Chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn
Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia.
Ngày 9/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn Meta, tổ chức diễn đàn “Đồng hành cùng Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số”. Sự kiện thu hút mối quan tâm của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội ngành nghề và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Diễn đàn là cơ hội để các bộ, ban ngành, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tìm hiểu về những thách thức mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt, trao đổi, thảo luận và chia sẻ về thực trạng, các chính sách, chương trình, xu hướng, cơ hội và các công cụ, giải pháp, về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Khai mạc diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, nhờ có sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, thế giới đã và đang trải qua một sự chuyển đổi lớn sâu rộng và toàn diện trong đời sống kinh tế - xã hội, đó là chuyển đổi số. Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển có cơ hội để tăng trưởng nhanh hơn, vươn lên, thay đổi thứ hạng phát triển của quốc gia.
Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm và chú trọng việc thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới, sáng tạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW cũng đã được Chính phủ ban hành ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Các bộ, ngành, địa phương cũng đã và đang xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động của mình với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với chính sách đúng đắn của Nhà nước, hiện nay, Việt Nam đã có ngành viễn thông và công nghệ thông tin tương đối phát triển làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển, các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp.
Với thị trường nội địa gần 100 triệu người, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao với 70% dân số sử dụng Internet (xếp thứ 13/20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới) và có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN.
Kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.
Tuy nhiên, việc nền kinh tế Việt Nam có thể tận dụng và nắm bắt cơ hội từ quá trình số hóa và chuyển đổi số nhanh chóng đang diễn ra phụ thuộc vào việc thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nhân lực số. Đây cũng là nhiệm vụ đầy thách thức cho cả Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Về chuyển đổi số doanh nghiệp: Hiện nay, cả nước có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Hoạt động chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán – tài chình, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.
Thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các bộ ngành, cơ quan quản lý và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển Doanh nghiệp cho hay, trong những năm vừa qua, VCCI đã phối hợp với nhiều tổ chức triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng ứng dụng và cơ hội trải nghiệm công cụ số để phát triển kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động cho hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp của Việt Nam và đã thực sự đóng góp tích cực vào việc thay đổi nhận thức, tư duy và khả năng ứng dụng các công cụ số một cách hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp.
Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi số vượt qua những khó khăn thách thức và tận dụng cơ hội do chuyển đổi số đem lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp với và Tập đoàn Meta cùng tìm hiểu về những thách thức mà doanh nghiệp nhro và vừa đang đối mặt, trao đổi, thảo luận và chia sẻ về thực trạng, các chính sách, chương trình, xu hướng, cơ hội và các công cụ, giải pháp, về chuyển đổi số cho
doanh nghiệp nhỏ và vừa./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chuyen-doi-so-dap-ung-yeu-cau-cap-thiet-cua-thuc-tien/268079.html