Chuyển đổi số để phát triển hiện đại, bền vững

Sáng 3-10, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn chính sách địa phương với chủ đề "Chuyển đổi số - Bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa". Diễn đàn do ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, với sự tham gia của khoảng 250 đại biểu là đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp; đại diện một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên...

Là nhiệm vụ chiến lược

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý và cải thiện chất lượng sống của người dân. Những năm qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa xác định, chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân chứng kiến lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận bảng tượng trưng bộ giải pháp đảm bảo an toàn thông tin do Viễn thông Khánh Hòa trao tặng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân chứng kiến lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận bảng tượng trưng bộ giải pháp đảm bảo an toàn thông tin do Viễn thông Khánh Hòa trao tặng.

Ngày 19-10-2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16 về chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định 3 mục tiêu: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2030, tỉnh sẽ hoàn thành cơ bản chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh; nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số. Tỉnh phấn đấu, 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên cơ sở khai thác kho dữ liệu trực tuyến dùng chung của tỉnh; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; hình thành các nền tảng dữ liệu mở phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối Internet vạn vật (IoT), kết nối chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; kinh tế số chiếm tối thiểu 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh; 80% doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và trên 50% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển dịch lên nền tảng số; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, mạng di động 5G; tỷ lệ dân số sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để tương tác với chính quyền đạt trên 80%...

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Sở Thông tin và Truyền thông tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu, chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng các chính sách, kế hoạch, giải pháp triển khai cụ thể. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số, đưa Khánh Hòa trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Qua hơn 3 năm triển khai chuyển đổi số, nhận thức của cán bộ các cấp đã được nâng cao; ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước được áp dụng rộng rãi; cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh cung cấp cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Theo ông Phạm Quốc Hoàn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã được thực hiện. Hệ thống thông tin Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh đã kết nối, tích hợp với 11 hệ thống thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương… Mỗi người dân có thể cảm nhận được chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Việc mua bán hàng hóa ngày càng dễ dàng hơn qua hệ thống thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Việc nộp hồ sơ trực tuyến; sử dụng phần mềm VssID - bảo hiểm xã hội số; căn cước công dân gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh dần trở nên quen thuộc…

Tuy nhiên, kết quả chuyển đổi số của tỉnh vẫn chưa đáp ứng mong đợi. Một số đơn vị còn gặp khó khăn về nhân lực công nghệ thông tin, hạ tầng công nghệ. Nhiều người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt, ngại tiếp cận các sản phẩm công nghệ hiện đại…

Đề xuất nhiều giải pháp

Chuyển đổi số là cơ hội, nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững; nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi quá trình thay đổi của từng cá nhân, tổ chức. Vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và kết nối, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 mục tiêu này.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn.

Nhiều đại biểu cho rằng, hạ tầng số phải được ưu tiên hàng đầu. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng số (gồm hệ thống viễn thông, mạng Internet tốc độ cao, mạng 5G) sẽ là tiền đề phát triển các ứng dụng thông minh, nâng cao hiệu quả quản lý. Những chính sách phát triển chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng môi trường kinh doanh năng động và cạnh tranh. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp địa phương đầu tư vào công nghệ số; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng công nghệ. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ phát triển công dân số, xã hội số, ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID nhằm thúc đẩy giao tiếp trên môi trường điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến và đảm bảo tính minh bạch, an toàn cho giao dịch; cần có chính sách hỗ trợ, cung cấp chữ ký số miễn phí hoặc với chi phí thấp cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tham gia vào hoạt động chính quyền số. Cùng với đó, cần có các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch, nông nghiệp là những ngành kinh tế chủ lực của Khánh Hòa giúp quản lý, quảng bá du lịch thông minh; giúp quản lý chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như truy xuất nguồn gốc và quản lý thông minh. Ngoài ra, không thể thiếu các chính sách về an toàn thông tin mạng để đảm bảo an toàn, bền vững cho nền tảng số.

Cùng với diễn đàn, trong 2 ngày 4 và 5-10, tại Quảng trường 2 tháng 4 (TP. Nha Trang) diễn ra Ngày hội Công nghệ số tỉnh năm 2024. Đây là các sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10).

Ông Phan Ngọc Thái - Giám đốc Viettel Khánh Hòa đề xuất ban hành các quy định về phát triển bền vững cho doanh nghiệp viễn thông; hỗ trợ trong cấp phép hạ tầng viễn thông, đặc biệt ở khu vực đường Trần Phú (TP. Nha Trang). Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa chia sẻ, các doanh nghiệp đề xuất thành lập các quỹ đầu tư phát triển công nghệ, tập huấn cho đội ngũ quản lý về công nghệ số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận với các công cụ số hóa. “Chúng tôi đang tích cực hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm chi phí và đào tạo nhân lực nội bộ để thích ứng với công cuộc chuyển đổi số”, ông Hải nói. Ông Phùng Huy Tâm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam lại nhấn mạnh đến chính sách thúc đẩy giao dịch điện tử, ứng dụng chữ ký số công cộng cho người dân, doanh nghiệp, bởi chữ ký số cá nhân có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây khi giao dịch trực tuyến tăng mạnh…

Hy vọng, với sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, Khánh Hòa sẽ nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số vào năm 2030 như Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy đề ra.

NGUYỄN VŨ - NHÂN TÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202410/chuyen-doi-so-de-phat-trien-hien-dai-ben-vung-ee32abf/