Chuyển đổi số: Phát huy vai trò của nữ cán bộ cơ sở vùng dân tộc thiểu số
Chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, vai trò của cán bộ nữ cơ sở, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, được xác định là nhân tố đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững và bình đẳng giới. Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Bùi Tiến Trường - đại diện nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT ) của cán bộ nữ vùng dân tộc thiểu số tại Gia Lai.

Các thành viên đội chiêng nữ Ba Na làng Kgiang (huyện Kbang) xem lại phần trình diễn được ghi hình bằng điện thoại
PV: Thưa Thạc sĩ, xin ông chia sẻ bối cảnh ra đời của nghiên cứu này và vì sao việc phát triển năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ nữ vùng dân tộc thiểu số lại cấp thiết đến vậy trong bối cảnh hiện nay?
ThS. Bùi Tiến Trường: Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới cho hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh trực tuyến, đặc biệt đối với cán bộ nữ cơ sở trong hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như thông tin giả, lừa đảo trực tuyến hay các vấn đề về an ninh mạng. Chính vì vậy, nghiên cứu này xây dựng một chương trình giảng dạy nhằm trang bị cho học viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tận dụng công nghệ một cách an toàn, hiệu quả, từ đó phát triển kinh tế cá nhân và cộng đồng một cách bền vững.
Đây sẽ là bước khởi đầu quan trọng để các chị em không chỉ làm chủ kinh tế mà còn nâng cao vị thế trong gia đình và cộng đồng, góp phần thu hẹp khoảng cách số và thúc đẩy bình đẳng giới.
Chúng tôi nhận thức rõ những thách thức đang đặt ra với cán bộ nữ cơ sở trong các vùng DTTS. Việc trang bị cho họ những kỹ năng và hiểu biết sâu rộng về CNTT không chỉ giúp họ tự tin hơn trong vai trò của mình mà còn giúp tiếp cận được những cơ hội hiện tại, từ quản lý thông tin đến sử dụng công cụ truyền thông hiện đại.

Thạc sĩ Bùi Tiến Trường
Khi được đào tạo về công nghệ, chuyển đổi số, cán bộ nữ cơ sở có thể đóng góp tích cực vào quá trình đưa ra quyết định và thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng.
Chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm khảo sát tình hình ứng dụng CNTT của cán bộ nữ vùng DTTS tại tỉnh Gia Lai, để nhìn nhận rõ hơn thực trạng, tiềm năng và những lợi ích mà việc phát triển năng lực ứng dụng CNTT có thể mang lại, đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ, đồng đều và hiện đại hóa.
PV: Qua khảo sát thực tế tại Gia Lai, ông đánh giá như thế nào về thực trạng năng lực ứng dụng CNTT của cán bộ nữ cơ sở vùng dân tộc thiểu số hiện nay?
ThS. Bùi Tiến Trường: Qua khảo sát với 60 cán bộ nữ cơ sở tại các vùng DTTS ở tỉnh Gia Lai, kết quả cho thấy rằng mặc dù các cán bộ nữ đã có sự nhận thức nhất định về tầm quan trọng của CNTT, nhưng hiểu biết và sự thành thạo trong việc ứng dụng vào công việc vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo số liệu khảo sát, thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của các cán bộ
nữ cơ sở trên từ 1 đến 10 năm chiếm phần lớn nhưng chỉ để phục vụ giải trí,
xem tin tức, tra cứu thông tin, liên lạc (76,67%), trong khi đó dùng thiết bị công
nghệ chỉ phục vụ công việc cơ quan thì không có người nào.
Nhiều người trong số họ có thể gặp khó khăn với việc sử dụng các công cụ và ứng dụng công nghệ, đặt ra thách thức trong việc quản lý thông tin và tương tác trực tuyến. Điều này phản ánh một thực trạng đáng lưu tâm: nhiều cán bộ nữ vùng DTTS chưa thực sự làm chủ được các công cụ công nghệ để phục vụ hiệu quả cho công việc quản lý, điều hành tại địa phương.

