Chuyển đổi số để đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí

Nguồn thu là một trong những bài toán mà các cơ quan báo chí muốn tìm lời giải. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, đáp ứng đa dạng nhu cầu thông tin của bạn đọc để tạo doanh thu là xu hướng tất yếu.

Đầu năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát nguồn thu của báo chí dựa trên 10 mô hình. Trong đó, các nguồn thu của cơ quan báo chí vẫn tập trung vào mô hình truyền thống như: quảng cáo trên báo in; ngân sách nhà nước/cơ quan chủ quản; phát hành báo in; hợp đồng truyền thông. Đáng chú ý, nguồn thu phí từ đọc báo điện tử chiếm tỷ lệ rất thấp.

Hiện nay, chỉ có một vài cơ quan báo tiên phong áp dụng các công nghệ để thu phí từ bạn đọc như: VietnamPlus, Vietnamnet với phiên bản Premium, Báo Tuổi Trẻ với phiên bản Tuổi Trẻ Sao… Với nguồn thông tin chọn lọc, chất lượng, phục vụ theo yêu cầu, các phiên bản này đang hướng tới việc tạo nguồn thu bền vững bằng cách tìm về với độc giả báo đích thực.

Ngày 18-9 vừa qua, Báo Nhân Dân cũng tạo thêm nguồn thu bằng cách khai trương không gian trưng bày, trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm tại ki ốt số 71 phố Hàng Trống (Hà Nội). Không chỉ được đọc báo hàng ngày, các ấn phẩm đặc biệt và tư liệu quan trọng của Báo Nhân Dân, bạn đọc còn có thể trực tiếp trải nghiệm các ấn phẩm số của báo được trưng bày trong không gian này, đặc biệt là ấn phẩm Vật lý số-Món quà “Khơi gợi ký ức-Kết nối cảm xúc”. Đây là cách tạo nguồn thu mới khi giúp bạn đọc tìm ra tờ báo Nhân Dân phát hành vào mốc thời gian có ý nghĩa với bản thân (ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm…). Độc giả có thể mua để làm lưu niệm hoặc gửi tặng người thân kèm lời nhắn gửi tình cảm.

Một tờ báo dù cũ nhưng phát hành vào ngày đặc biệt cùng với những sự kiện trong nước, quốc tế đáng chú ý cũng sẽ đem lại cảm xúc riêng cho mỗi người. Không chỉ là một trạm đọc, độc giả đến đây cũng có thể cùng nhau thưởng thức cà phê Nhân Dân, thưởng thức trà bánh, ngắm phố phường… Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của việc tìm hiểu, phân tích, đánh giá hành vi độc giả nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu để tạo nguồn thu. Làm được điều đó, rất cần sự hỗ trợ của các công cụ phần mềm, thuật toán vào các khâu sản xuất báo chí.

Báo Gia Lai tích cực sản xuất các sản phẩm báo chí đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Ảnh: P.L

Báo Gia Lai tích cực sản xuất các sản phẩm báo chí đa phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Ảnh: P.L

Dù vậy, những mô hình nêu trên chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn 800 cơ quan báo chí trên cả nước. Trong khi đó, truyền thông chính sách theo đặt hàng; tổ chức hội thảo, sự kiện; cho thuê bất động sản; lãi gửi tiết kiệm ngân hàng; thu phí đọc báo điện tử… chính là các mô hình kinh doanh mới, được sinh ra từ quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất báo chí.

Hiện nay, hầu hết các báo, trong đó có Báo Gia Lai đều đang nỗ lực khai thác nguồn quảng cáo trên báo điện tử và các nền tảng truyền thông xã hội bằng nhiều cách. Song chúng vẫn còn rất hạn chế trong khi các nguồn thu từ mô hình truyền thống đang sụt giảm đáng kể.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Rất nhiều mô hình kinh doanh của nước ngoài và nhiều nghiên cứu cho rằng mỗi cơ quan báo chí phải áp dụng tối thiểu 3-4 mô hình kinh doanh thì mới bảo đảm thành công. Nếu chỉ loay hoay với một mô hình quảng cáo đang ngày một suy giảm thì chắc chắn cơ quan báo chí sẽ gặp khó khăn”.

Vì thế, các cơ quan báo chí phải tích cực hơn nữa công cuộc chuyển đổi số, bắt nhịp công nghệ mạnh mẽ hơn để đổi mới hình thức làm gia tăng thu nhập.

Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó lần lượt 30%, 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20% vào năm 2025 và 2030. Và phát triển các sản phẩm báo chí số là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Cụ thể: thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả; ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung.

Hòa chung dòng chảy của chuyển đổi số báo chí, Báo Gia Lai đang tích cực đẩy mạnh việc đa dạng hóa các sản phẩm báo chí số trên nhiều nền tảng nhằm tiếp cận và đem đến nhiều trải nghiệm tốt hơn cho bạn đọc.

Theo đó, Báo xác định từng bước xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong toàn cơ quan theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ, phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nội dung trên không gian mạng. Mục tiêu là đưa tối thiểu 80% nội dung báo Gia Lai lên các nền tảng số vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.

Ứng dụng, khai thác công nghệ số, dữ liệu số và các thiết bị thông minh, tập trung vào các khâu: nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị, thu thập, phân phối và xử lý thông tin nhằm gia tăng hiệu quả trong quản lý, điều hành và sản xuất sản phẩm báo chí-truyền thông, đảm bảo chất lượng cao… Từ đó sẽ mở ra những vùng đất mới để thúc đẩy báo đổi mới sáng tạo, có nhiều ý tưởng mới nhằm đa dạng hóa nguồn thu.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-doi-so-de-da-dang-hoa-nguon-thu-cho-bao-chi-post282082.html