Chuyển đổi số giáo dục để Việt Nam phát triển hùng cường, thịnh vượng
Giáo dục, nhất là giáo dục đại học sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và phát triển hùng cường, thịnh vượng. Việc đổi mới giáo dục, đại học Việt Nam chỉ có thể thực hiện thông qua chuyển đổi số.
Sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Đây là hoạt động nhằm triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà giáo dục là một trong tám lĩnh vực cần ưu tiên.
Số hóa trường học, gắn mã định danh
Cho đến thời điểm này, một số chính sách chuyển đổi số giáo dục đã và đang mang lại các kết quả tích cực. Đáng kể nhất là việc quản lý, tổ chức đào tạo trực tuyến trong các trường đại học, triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông, hướng dẫn dạy học trên truyền hình, Internet, công nhận kết quả dạy học qua mạng, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,...
Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin tất cả các đối tượng quản lý.
Đến nay, Bộ GD-ĐT đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh 53.000 trường học mầm non, phổ thông, hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn,...) và gần 24 triệu học sinh (với các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất,...)
Bộ cũng đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa để xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên 7.500 luận án tiến sĩ.
Trước sự lây lan của đại dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã triển khai ứng dụng AnToanCovid.vn để thu thập, xây dựng CSDL và vẽ bản đồ thông tin về an toàn dịch cho các cơ sở giáo dục. Có hơn 18.000 trường học đã cập nhật thông tin hàng ngày, từ đó hỗ trợ cho công tác phòng dịch.
Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành GDĐT xác định chuyển đối số đóng vai trò rất quan trọng để đổi mới căn bản toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục.
Sự thành công của việc chuyển đổi số ngành giáo dục cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển.
Ngành giáo dục rất quan tâm đến việc làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu. Mục tiêu của ngành là cố gắng phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, ngành giáo dục cần tổ chức lại để chuyển đổi số một cách bài bản hơn. Trước hết là phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân, các giáo viên, học sinh… đều tham gia trên đó.
Quyết liệt, thần tốc và nền tảng mạnh: Điều kiện để chuyển đổi số giáo dục Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, cuộc CMCN lần thứ 4 mà chủ yếu là công nghệ số và chuyển đổi số mở ra cơ hội cái mới thay cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ. Cơ hội sẽ dành cho các đại học dám đi đầu và đi nhanh.
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế. Khác với các cuộc cách mạng trước đây vốn đòi hỏi việc đầu tư cho các công nghệ vật chất, công nghệ số nếu tính chi phí trên đầu người rất rẻ. Câu chuyện chính là chúng ta có dám làm hay không chứ không phải là có khả năng hay không.
CMCN lần thứ 4 mở ra cơ hội về sự “làm ngược” nhưng mang lại kết quả và hiệu quả bất ngờ. Đây là cơ hội của các đột phá, của những người đi sau, nhưng không phải những người đi sau theo cách của người đi trước.
CMCN 4.0 đi liền với việc phá hủy các mô hình cũ nhưng là sự phá hủy mang tính sáng tạo. Cuộc cách mạng này tạo ra cơ hội cho các nước đi sau, các nước nghèo, các nước đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, người lãnh đạo phải có quyết tâm chiến lược.
Đề xuất với Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để chuyển đổi số, đầu tiên và quan trọng nhất là quyết tâm chính trị của người lãnh đạo. Bộ GDĐT cần một nghị quyết và một đề án về chuyển đổi số ngành giáo dục, tiếp đến là sự thay đổi một số thể chế về phương thức và mô hình dạy học.
Mục tiêu của chuyển đổi số đại học là nâng cao chất lượng đào tạo nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, là hỗ trợ các công cụ giảng dạy mới cho giáo viên và thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành GDĐT đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả, đó chính là các nền tảng hay các platform.
Đây phải là nền tảng mở để liên tục được cập nhật và tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra, hay nói cách khác là các quy trình. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giúp ngành giáo dục xây dựng được những nền tảng như thế.
Để chuyển đổi số trong giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất việc biến trường đại học thành một quốc gia số thu nhỏ. Khi đó, toàn bộ hoạt động của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người trong trường đại học sẽ có một mã định danh số. Việc sống, học tập và làm việc trong môi trường số chính là cách đào tạo kỹ năng số tốt nhất.
Với vấn đề đào tạo lại và đào tạo nâng cao, điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua các khóa học trực tuyến được phát triển trên các nền tảng. Sự xuất hiện của những nền tảng như vậy sẽ xóa mù công nghệ cho vùng sâu vùng xa, góp phần nâng cao kỹ năng số cho xã hội.
Nhìn chung, để chuyển đổi số giáo dục thành công, ngoài ý chí quyết liệt của người lãnh đạo, cần phải có các nền tảng để giải bài toán của xã hội và phải đi nhanh thần tốc để thay đổi thứ hạng Việt Nam.
