Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch bước đầu được chuẩn hóa
Nhiều vấn đề liên quan đến công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình đã được thảo luận tại Hội thảo 'Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình' diễn ra ngày 1-10 tại Hà Nội.
Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (1-10). Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.
Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương, tài nguyên số là một trong những tài nguyên lớn mà bất cứ quốc gia nào cũng cần tập trung quản trị và khai thác để biến nguồn tài nguyên này trở thành động lực phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Bộ VH,TT&DL đã triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và coi đây là yêu cầu tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ đã chỉ đạo.
Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, tính đến nay, trên hệ thống ngành VH,TT&DL đã tạo lập được 6.290 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các đơn vị để kê khai hồ sơ và đã hoàn thành 100% việc kết nối và đồng bộ lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.
Năm 2024, Bộ VH,TT&DL đã triển khai rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các trường thông tin chưa đúng, còn thiếu về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. “Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Bộ sẽ tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành VH,TT&DL, tạo sự kết nối với các dữ liệu khác, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số, công tác quản trị, điều hành và hoạch định chính sách trong thời gian tới”, ông Hoàng Đạo Cương cho biết,
Cho tới nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VH,TT&DL đã bước đầu hình thành số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, như: Số hóa dữ liệu và cập nhật thông tin di sản văn hóa tại các phần mềm Hệ thống thông tin quản lý được triển khai trên phạm vi toàn quốc; số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam; cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch và các hệ thống thông tin cốt lõi tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới xây dựng, quản lý Chính phủ số đối với lĩnh vực du lịch...
Tại hội thảo, bên cạnh những thành quả của công tác chuyển đổi số, các đại biểu cũng nêu những khó khăn, tồn tại và các giải pháp để việc chuyển đổi số trong lĩnh vực VH,TT&DL đạt hiệu quả. Theo đại diện Viện Phim Việt Nam - đơn vị đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa cho biết, Viện đã có kế hoạch, lộ trình nhằm số hóa các tư liệu quý đó. Tuy nhiên, các trang thiết bị được đầu tư đến nay phần lớn đã lạc hậu. Công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu vẫn còn thủ công do chưa có hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng cũng như phần mềm quản lý dữ liệu hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông tỉnh Quảng Ninh Lê Ngọc Hân cho biết, việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, triển khai các hệ thống thông tin, cở sở dữ liệu là khó, phức tạp, có sự rủi ro cao. Theo bà Lê Ngọc Hân, đầu tư cho các hệ thống thông tin và cở sở dữ liệu phải đồng bộ, có lộ trình thích hợp và phải huy động được mọi nguồn lực, việc bố trí nguồn vốn, ban hành các cơ chế, chính sách phải kịp thời, phù hợp, bảo đảm tiến độ triển khai.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số của Bộ VH,TT&DL cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu thời gian tới là Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành.
Còn đại diện Công ty cổ phần Netnam cho rằng, việc bảo đảm an toàn thông tin không chỉ là công nghệ mà còn là cảnh báo sớm. Việc này là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc cả về mặt kỹ thuật và con người. Bên cạnh đó, việc đào tạo, nâng cao nhận thức và xây dựng chính sách an toàn thông tin cũng là những yếu tố quyết định đến sự thành công của một hệ thống công nghệ thông tin an toàn và hiệu quả…