Chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ kinh doanh xăng dầu

Để ngăn ngừa hành vi gian lận trong kinh doanh buôn bán xăng dầu, nâng cao hiệu quả quản trị, kinh doanh, minh bạch hóa hoạt động quản lý bán hàng, phát triển hệ thống bán lẻ, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng,... các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số.

Khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng quét mã QR code tại cửa hàng xăng dầu số 6 thuộc Công ty CP Anh Phát Petro.

Khách hàng sử dụng phương thức thanh toán bằng quét mã QR code tại cửa hàng xăng dầu số 6 thuộc Công ty CP Anh Phát Petro.

Tại cửa hàng xăng dầu số 6, đường Dương Đình Nghệ (TP Thanh Hóa) thuộc Công ty CP Anh Phát Petro, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai từ nhiều năm trước. Cửa hàng đã trang bị mã QR code để thuận tiện giao dịch với khách hàng trong hoạt động bán lẻ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị, điều hành cho doanh nghiệp.

Anh Vũ Văn Tuyên, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) khách hàng thường xuyên của cửa hàng xăng dầu số 6 cho biết: Do đặc thù công việc thường xuyên phải di chuyển nên mỗi tháng tôi tiêu khoảng 5 - 7 triệu đồng tiền xăng. Từ khi cửa hàng sử dụng mã quét QR code và hóa đơn điện tử đã khiến cho các giao dịch của tôi với cửa hàng thuận tiện hơn rất nhiều.

Công ty CP Anh Phát Petro hiện có 100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và đại lý trên địa bàn toàn tỉnh. Trung bình mỗi tháng toàn hệ thống của công ty trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất bán ra thị trường từ 63.000 - 65.000m3 xăng dầu.

Anh Trương Tiến Hoạt, Kế toán trưởng Công ty CP Anh Phát Petro cho biết: Công ty bắt đầu chuẩn bị hạ tầng cho việc thực hiện số hóa trong hoạt động kinh doanh xăng dầu từ năm 2018. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, công ty đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như số hóa hệ thống điều hành quản lý thông qua các phần mềm Fast e Invoice, phần mềm IGAS... nhằm liên kết dữ liệu từ các cột bơm, bồn chứa theo đường truyền dữ liệu về trung tâm điều hành để tra soát, đối chiếu chi tiết lượng xuất, nhập xăng dầu hằng ngày, bán hàng theo ca, đồng thời phần mềm cũng tự động xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng... qua đó giúp giảm thiểu nhân sự, cung cấp báo cáo theo thời gian thực. Đối với hoạt động quản lý hàng hóa, hệ thống đo bồn tự động của phần mềm IGAS cũng giúp giám sát hàng hóa tồn kho, giúp đơn vị có kế hoạch nhập hàng kịp thời. Ngoài ra, công ty cũng lắp đặt hệ thống camera giám sát mọi hoạt động xuất, nhập xăng dầu và bán hàng tại các cửa hàng nhằm nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định của đội ngũ nhân viên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 587 cửa hàng bán lẻ xăng dầu với hơn 2.200 cột bơm. Để chống thất thu thuế trong kinh doanh xăng dầu, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh đã áp dụng phương thức phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng theo quy định của Chính phủ, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, tiết giảm chi phí kinh doanh...

Bên cạnh đó, các đơn vị đã triển khai lắp đặt hạ tầng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các cửa hàng trực thuộc cho phép thực hiện nhiều loại hình thanh toán khác nhau... nhằm cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng và ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.

Có mặt tại Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 7, PVOIL Thanh Hóa, tại đây, theo ghi nhận khoảng 40 - 50% khách hàng đã sử dụng phương thức quét mã QR code khi thực hiện thanh toán.

Chị Lê Thị Thủy, Cửa hàng kinh doanh xăng dầu số 7, PVOIL Thanh Hóa cho biết: Khi khách hàng sử dụng phương thức thành toán quét mã QR, mọi thông tin sẽ thông báo về hệ thống của khách hàng, đồng thời thông tin giao dịch cũng hiển thị trên các phầm mềm của cả công ty và cửa hàng, hệ thống tự động xuất hóa đơn điện tử. Điều này không chỉ cung cấp nhiều tiện ích cho khách hàng mà còn ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại và nâng cao chất lượng dịch vụ kinh doanh xăng dầu.

Với việc triển khai thành công các phần mềm, ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bán hàng, thời gian tới các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đầu tư công nghệ, ứng dụng các nền tảng số, nâng cấp phần mềm quản trị toàn hệ thống... nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chủ động, kịp thời trong quản lý, phát hiện, ngăn ngừa rủi ro, qua đó góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Linh Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-doi-so-nang-cao-chat-luong-dich-vu-kinh-doanh-xang-dau-220214.htm