Chuyển đổi số nhằm tăng tương tác giữa chính quyền và người dân
Chiều 29/11, trong khuôn khổ hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – Châu Á 2023 đã diễn ra hội thảo với chủ đề 'Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm'.
Phát triển đô thị thông minh cần bắt đầu từ quy hoạch
Hiện nay, một số địa phương, đô thị lớn đã đi đầu như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, Quảng Ninh… đã ban hành các chương trình, đề án phát triển đô thị thông minh. Các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất là Giáo dục, Y tế, Giao thông, Dịch vụ công, Hành chính công và Chính quyền điện tử, Du lịch thông minh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Ngọc Linh – chuyên gia Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xây dựng đô thị thông minh phải bắt nguồn từ việc quy hoạch đô thị, từ đó xây dựng quản lý đô thị thông mình, tiếp đến cung cấp các dịch vụ tiện ích thông minh.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ TTTT, KHCN và các bộ ngành, địa phương duy trì sự kết nối thường xuyên trong triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thị thông minh. Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 48/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.
Theo ông Ngọc Linh, từ năm 2020 tới nay, trên địa bàn cả nước chưa có biến động nhiều về các dự án đầu tư xây dựng đô thị thông minh, các Dự án được đề xuất tại một số tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư. Chủ yếu cũng mới ở bước ban đầu chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch chi tiết dự án hoặc chỉ mới đang nghiên cứu, xây dựng đề xuất.
Nêu một số một số khó khăn trong phát triển đô thị thông minh, ông Trần Ngọc Linh cho biết, các địa phương chủ yếu mới đang triển khai ở những bước cơ bản, nội dung thực hiện chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho đô thị thông minh. Các nội dung liên quan đến quy hoạch thông minh và quản lý xây dựng phát triển đô thị thông mình còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện (do hạn chế về nguồn lực, dữ liệu cho đô thị thông minh..).
Cơ chế nguồn lực cho sự phát triển đô thị thông minh còn thiếu; chưa có hình thức liên kết, kết nối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển đô thị thông minh nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa. Tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh còn chưa cao.
Phân tích nguyên nhân, ông Trần Ngọc Linh cho rằng, chúng ta chưa có các chính sách cụ thể, hỗ trợ, khuyến khích phát triển đô thị thông minh, nhất là việc huy động vốn và phân bổ nguồn lực, chưa xác định rõ các hạng mục sử dụng ngân sách nhà nước và hạng mục sử dụng nguồn lực xã hội, doanh nghiệp. Lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn chuyên sâu, có kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh còn hạn chế về số lượng.
“Mặc dù nhận thức của toàn xã hội về phát triển đô thị thông minh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đây vẫn là vấn đề rất mới và không dễ tiếp cận không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới, do đó cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thực hiện thí điểm và áp dụng” – ông Ngọc Linh nói.
Các nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Linh nhấn mạnh, tới phát triển đô thị thông minh cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch. Cùng với đó xây dựng phát triển kết cầu hạ tầng và các công trình kiến trúc đô thị theo Đồ án quy hoạch được duyệt một cách thông minh. Việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp, ngành.
Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới
Chia sẻ về mô hình chuyển đổi số hiêu quả cho quận/huyện lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, ông Vũ Việt Hưng – Chuyên gia tư vấn, Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel nhấn mạnh, định hướng trong năm 2023 là Năm của Dữ liệu - Thực thi - Thực chất; năm quốc gia về dữ liệu số với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”.
Tuy nhiên hiện nay, cán bộ quản lý của một số cơ quan, đơn vị chưa có nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số và chưa có những hành động rõ ràng, quyết liệt. Hiệu quả sử dụng các dịch vụ công trực tuyến chưa cao so với nhu cầu do quy trình thủ tục hành chính còn rườm rà. Dịch vụ hành chính công vẫn còn thực hiện trực tiếp và một cửa theo sở, ngành theo địa bàn quận, huyện phường xã; chưa phải là “một cửa bất kỳ” – nghĩa là người dân có thể sử dụng dịch vụ công bất kỳ ở nơi đâu mà không cần phải ra trụ sở hành chính.
Về mục tiêu chuyển đổi số quận huyện, về chính quyền số, ông Vũ Việt Hưng cho rằng, cần nâng cao công tác quản lý, điều hành của chính quyền, tăng tính tương tác của chính quyền và người dân.
Cụ thể, về kinh tế số, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy thương mại điện tử phát triển kinh tế địa phương, quảng bá sản phẩm dịch vụ. Về xã hội số, cần đảm bảo hạ tầng viễn thông, trang thiết bị CNTT, trang bị kỹ năng số cho người dân, cán bộ công chức, nâng cao đời sống, an sinh xã hội của người dân.
Về giải pháp, ông Vũ Việt Hưng đề xuất trợ lý ảo trợ giúp người dân tra cứu, thực hiện điền thông tin, thông báo kết quả xử lý nhằm giải quyết khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin về dịch vụ công hay thủ tục phức tạp và mất thời gian khi sử dụng dịch vụ công, thông tin cá nhân phải khai báo nhiều lần, trùng lặp.
Ngoài ra, ông Hưng đề xuất ứng dụng di động để gửi yêu cầu, đơn đơn ký trực tuyến, trang web chính thức của cơ quan chức năng giúp người dân tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm.
Đặc biệt, các quận huyện có thể giải quyết các vấn đề xung quanh công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết khiếu nại của người dân qua hệ thống phản ánh hiện trường. Điều này giúp giải quyết khó khăn trong việc quản lý và giám sát các dự án trên địa bàn quận/huyện; đồng thời nâng cao tính minh bạch trong quy hoạch, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Ông Hưng gợi ý cách tiếp cận chuyển đổi số hướng tới người dân: Phải xác định nhu cầu người dân, từ đó xây dựng giải pháp dựa trên nhu cầu của người dân. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo an toàn thông tin, thông tin cá nhân và không ngừng lắng nghe, cải tiến để gia tăng sự hài lòng và tin tưởng của người dân.
Chuyển đổi số vì người dân
Nhấn mạnh mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế là lấy người dân làm trung tâm, Giám đốc Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Sơn cho biết: Tỉnh có đặc điểm mưa lũ thiên tai ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. TP đã triển khai các ứng dụng, công nghệ thông tin qua ứng dụng Hue-S để giúp người dân có thông tin kịp thời và chủ động trong các biện pháp phòng chống thiên tai bão lụt. Đến nay, tổng đài đã nhận 379.015 cuộc gọi của người dân; trong đó có hàng trăm cuộc gọi cần ứng cứu khẩn cấp.
Về phương pháp tiếp cận, ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết: “Chúng tôi đề ra nguyên tắc là “không nghe báo cáo”, mà phải lắng nghe, quan sát thông tin từ người dân và đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời”.