Chuyển đổi số giúp giảm tình trạng quá tải trong bệnh viện

Nhận diện khuôn mặt, nhập dữ liệu tự động, chỉ định bác sĩ cũng như số phòng khám cho bệnh nhân…, tất cả chỉ mất 3 giây với hệ thống tiếp đón tự động face ID tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội.

 Máy móc, phương tiện kỹ thuật số đã hỗ trợ đắc lực trong việc đón tiếp, khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Máy móc, phương tiện kỹ thuật số đã hỗ trợ đắc lực trong việc đón tiếp, khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Thời gian khám bệnh giảm trung bình 50%

Không chỉ tiết kiệm thời gian, với hệ thống này, người bệnh và nhân viên y tế hạn chế đến mức thấp nhất phải tiếp xúc với nhau, ngoài ra cũng ngăn chặn việc người bệnh mượn thẻ bảo hiểm y tế của người khác.

Bị huyết áp cao nên hàng tháng, bà Thạch Thị Lai (huyện Gia Lâm, Hà Nội) phải đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trước kia, đi khám bệnh với bà là việc mệt mỏi nhất vì phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi từ sáng sớm và nhanh nhất thì cũng phải qua đầu giờ chiều mới có kết quả, được lấy thuốc và đi về. Đến hiện tại, tình trạng này đã không còn nữa.

"Bây giờ đến bệnh viện khám thuận lợi và nhanh hơn rất nhiều, theo giờ giấc, đến lượt thì mình vào, ai đến trước được làm trước, ai đến sau làm sau, không phải chen lấn xô đẩy", bà Lai cho biết.

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Thúy, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nhờ giảm thiểu các thủ tục từ khâu tiếp đón mà áp lực lên vai các bác sĩ cũng giảm đi nhiều.

"Lượng công việc đã giảm hơn rất nhiều, vì có máy móc, không phải làm việc bằng tay chân, máy tính nữa mà sẽ có Face ID nhận diện luôn, thông tin đã có hết rồi. Rất ít khi xảy ra sai sót về thông tin, trừ trường hợp lỗi công nghệ thông tin, khiến mạng bị chậm thôi", bác sĩ Thúy cho hay.

Cũng theo bác sĩ Thúy, kể từ khi công nghệ thông tin được áp dụng vào các công đoạn khám chữa bệnh, thời gian khám bệnh đã giảm trung bình khoảng 50% so với trước, tình trạng quá tải không còn xảy ra dù mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Là bệnh viện tuyến tỉnh nhưng là địa phương đông dân thứ 3 cả nước chỉ sau Hà Nội và TPHCM, nên trước đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng luôn trong tình trạng quá tải. Tuy nhiên, đến hiện tại, việc khám chữa bệnh tại đây đã ngăn nắp, quy củ và quan trọng hơn là không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, chờ đợi kéo dài.

Máy móc, phương tiện kỹ thuật số đã hỗ trợ đắc lực và dần thay thế con người trong việc đón tiếp, khám chữa bệnh tại đây. Tiện ích được cho là khâu đột phá rõ rệt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa phải nói đến phần mềm quản lý bệnh án điện tử. Từ khi bệnh án điện tử được triển khai đã hạn chế thủ tục, đỡ rườm rà hơn rất nhiều.

Bác sĩ Lê Thị Hằng, Phó trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: "Hiện nay các y, bác sĩ của bệnh viện có thể sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính bảng tại phòng bệnh nhân để chỉ định các xét nghiệm ngay tại phòng, có thể xem kết quả xét nghiệm hoặc xem được hình ảnh trên máy luôn, rất thuận tiện trong việc điều trị cho bệnh nhân".

Tăng hiệu quả điều trị

Chuyển đổi số không chỉ làm giảm các thủ tục hành chính mà bệnh viện đã và đang phát huy mạnh mẽ kết quả trong điều trị. Tele-ICU là một trong các hình thức tư vấn, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thực hiện hơn 3 năm nay.

Đã có hàng chục nghìn bệnh nhân được hội chẩn trực tuyến bằng hình thức Tele-ICU giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện tuyến dưới từ tháng 6/2021 đến nay. Nhiều ca bệnh nặng được cứu sống và điều trị thành công.

PGS.TS Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, đến nay đã có 151 cơ sở y tế kết nối khám chữa bệnh từ xa với bệnh viện, triển khai gần 300 buổi với gần 2.500 ca hội chẩn được thực hiện.

Bên cạnh đó, bệnh viện còn triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ xa như Tele-RAD (trong chẩn đoán hình ảnh) với trên 2.000 ca/tháng, gần 200 ca Tele-ICU và gần 1.000 tiêu bản với hình thức Tele-Pathology (giải phẫu bệnh).

Là cơ sở chuyên khoa đầu ngành của cả nước, Bệnh viện K đã ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin trong lĩnh vực y học để nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh. Hàng tuần, các bác sĩ Bệnh viện K thực hiện tư vấn trực tuyến cho người bệnh theo các chuyên đề ung thư khác nhau như ung thư vú, tuyến giáp, đường tiêu hóa…, được người bệnh và người nhà quan tâm.

Theo TS. Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K, bệnh viện thông minh là mục tiêu lớn nhất mà ngành y tế đang hướng tới. Đơn vị đã xây dựng và cố gắng hoàn thành trung tâm điều hành để ban giám đốc nắm được những thông tin hiện trên màn hình trung tâm như tổng số người khám bệnh, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trú, thông tin tỷ lệ ung thư tại các tỉnh, từ đó sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp.

Tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin trong y khoa và tổng kết đề án khám, chữa bệnh từ xa diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi số y tế là tư duy, khát vọng và quyết tâm của lãnh đạo các đơn vị.

Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tốt nhất để đáp ứng yêu cầu về hành lang pháp lý trong chuyển đổi số, cũng như trong việc phê duyệt các dự án công nghệ thông tin và tìm nguồn vốn để phát triển các dự án chuyển đổi số cho các đơn vị.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định y tế là 1 trong số 8 lĩnh vực cần ưu tiên. Thực tế tại các bệnh viện đã cho thấy, chuyển đổi số đã, đang và sẽ là công cụ quan trọng để ngành y tế hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuyen-doi-so-giup-giam-tinh-trang-qua-tai-trong-benh-vien-20240119171202923.htm