Phụ nữ Gia Rai ở huyện Phú Thiện hào hứng xem lại công đoạn làm men rượu cần truyền thống được ghi hình trên điện thoại
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, tỷ lệ cán bộ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi chiếm tới 53,33%. Đây là nhóm tuổi có khả năng tiếp thu kiến thức mới nhanh, khi kết hợp với kinh nghiệm công tác, họ sẽ đạt được kết quả tốt nếu được trang bị kỹ năng đầy đủ.
Sự quan tâm và ý thức về việc nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của các cán bộ nữ cơ sở cũng ngày càng rõ rệt, khi khảo sát cho thấy nhu cầu đào tạo về chuyển đổi số và CNTT rất lớn, đặc biệt tập trung vào các chuyên đề thực tiễn như ứng dụng thiết bị di động trong quản lý công việc, soạn thảo văn bản trực tuyến, sử dụng bảng tính và tạo bản thuyết trình.
PV: Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp nào để nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho cán bộ nữ cơ sở vùng dân tộc thiểu số, thưa ông?
ThS. Bùi Tiến Trường: Để phát triển năng lực ứng dụng CNTT cho cán bộ nữ cơ sở trong hệ thống chính trị vùng DTTS, nhóm nghiên cứu chúng tôi cho rằng cần triển khai một chiến lược toàn diện, gồm nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước hết, cần thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu, tập trung vào kỹ năng sử dụng công nghệ từ cơ bản đến nâng cao, thông qua các khóa học, hội thảo chuyên đề. Đặc biệt ưu tiên các nội dung thiết thực như chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ số, xã hội số, công dân số, và các kỹ năng sử dụng thiết bị di động trong quản lý công việc, quản lý gia đình.
Song song với đó, việc xây dựng nền tảng CNTT chuyên dụng cũng rất quan trọng, ví dụ như các ứng dụng, website riêng để cán bộ nữ dễ dàng truy cập, giao tiếp, quản lý công việc, chia sẻ thông tin và học tập. Sự tích hợp công nghệ di động là xu hướng không thể thiếu giúp họ tiếp cận thông tin từ mọi nơi.
Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia các chương trình khuyến khích sáng tạo, ứng dụng CNTT vào giải quyết các vấn đề thực tiễn tại địa phương. Mặt khác, cần xây dựng mạng lưới hỗ trợ thông qua diễn đàn trực tuyến, nhóm chia sẻ, các sự kiện kết nối để các cán bộ nữ có cơ hội giao lưu, học hỏi, đồng hành trong chuyển đổi số.
Ngoài ra, chương trình đào tạo hướng dẫn sử dụng công nghệ AI giúp cán bộ nữ vùng DTTS xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc sản phẩm địa phương trên các nền tảng số. Các công cụ AI như phân tích dữ liệu, tạo nội dung quảng bá, hay các công cụ hỗ trợ kinh doanh.
Điều này không chỉ thúc đẩy thương mại điện tử mà còn tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương bền vững.
Cuối cùng, vấn đề an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu cá nhân cần được quan tâm đúng mức. Vì thế, việc cung cấp các khóa đào tạo về an toàn thông tin và quyền riêng tư cũng rất cần thiết, giúp cán bộ nữ yên tâm khi làm việc và tiếp cận công nghệ.
PV: Theo ông, nếu thực hiện tốt các giải pháp này, vai trò và ảnh hưởng của cán bộ nữ cơ sở vùng dân tộc thiểu số sẽ thay đổi ra sao trong tiến trình phát triển cộng đồng và chuyển đổi số quốc gia?
ThS. Bùi Tiến Trường: Tôi tin rằng, khi các cán bộ nữ cơ sở vùng DTTS được nâng cao năng lực về CNTT và kỹ năng số, họ sẽ tự tin hơn rất nhiều trong công tác quản lý, điều hành và tham gia vào các hoạt động chính trị tại cơ sở.
Việc phát triển năng lực ứng dụng CNTT cho cán bộ nữ không chỉ giúp nâng cao hiệu suất công việc mà còn tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ trong môi trường công vụ và chính trị. Khi những người phụ nữ này làm chủ được công nghệ, họ sẽ đóng vai trò như những "cầu nối" giữa chính quyền với cộng đồng, đặc biệt là trong việc truyền tải chủ trương, chính sách chuyển đổi số đến từng người dân, từng thôn bản.
Tôi kỳ vọng với những giải pháp nêu trên, cán bộ nữ cơ sở vùng DTTS sẽ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế và tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển và xây dựng chính trị cơ sở, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!