Chuyển đổi số tạo bước chuyển mình mạnh mẽ tại Sacombank
Các ngân hàng tại Việt Nam đang đưa số hóa thành một trong những mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như tạo lợi thế cạnh tranh cho chính mình.
Sacombank là một trong số những ngân hàng sớm xác định công nghệ là trụ cột trong chiến lược phát triển, đặc biệt chú trọng vào việc đầu tư để chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của ngân hàng phù hợp với xu hướng công nghiệp 4.0.
Theo đó, hai mục tiêu chính Sacombank hướng đến trên hành trình chuyển đổi số gồm: một là tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, hai là tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực quản trị và năng suất lao động.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho rằng: “Chuyển đổi số là một hành trình và đòi hỏi tổ chức phải có năng lực số tương ứng. Chuyển đổi số không đơn thuần là các dự án công nghệ mới mà phải thay đổi tư duy, thay đổi mô hình kinh doanh và quy trình, nâng cao kỹ năng và năng lực số trong tổ chức mới có thể thành công”.
Chuyển đổi số toàn diện
Đối với khách hàng, từ năm 2010 Sacombank đã ứng dụng công nghệ số để tạo ra các kênh giao dịch hiện đại như trung tâm dịch vụ khách hàng, ứng dụng mô hình ngân hàng hợp nhất các kênh giao dịch trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam (Internet Banking và Mobile Banking), đồng thời là ngân hàng đầu tiên đạt chứng nhận bảo mật PCI DSS và ứng dụng 3D secure trong giao dịch thanh toán thương mại điện tử vào năm 2013; là ngân hàng đầu tiên phát hành và chấp nhận thẻ chuẩn EMV trên tất cả các máy POS và ATM vào năm 2015; năm 2017 phát hành thẻ thanh toán không tiếp xúc đầu tiên trên thị trường và triển khai phương thức thanh toán QR chuẩn EMV toàn cầu; cho ra đời ứng dụng quản lý tài chính Sacombank Pay trên điện thoại thông minh vào năm 2018…
Bên cạnh đó, Sacombank còn chú trọng chuyển đổi số các hoạt động bên trong. Năm 2018 số hóa quy trình bán hàng, dịch vụ khách hàng và marketing (CRM), ứng dụng môi trường làm việc số (Microsoft Team), số hóa quy trình tác nghiệp và phê duyệt online hướng đến văn phòng không giấy, ứng dụng điện toán đám mây.
Năm 2019, ngân hàng số hóa quy trình phê duyệt tín dụng (LOS), triển khai đào tạo trực tuyến, nâng cấp ngân hàng lõi T24-R17, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (chatbot), công nghệ Robot (RPA – Robotic Process Automation) …
Đặc biệt, năm 2020 Sacombank là ngân hàng đầu tiên chuyển đổi thành công phương thức tổ chức đại hội đồng cổ đông sang hình thức trực tuyến và bỏ phiếu điện tử. Đây cũng là năm Sacombank bước đầu vận hành Trung tâm điều hành an ninh mạng (Security Operation Center) theo tiêu chuẩn quốc tế - một điểm sáng trong hành trình chuyển đổi số vì không nhiều ngân hàng tại Việt Nam vận hành trung tâm này một cách đúng nghĩa.
Tháng 8/2020 vừa qua, Sacombank đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để ra mắt tính năng xác thực trực tuyến (eKYC) nhằm đơn giản các thủ tục, giảm thiểu thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Trong tháng 11/2020 này, ngân hàng sẽ triển khai công nghệ HCE biến điện thoại thông minh của khách hàng thành 1 chiếc thẻ EMV Contactless phi vật lý (thẻ ảo) để thanh toán chạm và công nghệ Tap to Phone biến điện thoại thông minh thành một máy POS NFC giúp doanh nghiệp chấp nhận thanh toán thẻ EMV Contactless nhanh chóng, dễ dàng và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Trên nền tảng đã tạo, Sacombank liên tục đầu tư nâng cấp dịch vụ ngân hàng điện tử và công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự thuận tiện tối đa cho khách hàng sử dụng như đồng nhất Internet Banking và Mobile Banking trên máy tính và các thiết bị di động, áp dụng các công nghệ đi đầu tạo xu hướng thanh toán mới như thanh toán không tiếp xúc, thanh toán QR, chuyển tiền – nhận bằng di động...
Ngân hàng đã triển khai nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, chuyển tiền trong và ngoài nước, thanh toán các dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, truyền hình cáp, khám chữa bệnh...) trên các kênh điện tử.
Đặc biệt, Sacombank đã tiếp cận rất sớm và tiên phong trong việc cung cấp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục thông qua dự án SSC của Sở giáo dục TP.HCM tại hơn 320 trường học trên địa bàn TP.HCM và hiện tại đã mở rộng đến các trường học trên địa bàn Cần Thơ và Đà Nẵng nhằm hỗ trợ phụ huynh học sinh thanh toán học phí nhanh chóng và an toàn.
Đối với doanh nghiệp, Sacombank cung cấp các dịch vụ thu/chi hộ, đặc biệt là quản lý dòng tiền và thanh toán COD giúp doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận các hình thức thanh toán như QR, thẻ, mobile app hoặc tiền mặt mà không cần quản lý nhân viên thu tiền mặt như trước đây, vừa tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro do liên quan đến tiền mặt.
Chú trọng đảm bảo an toàn thông tin
Sacombank không chỉ đầu tư các nền tảng, công nghệ thanh toán mà còn chú trọng bảo đảm an toàn thông tin. Là ngân hàng duy nhất đạt chứng chỉ bảo mật thanh toán thẻ PCI DSS trong 7 năm liên tục kể từ năm 2013 và sẽ nỗ lực để duy trì trong các năm tới. Với chứng chỉ này, Sacombank luôn được các tổ chức thẻ chọn triển khai các công nghệ mới với các yêu cầu bảo mật đi kèm như dịch vụ chuyển tiền thông qua thẻ Visa, MasterCard, phát hành thẻ phi vật lý, chấp nhận và thanh toán bằng mã QR qua nền tảng Open API.
Đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, Sacombank đã áp dụng công nghệ bảo mật mã hóa thông tin thẻ (tokenization) và xác thực giao dịch thương mại điện tử 3D Secure nhằm bảo vệ chủ thẻ. Ngân hàng cũng đã triển khai cơ chế chống giả mạo (fishing) trên website ngân hàng điện tử (Internet Banking) giúp khách hàng nhận biết, tránh truy cập và cung cấp thông tin đăng nhập trên các trang web giả mạo. Đồng thời trang bị công nghệ bảo mật IBM Trusteer dành cho thiết bị và điểm truy cập đầu cuối để tăng thêm lớp bảo mật cho các ứng dụng thanh toán.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, chuyển đổi số thực sự đã tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ và mang lại hiệu quả to lớn cho Sacombank. Bên cạnh việc gia tăng năng suất lao động và chất lượng công việc đáng kể thì ngân hàng còn tiết kiệm được một khoản lớn chi phí điều hành và chi phí nhân sự khi áp dụng quy trình tác nghiệp điện tử, hội họp trực tuyến; thời gian xử lý hồ sơ cũng được cải thiện nhiều so với trước đây.
Hơn thế nữa, khi đáp ứng được các nhu cầu về tài chính, thanh toán điện tử phù hợp với xu hướng thì năng lực cạnh tranh của ngân hàng cũng tăng lên, từ đó gia tăng doanh thu, lợi nhuận và uy tín thương hiệu.