Chuyển đổi số - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đột phá trên hành trình phát triển (bài 1): Nền tảng vững chắc trên hành trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đột phá trên hành trình phát triển (bài 1): Nền tảng vững chắc trên hành trình chuyển đổi số

Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX về chuyển đổi số được ban hành vào tháng 10/2021, đã được các cấp, ngành triển khai bài bản, đồng bộ với nhiều nội dung, giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội. Cùng với sự đầu tư về hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số, chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền cũng như sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Sở TT&TT Hà Tĩnh cùng các đơn vị VNPT, Viettel, FPT, MisaEsigs ký kết hợp tác các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số.

Sở TT&TT Hà Tĩnh cùng các đơn vị VNPT, Viettel, FPT, MisaEsigs ký kết hợp tác các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số.

5 chương trình trọng điểm và 3 đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025 xác định những nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hạ tầng số; xây dựng chính quyền điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số... Chủ trương này đã sớm được cụ thể hóa bằng Nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Để hoàn thiện thể chế, chính sách, UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án CĐS; ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình; thành lập Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; hợp nhất tổ CĐS cộng đồng và tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 tại thôn, tổ dân phố...

Ông Đậu Tùng Lâm - Giám đốc Sở TT&TT cho biết, để có định hướng thực hiện dài hơi cho giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030, Hà Tĩnh đã làm việc với Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan để được tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai các nhiệm vụ CĐS trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức ký kết hợp tác về CĐS với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như Viettel, VNPT, Mobifone, FPT...

Các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn tỉnh kịp thời chỉ đạo, quán triệt, lồng ghép các nội dung CĐS trong xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai các mặt công tác.

Các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn tỉnh kịp thời chỉ đạo, quán triệt, lồng ghép các nội dung CĐS trong xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai các mặt công tác.

Các sở, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng kế hoạch hoặc đề án CĐS giai đoạn 2021-2025. Các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn đã kịp thời chỉ đạo, quán triệt, lồng ghép các nội dung CĐS trong xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai các hoạt động công tác; các tổ CĐS cộng đồng, với sự kết hợp thống nhất giữa bí thư hoặc thôn trưởng, cán bộ đoàn, công an và các chi hội cấp thôn đã tạo nên cầu nối tuyên truyền các chủ trương, chính sách về công tác CĐS, đồng thời, mang cả giá trị công nghệ đến từng thôn xóm và từng người dân.

Để sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Hà Tĩnh đã và đang ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ CĐS. Nếu như trước đây, mỗi năm địa phương chi khoảng 20-30 tỷ đồng, thì đến năm 2022, toàn tỉnh đã chi hơn 180 tỷ đồng cho các hoạt động CĐS. Năm 2023, đến thời điểm này, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã phân bổ ngân sách phục vụ cho việc xây dựng các nền tảng số, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng cho các lĩnh vực trên địa bàn Hà Tĩnh và các nội dung liên quan về CĐS là 130 tỷ đồng.

Huyện Hương Khê vận dụng tốt nguồn lực xã hội hóa để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ CĐS.

Huyện Hương Khê vận dụng tốt nguồn lực xã hội hóa để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ CĐS.

Đặc biệt, nhiều ngành, địa phương đã vận dụng tốt nguồn lực xã hội hóa để triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm này. Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay, là địa phương khó khăn, nguồn kinh phí để tổ chức ngày hội CĐS tại các xã, thị trấn khá ít. Bởi vậy, địa phương phối hợp, kêu gọi xã hội hóa nguồn lực từ các doanh nghiệp để triển khai (trung bình chiếm khoảng 30% kinh phí tổ chức). Đến nay, 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hương Khê đã tổ chức ngày hội CĐS, thu hút gần 20.000 người tham gia. Tại các ngày hội, có trên 29.000 lượt dịch vụ đăng ký thành công, phổ biến nhất là dịch vụ hướng dẫn, cài đặt tạo tài khoản cho người dân trên cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó là các dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng, điện lực, BHXH; cài đặt định danh điện tử...

Nhờ các chính sách và chương trình nâng cao nhân lực, hiện nay Hà Tĩnh đang duy trì cơ bản đội ngũ cán bộ CNTT ổn định.

Nhờ các chính sách và chương trình nâng cao nhân lực, hiện nay Hà Tĩnh đang duy trì cơ bản đội ngũ cán bộ CNTT ổn định.

Cùng với thể chế, chính sách thì nhân lực số là khâu quan trọng để thực hiện CĐS hiệu quả và bền vững. Tại Hà Tĩnh, nhờ có chính sách thu hút kịp thời, hiện nay, tỉnh đang duy trì đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị đã có chuyển biến mạnh mẽ về mặt ý thức, nhận thức và mức độ sẵn sàng đối với CĐS; kỹ năng ứng dụng CNTT của cán bộ nhìn chung khá tốt.

Trong CĐS, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số đóng vai trò rất quan trọng. Từ khi tổ chức thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn lực để triển khai đầu tư hạ tầng số và các nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành... Nhờ đó đã kịp thời bổ sung nhiều trạm BTS và nâng cao mức độ phủ sóng khu dân cư. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 21.000 km cáp quang nội tỉnh; 3.250 trạm BTS (3G, 4G), phủ sóng 99% khu vực dân cư. Đồng thời, hạ tầng về trang thiết bị CNTT trong các cơ quan, đơn vị cũng được quan tâm đầu tư, nâng cấp; hệ thống truyền thanh cơ sở ngày càng được đầu tư hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông.

