Chuyển đổi số để phát triển du lịch: Xu hướng tất yếu
Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực du lịch nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ số trở thành tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Rõ ràng, đây là cách để các đơn vị, doanh nghiệp thay đổi tư duy quản lý, tìm kiếm thêm giải pháp tiếp cận với nhiều khách hàng cũng như thay đổi cách xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.
Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Công nghệ hỗ trợ du lịch
Việc sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh đã được thế giới và Việt Nam thực hiện từ nhiều năm nay. Hoạt động này càng được chú trọng khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống, trong đó có du lịch. Nhiều quốc gia đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực này, coi đó là giải pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến hơn.
Ở Việt Nam, công nghệ số đóng góp rất lớn vào sự thay đổi diện mạo du lịch. Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số để phát triển du lịch Việt Nam”, diễn ra cuối tháng 9-2020, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhận định, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần được đẩy mạnh hơn sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Việc áp dụng công nghệ số giúp các địa phương phát triển du lịch thông minh, tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc tăng cường ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, dễ dàng quản lý công việc trong bối cảnh nhân sự hao hụt, đẩy mạnh chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên internet và có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Ứng dụng phổ biến trong ngành Du lịch là công nghệ di động, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử… Nhiều địa phương đã từng bước đưa các công nghệ này vào hoạt động du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D…
Chính nhờ công nghệ số, du khách trở thành khách hàng thông minh; thói quen du lịch cũng có sự thay đổi, du khách có thể tự đặt dịch vụ tour, tuyến thông qua ứng dụng thông minh. Chị Trần Hoàng Thảo (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Từ lâu, tôi tự đặt tour qua các nhà cung cấp dịch vụ online, như: Booking.com, Agoda, Chu du… Hoặc đặt tour của các công ty du lịch qua giao dịch trực tuyến. Công nghệ đang giúp việc đi du lịch thuận tiện hơn”.
Cần liên kết, chia sẻ công nghệ
Du khách sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tham quan Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Hà Nội luôn đi tiên phong trong việc chuyển đổi số, đưa công nghệ vào hoạt động du lịch và việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh du lịch đã được nhiều đơn vị thực hiện. Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuyển đổi số tiếp tục được các công ty du lịch triển khai mạnh mẽ hơn. Phần lớn các công ty du lịch hoạt động trên địa bàn Hà Nội, như: Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour, VietSense… đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Phùng Xuân Khánh thông tin, do nhân sự giảm, công ty đã thực hiện quản lý công việc kinh doanh, quảng bá tour, giao dịch khách hàng chủ yếu bằng hình thức trực tuyến.
Tại các điểm đến, việc chuyển đổi số cũng cho kết quả rõ nét. Nhiều di tích, làng nghề đã ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Chẳng hạn, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt trang web tra cứu thông tin điểm đến. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị đang xây dựng thư viện 3D, cho phép du khách sử dụng nhiều ngôn ngữ để tìm kiếm thông tin về di tích. Còn theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, địa phương đang xây dựng bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, buộc các đơn vị phải chủ động chuyển mình nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra và phát triển. Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch đạt hiệu quả hơn, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, các đơn vị cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Sở Du lịch Hà Nội sẽ hoàn thiện bản đồ du lịch Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch và du khách dễ dàng tra cứu điểm đến. Thành phố cũng chủ trương đẩy mạnh thương mại điện tử trong lĩnh vực này hướng tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã yêu cầu Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng bắt kịp xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. “Tổng cục Du lịch đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, giúp du khách dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến. Đây là một trong những bước đi quan trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch số. Trong thời gian tới, ngành Du lịch sẽ đưa nhiều ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách”, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định.