Chuyển đổi số hướng về người dân

TPHCM đã triển khai nhiều nội dung của chương trình chuyển đổi số như ban hành bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số, chiến lược quản trị dữ liệu, thực hiện các mô hình điểm cho đề án triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư và xác thực điện tử… Các hoạt động chuyển đổi số hướng về người dân đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 Người dân tìm hiểu về bản đồ số TPHCM, một sản phẩm chuyển đổi số của thành phố

Người dân tìm hiểu về bản đồ số TPHCM, một sản phẩm chuyển đổi số của thành phố

Xây dựng hạ tầng tốt nhất

Viên chức, người dân khi vào làm việc ở trụ sở UBND quận huyện, thậm chí là UBND TPHCM, chỉ cần cầm điện thoại di động thông minh, trình hình ảnh, email có thư mời thì có thể xác tín thay cho các loại giấy mời, giấy tờ tùy thân trước đây. Đó là một phần nhỏ trong kết quả từ chuyển đổi số - xây dựng chính quyền số mà thành phố đã triển khai, mang lại sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Với quá trình xây dựng chính quyền số, đến nay, 100% cơ quan nhà nước của thành phố đã triển khai thư điện tử công vụ; hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống quản lý văn bản, tài liệu điện tử; hệ thống thư mời họp, lịch công tác... Thành phố cũng hoàn thành nâng cấp liên thông trục văn bản giúp kết nối, liên thông văn bản điện tử thông suốt của trên 1.500 đơn vị, tạo lập kho văn bản số toàn thành phố.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, thành phố đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số đạt 740 dịch vụ công trực tuyến; ra mắt Bản đồ thực thi thể chế tại địa chỉ https://bandotheche.hochiminhcity.gov.vn công khai chỉ số minh bạch, tiến độ giải quyết dịch vụ của người dân; Tổng đài 1022 kết nối 700 đơn vị - đầu mối chịu trách nhiệm của 18 lĩnh vực, hay triển khai trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ xử lý văn bản và phục vụ người dân trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính thành phố...

Để có được những kết quả trên, ngoài việc thông suốt chủ trương chuyển đổi số, việc xây dựng hạ tầng đã được chuẩn bị từ sớm. Thành phố nâng cấp trung tâm dữ liệu và hạ tầng điện toán đám mây, duy trì năng lực, tài nguyên với hơn 1.000 máy chủ cho hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố; xây dựng hệ thống mạng chuyên dùng được kết nối, mở rộng liên thông từ thành phố đến cấp xã, phường và các đơn vị trực thuộc với trên 800 điểm kết nối. Thành phố cũng tổ chức phổ cập chữ ký số, cấp cho gần 470.000 người dân, 11.777 chữ ký số cho cán bộ, công chức, 1.950 chữ ký số cho các cơ quan phục vụ sử dụng các dịch vụ công trực tuyến… góp phần thông suốt, an toàn trong các hoạt động của chuyển đổi số.

Theo số liệu công bố của Bộ TT-TT, đóng góp của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP) năm 2023 ước đạt 18,66%. Thành phố liên tục triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế. Để chuyển đổi số gắn liền thúc đẩy kinh tế số, TPHCM tập trung hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số phát triển, tạo động lực để thúc đẩy doanh nghiệp trong các ngành kinh tế thực hiện chuyển đổi số, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới dưạtrên nền tảng công nghệ số…

Gắn kết chính quyền số với công dân số

Năm 2024, TPHCM xác định một trong những mục tiêu là chuyểnđổi số để quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dữ liệu, theo thời gian thực và dự báo; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế số, kinh tế xanh; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động điều hành thành phố.

Theo đó, thành phố xác định đến năm 2025, chính quyền thành phố đưa hoạt động điều hành lên các nền tảng số; 100% dịch vụ công đủ điều kiện sẽ được đưa lên mạng; người dân, doanh nghiệp sẽ thực hiện qua mạng và chỉ cung cấp thông tin một lần; 100% người dân thành phố sẽ có điện thoại thông minh…

Theo Sở TT-TT TPHCM, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, thành phố tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ, phát triển các hạ tầng trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây; hạ tầng mạng viễn thông, internet băng thông rộng, phủ sóng đến từng khu phố, ấp không có vùng lõm sóng; mở rộng, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố; đưa vào phủ sóng rộng rãi mạng 5G (sau khi Bộ TT-TT cấp phép); đẩy mạnh các ứng dụng, dịch vụ 5G.

Các dịch vụ kết nối internet vạn vật (IoT), các nền tảng ứng dụng AI phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... cũng sẽ được tăng cường, mở rộng.

Trong năm 2024, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ ra mắt mới các nền tảng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, đồng thời ứng dụng hiệu quả dữ liệu trong quản trị thực thi của thành phố. Trong đó, sẽ tập trung vào hệ thống thông tin đất đai và cấp phép xây dựng, bởi đây là 2 lĩnh vực có số hồ sơ lớn, phức tạp, ảnh hưởng nhu cầu người dân nhiều nhất. Song song đó, triển khai nền tảng số hóa và lưu trữ tài liệu điện tử thành phố… nhằm làm giàu, khai thác hiệu quả kho dữ liệu thành phố.

“Năm 2024, chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số hướng đến phục vụ người dân nên thành phố tiếp tục đẩy mạnh số hóa và tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rút ngắn thời gian xử lý trên môi trường số nhằm nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ toàn công trình, thủ tục hành chính không giấy tờ. Để tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động tương tác với chính quyền số cũng như xây dựng công dân số, trong năm nay sẽ ra mắt ứng dụng Công dân thành phố trên di động để người dân giao tiếp, tiếp cận với chính quyền thành phố hiệu quả, thuận tiện hơn”, ông Lâm Đình Thắng chia sẻ.

BÁ TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-doi-so-huong-ve-nguoi-dan-post721199.html