Chuyển đổi số mạnh mẽ ở ngành Y tế Ninh Bình

Thời gian qua, xác định chuyển đổi số nhằm mang lại lợi ích trong công tác khám, chữa bệnh (KCB), các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, máy móc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng KCB và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Sản- Nhi Ninh Bình.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Sản- Nhi Ninh Bình.

Khi con mắc bệnh viêm phổi phải cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, anh Vũ Văn Tiến, xã Lai Thành (huyện Kim Sơn) cảm thấy hài lòng và yên tâm với quy trình KCB tại đây. Anh Tiến cho biết, ngoài cơ sở vật chất, phòng nội trú, điều trị sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, nhiều thủ tục nhập viện, xuất viện cũng được thực hiện nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cả bệnh nhân và người nhà. Cùng với đó là cung cách phục vụ của nhân viên y tế luôn nhẹ nhàng, tận tình, chu đáo khi hướng dẫn trong quá trình điều trị cũng như thực hiện các thủ tục thanh toán ra viện bằng nhiều hình thức, có thể bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng, tạo thuận lợi cho người dân và người nhà khi đến bệnh viện.

Bác sỹ Phạm Mạnh Toàn, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh cho biết: Tại Khoa Khám bệnh, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 600-700 bệnh nhân. Từ khi tích cực ứng dụng CNTT, quy trình KCB ở đây được đơn giản hóa đi rất nhiều. Người dân khi tới đây, được hướng dẫn lấy số phiếu khám bệnh tự động và chờ đến lượt vào khám. Sau đó, chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chíp đã tích hợp thông tin hoặc có thể sử dụng ứng dụng VissID- BHXH số là có thể hoàn thiện các thủ tục KCB...

Khi ra viện, có thể chọn nhiều hình thức thanh toán chi phí KCB, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt được kết nối với nhiều ngân hàng thương mại, tạo điều kiện tối đa cho người dân. Tại các phòng khám, Bệnh viện Sản Nhi cũng đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, kết nối hệ thống dữ liệu đồng bộ thông tin bệnh án giữa các khoa, phòng. Đặc biệt, Bệnh viện Sản Nhi cũng đã đưa hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh không in phim vào hoạt động, qua đó tiết kiệm chi phí không phải in phim, bảo vệ môi trường và giảm thời gian chờ đợi kết quả cho bệnh nhân...

Không chỉ riêng ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tại các bệnh viện tuyến huyện, Trung tâm y tế huyện, thành phố cũng đã bắt đầu triển khai rộng rãi dịch vụ KCB bằng căn cước công dân gắn chíp. Hiện toàn tỉnh đã tích hợp được trên 200.000 thẻ BHYT vào căn cước công dân gắn chíp. Đồng thời, các bệnh viện cũng tích cực sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp các bệnh viện có đầy đủ thông tin bệnh lý của người bệnh, thuận tiện trong quá trình KCB. Việc trao đổi thông tin giữa các khoa, phòng cũng được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, hướng đến bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ.

Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn, hiện đã xây dựng kế hoạch toàn diện thực hiện chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính, quy trình chuyên môn và dịch vụ phục vụ tiện ích cho người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn cho biết: Để phục vụ tốt hơn trong công tác KCB, Bệnh viện đã triển khai mua sử dụng các nền tảng số y tế như Viettel HIS (phần mềm quản lý bệnh viện), phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý sự cố; nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử; nền tảng quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến và các công cụ hỗ trợ KCB và nghiệp vụ y tế khác...

Để tạo thuận lợi cho người dân đến KCB, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn đã cải tiến quy trình tiếp đón bệnh nhân, hoàn thiện quy trình khép kín ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB. Hiện nay, bệnh viện đã bước đầu triển khai bệnh án điện tử, bằng việc số hóa hầu hết các tài liệu y khoa trong hồ sơ bệnh án, chuyển từ bản giấy sang bản điện tử; sử dụng chữ ký số trong bệnh án điện tử. Nhiều hoạt động tại bệnh viện được quản lý bằng hệ thống phần mềm bệnh viện và bệnh án điện tử. Việc thanh toán viện phí không cần tiền mặt thông qua các ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh và người nhà khi sử dụng các dịch vụ tại bệnh viện.

Bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để từng bước chuyển đổi số trong KCB, ngành Y tế đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng CNTT trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn an ninh thông tin; xây dựng kế hoạch về cải cách hành chính theo từng năm. Trong đó có việc ứng dụng CNTT cho các dịch vụ công trực tuyến; phát triển nền tảng Chính quyền điện tử; phát triển hạ tấng số, nền tảng số… Tiếp tục đấy mạnh triển khai, ứng dụng các dịch vụ, giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế. Bảo đảm an toàn an ninh thông tin; Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số...

Hiện các cơ sở KCB trong ngành Y tế đã duy trì hiệu quả phần mềm một cửa; triển khai sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động thông minh; triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. 100% các đơn vị đã triển khai hệ thống mạng chuyên dùng cấp II, xác thực hồ sơ "Hộ chiếu vắc-xin". Phần mềm Y tế cơ sở được ứng dụng cho 143/143 các trạm y tế tuyến xã. Tăng cường triển khai các hoạt động y tế từ xa với các bệnh viện tuyến trên. Một số bệnh viện tuyến tỉnh tiệm cận với số hóa các thông tin về y khoa theo mô hình "Bệnh án điện tử", hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ...

Xác định chuyển đổi số trong y tế là bắt buộc, là xu hướng chung của đất nước nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trong KCB. Để phục vụ và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong KCB, ngành Y tế Ninh Bình tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng số hóa, mua sắm trang thiết bị, thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống máy móc, trang thiết bị. Tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, y, bác sỹ... Đảm bảo thông qua việc sử dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao nhất cho hoạt động KCB, đem đến sự hài lòng cho người bệnh và chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bài, ảnh: Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-doi-so-manh-me-o-nganh-y-te-ninh-binh/d20230409155759788.htm