Hiện nay, toàn tỉnh có có trên 21.000 km cáp quang và 3.250 trạm BTS (3G, 4G).

Hiện nay, toàn tỉnh có có trên 21.000 km cáp quang và 3.250 trạm BTS (3G, 4G).

Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương cũng đang tập trung số hóa để hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các chuyên ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia đã được các cơ quan, đơn vị phối hợp làm sạch, làm giàu và tích hợp vào các nền tảng dùng chung của tỉnh. Trong đó, một số dữ liệu ngành đã được kết nối và đồng bộ trên địa bàn tỉnh như: đất đai, dân cư, thủ tục hành chính (TTHC), tài chính, BHXH, doanh nghiệp, lĩnh vực LĐ-TB&XH...

Trong quá trình phối hợp với Bộ Công an tổ chức hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư của tỉnh, Hà Tĩnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương về triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; Hà Tĩnh cũng là địa phương thứ hai trên toàn quốc hoàn thành cấp căn cước công dân (vượt tiến độ trước 80 ngày); thu nhận hơn 1 triệu hồ sơ, kích hoạt hơn 870.000 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 101% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao. Ngoài ra, đã khai thác thông tin cư trú của công dân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh thay cho việc yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; xây dựng 207 mô hình dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp; rà soát, trang bị máy tính, máy scan... để phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến và phục vụ số hóa dữ liệu...

Hà Tĩnh là địa phương thứ 2 toàn quốc hoàn thành kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 101% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao.

Hà Tĩnh là địa phương thứ 2 toàn quốc hoàn thành kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 101% so với chỉ tiêu Bộ Công an giao.

Việc xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia cũng đã giúp nhiều ngành, lĩnh vực thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý Nhà nước, phục vụ người dân. Ông Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở TN&MT chia sẻ, nhờ liên thông dữ liệu đất đai nên việc giải quyết TTHC trong lĩnh vực này đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, tính minh bạch trong giải quyết TTHC được đảm bảo; người dân cũng có thể theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, cơ quan Nhà nước cũng thuận lợi hơn trong việc cung cấp thông tin địa chính cho người dân, doanh nghiệp (nhờ có sẵn trên hệ thống). Ngoài ra, lĩnh vực đất đai cũng đã được liên thông với ngành thuế, các thủ tục liên quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng.

Sau khi đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, ngành TN&MT Hà Tĩnh đã có nhiều thuận lợi hơn trong việc tra cứu, cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp.

Sau khi đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, ngành TN&MT Hà Tĩnh đã có nhiều thuận lợi hơn trong việc tra cứu, cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp.

Thực tế cũng cho thấy, việc số hóa dữ liệu, giao dịch trực tuyến đặt ra hàng loạt thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro mới về an toàn thông tin. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn thông tin đang được Hà Tĩnh chú trọng thực hiện, đảm bảo CĐS an toàn và bền vững. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông (Sở TT&TT) cho biết, để đảm bảo an toàn dữ liệu, thông tin, với vai trò là cơ quan thường trực, Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng (trực thuộc trung tâm) đã triển khai cài đặt phần mềm phòng chống mã độc quản trị tập trung tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh (thực hiện tại 1.036 máy tính trạm, 5 máy chủ và đang tiếp tục mở rộng). Cùng với đó, đã tổ chức phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin cho 100% hệ thống thông tin. Xây dựng hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC); triển khai cài đặt phần mềm phòng chống mã độc quản trị tập trung tại Trung tâm và các cơ quan, đơn vị. Triển khai đầu tư các trang thiết bị, phần mềm đảm bảo an toàn thông tin tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đã triển khai cài đặt phần mềm phòng chống mã độc quản trị tập trung tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đã triển khai cài đặt phần mềm phòng chống mã độc quản trị tập trung tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ CĐS còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù tỉnh đã ban hành hệ thống chủ trương, chính sách, đề ra lộ trình thực hiện, nhưng thực tế việc cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ của thể chế tại mỗi ngành, mỗi địa phương chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, mặc dù đã có sự ưu tiên về chính sách nhưng kinh phí hàng năm chi cho CĐS vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Từ điểm xuất phát thấp về CĐS, hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành trên địa bàn tỉnh hiện còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành hệ thống dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở. Một số mô hình về ứng dụng CNTT, CĐS chưa có sự đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.

Cán bộ, công chức, viên chức, người dân Hà Tĩnh hào hứng trải nghiệm các dịch vụ chữ ký số.

Cán bộ, công chức, viên chức, người dân Hà Tĩnh hào hứng trải nghiệm các dịch vụ chữ ký số.

Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05 và các văn bản chỉ đạo, điều hành, Hà Tĩnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thêm các chính sách về CĐS đáp ứng điều kiện thực tiễn; có những bước đi đồng bộ trong đầu tư hạ tầng số, nền tảng số và cơ sở dữ liệu. Từ đó tiếp tục thúc đẩy CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số, bảo đảm an toàn thông tin mạng, góp phần tối ưu hóa quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong thời kỳ mới.

Bài 2: Nỗ lực kiến tạo môi trường số trong giao dịch hành chính ở Hà Tĩnh

Bài 3: Thúc đẩy giá trị mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội tỉnh nhà

(Còn nữa)

Bài & Ảnh: Nhóm P.V

Thiết kế & Trình bày: Công Ngọc

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chinh-quyen/chuyen-doi-so-nhiem-vu-trong-tam-xuyen-suot-va-dot-pha-tren-hanh-trinh-phat-trien-bai-1-nen-tang-vung-chac-tren-hanh-trinh-chuyen-doi-so/255230.htm