Đây là những góc nhìn gợi mở cho ngành GD-ĐT bởi giáo dục, đại học sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và phát triển hùng cường, thịnh vượng.
Phải đổi mới trong tư duy
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, ngành giáo dục phải tiên phong và giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục đào tạo.
Ông Sơn nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành giáo dục trong sự nghiệp chuyển đổi số, một mặt phải chuyển đổi những hoạt động trong ngành, từ cách dạy và học đến quản trị, quản lý, hướng tới một hệ thống giáo dục có chất lượng tốt với chi phí thấp và người dân dễ dàng tiếp cận; một mặt phải phát triển con người và đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, thay đổi tư duy của cán bộ quản lý lẫn phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, giảng viên là điều không hề dễ dàng.
“Con người phải thay đổi để thích nghi thì chuyển đổi số mới thành công. Bởi lẽ, giờ đây học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án; đặc biệt phải làm sao cá thể hóa tới từng học sinh”, ông Sơn nói.
Ông Sơn dẫn chứng, khi còn là Hiệu trưởng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vào thời điểm gấp rút, chiều thứ 7, tập thể lãnh đạo vẫn còn bàn việc có nên chuyển sang dạy trên nền tảng trực tuyến hay không thì đến tối đã phải ra quyết định.
Ngay hôm sau, toàn trường phải triển khai ngay. Sang tuần mới, 30% các lớp học đã chuyển sang online và tăng lên 90% sau đó 2 tuần.
Ngoài dạy và học, nhiều hoạt động khác như việc thu học phí, đánh giá điểm rèn luyện của sinh viên cũng được thực hiện qua hình thức trực tuyến.
Sinh viên Bách khoa chỉ cần cầm điện thoại di động đến các sự kiện, quét mã QR, hệ thống sẽ tự động đưa vào để đánh giá điểm rèn luyện.
"Nói ví dụ này để thấy khi có sự thích ứng cao và có năng lực chuyển đổi thì việc chuyển đổi số hoàn toàn khả thi” - Thứ trưởng Sơn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, một trong những điểm đột phá có thể lựa chọn trong giai đoạn tới là phát triển hệ sinh thái nội dung số, bởi từ môi trường số, học liệu số thì mới có thể thay đổi phương pháp dạy và học.
Giáo viên lúc này giống như huấn luyện viên. Sự khác biệt của giáo viên trong kỷ nguyên số là sự xâu chuỗi tài nguyên học tập thành một giáo trình học tập hấp dẫn thay vì những video bài giảng nhàm chán.
Cần xây dựng một nền tảng trực tuyến chung
Là một trong những đơn vị đi đầu trongchuyển đổ i số nhưng theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, nhiều trường đại học vẫn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề nên sử dụng phần mềm nào để sinh viên học trực tuyến.
Do đó, ông đề xuất cần thiết phải xây dựng một nền tảng giảng dạy trực tuyến chung cho các trường đại học ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, để xây dựng được một đại học số hóa, cũng cần xây dựng một phần mềm quản trị đại học gồm tất cả dữ liệu về tài chính, nhân lực,... Trên cơ sở đó, các trường và nhà quản lý có thể đánh giá, thậm chí dự đoán được tương lai phát triển của nhà trường.
Ngoài ra, theo GS Đức, Bộ GD-ĐT có thể tạo ra một bộ tiêu chí để đánh giá quá trình chuyển đổi số của các trường đại học.
“Thực tế khi chúng tôi chuyển sang học trực tuyến, nhiều giảng viên sinh ra tâm lý ngại áp dụng công nghệ mới. Trong khi đó, điều quan trọng nhất khi dạy học trực tuyến là giáo viên vẫn phải tương tác với từng em và hiểu rõ cá nhân từng học trò. Làm được điều đó, việc học trực tuyến mới thực sự hiệu quả. Tất nhiên, vai trò của giảng viên cũng yêu cầu cao hơn và họ phải vất vả hơn rất nhiều.
TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch ĐH Văn Lang cũng đề cập đến những thay đổi lớn trong giáo dục hậu Covid-19 và cho rằng đây là thời điểm thích hợp tạo ra cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam bứt phá.
“Chúng ta cần thay đổi toàn bộ suy nghĩ và cách thức vận hành”, ông nói, đồng thời cho rằng với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ GD-ĐT, có thể tổ chức thí điểm tại một số trường đại học.
Theo TS Trí, cần có một tổ công tác theo dõi sát sao, có kế hoạch cụ thể về thời gian, và thậm chí giao chỉ tiêu để thực hiện.
"Làm sao trong đề án thí điểm này, chúng ta đặt ra mục tiêu trong một thời gian nhất định phải chuyển được ít nhất 5 trường đại học chuyển đổi số tương đối. Đây chính là cái hình mẫu để trường phía sau thực hiện theo” - ông Trí nói.