ra, tháng 5/2024, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng ghi nhận, nhiều thị trường trong khối châu Âu tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Lithuania tăng 215%, Tây Ban Nha tăng 69%, Bỉ tăng 62%, Hy Lạp tăng 46%, Bồ Đào Nha tăng 15%…

Châu Âu được các doanh nghiệp cá tra đánh giá thị trường cần tập trung nhiều hơn vì nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng. Bên cạnh tập trung các mặt hàng giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn xanh vào thị trường này, các hoạt động truyền thông, tiếp thị cho mặt hàng cá tra tại thị trường này cần tiếp tục được đẩy mạnh.

“Phục hồi và tăng trưởng kinh tế châu Âu trong năm 2024 sẽ là không dễ dàng trước những diễn biến ngày càng căng thẳng của cuộc xung đột Nga - Ukraine, cùng với xung đột ở Trung Đông, với những tác động đầy bất ổn và rủi ro cho triển vọng kinh tế của khối Liên minh này”, bà Lê Hằng nhận định.

Do đó bà Lê Hằng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường châu Âu. Đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của khối thị trường này về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng là các yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào châu Âu...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2024, phát hành ngày 03/06/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-ca-tra-khoi-sac-co-hoi-tang-toc-cuoi-nam.htm