Chuyển đổi số để nắm cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng
Ông Ngô Hải, Phó Giám đốc điều hành Advantech Vietnam Technology nhấn mạnh, hiện nay, thế giới đang tiến tới cánh cổng 5.0, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi để nắm bắt cơ hội và không bị bỏ lại phía sau.
Doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội
Theo dữ liệu của Research Market, dự kiến thị trường nhà máy thông minh sẽ tạo ra khoảng 208,3 tỷ USD vào năm 2023, với mức tăng trưởng mỗi năm khoảng 10,3%. Trong đó, ASEAN và Ấn Độ sẽ là hai thị trường có mức tăng trưởng rất cao trong khu vực, với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm tương ứng là 12,8% và 14,3%.
Hiện nay, các quốc gia phát triển đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư dần sang khu vực ASEAN và Ấn Độ. Cùng với đó các nhà nhập khẩu cũng đang chuyển dần sang hình thành chuỗi cung ứng China+1 để tránh phụ thuộc vào nguồn cung của một thị trường.
Do đó, phát biểu Tại Hội thảo Sản xuất thông minh theo xu hướng “tự động hóa - tối ưu hóa - công nghệ thông tin” trên nền tảng số ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, chiều 11/1, ông Ngô Hải cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần phải nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp tự động hóa ngay từ bây giờ để nắm bắt cơ hội trong quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng này.
Việc ứng dụng công nghệ có thể giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, độ chính xác của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu và cá nhân hóa sản phẩm. Đồng thời, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, dễ dàng ứng phó với các biến động, khó khăn từ thị trường.
Ngoài ra, việc ứng dụng AI vào kiểm soát nhà máy có thể hạn chế những tai nạn, sự cố trong quá trình sản xuất. AI cũng có thể hỗ trợ con người nâng cao khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới, và tối ưu hóa trong quá trình vận chuyển, logistics.
Các công nghệ số còn có thể giúp con người quản lý chuỗi cung ứng, điều chỉnh các nguyên liệu, linh kiện, ưu tiên nguồn lực cho những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, giúp tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, theo ông Ngô Hải, quá trình này sẽ thay đổi vai trò của con người trong quá trình sản xuất, thay vì trực tiếp làm, người lao động hiện nay sẽ đóng vai trò là người vận hành, điều khiển chuỗi máy móc trong nhà máy.
Nhận thức về chuyển đổi số là chưa đủ
Đi sâu hơn vào vai trò của con người, trao đổi với Mekong ASEAN, PGS. TS. Nguyễn Trường Lạng, Giảng viên cao cấp của Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, con người đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số.
Bởi chính con người, người chủ doanh nghiệp sẽ là người xây dựng những định hướng lớn về chuyển đổi số của doanh nghiệp. Do đó, con người cần có tư duy cấp tiến, sáng tạo, có hiểu biết đủ sâu về quá trình chuyển đổi số thì mới có thể tiến xa hơn trên con đường này.
“Theo tôi, khó khăn đầu tiên hiện nay là do nhận thức của con người, nhận thức của doanh nghiệp về chính sách về chuyển đổi số là chưa đủ. Nghĩa là, chúng ta mới ở bước đầu, mới nhận ra rằng chuyển đổi số là rất cần thiết. Nhưng chưa thấy được tiềm năng, không gian rộng mở và miền giá trị cực kỳ to lớn của việc chuyển đổi số và tự động hóa. Do đó, doanh nghiệp hành động chưa đủ, chưa quyết liệt trong quá trình này.”
PGS. TS. Nguyễn Trường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế,
Đại học Kinh tế Quốc dân
Ngoài việc chưa có đủ nhận thức, ông Nguyễn Trường Lạng còn cho rằng hiện nay, Việt Nam chưa đào tạo được đội ngũ công nhân, người lao động có khả năng sử dụng, ứng dụng, phát triển, thương mại hóa công nghệ số và thiếu khả năng ứng dụng công nghệ số để tạo ra giá trị lớn hơn.
Đồng thời thiếu sự vào cuộc của nhà khoa học, chuyên gia, viện nghiên cứu trong quá trình ứng dụng công nghệ số vào các mặt của hoạt động sản xuất, nông nghiệp, kinh doanh…
Do đó, ông Lạng cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ số, các trường đại học cần thay đổi chương trình, nội dung giảng dạy, thậm chí cần mạnh dạn áp dụng những mô hình đại học thông mình, với các quy trình tiên tiến, để đào tạo được nguồn lao động chất lượng cao, có đủ kỹ năng để vận hành được một quy trình sản xuất hiện đại. Từ đó, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời đại mới.
Bên cạnh việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trong quá trình “dọn tổ đón đại bàng”, đón đầu sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, ông Lưu Hùng Cường, Giám đốc Kinh doanh của Công ty TNHH Thiết bị Hàn Quốc, cho rằng Nhà nước cũng cần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, thông thoáng hơn nữa.
Đặc biệt là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí phát sinh và rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính. Từ đó, giúp thị trường Việt Nam càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.